Trong Kinh Tăng Chi, Chương 6 Pháp, Phẩm Lợi Ích
Sáu điều khó gặp ở đời
- Sự xuất hiện của Đức Phật
- Sự xuất hiện của người thuyết giảng chánh pháp và luật của Đức Phật
- Khó tái sanh trong thánh xứ (khó gặp Phật Pháp)
- Không khiếm khuyết 6 căn
- Không si mê, đui, điếc, câm, ngọng
- Ước muốn thiện pháp (ước muốn làm người tốt)
1. Sự xuất hiện của Đức Phật
Từ nay đến tương lai sắp tới của kiếp Trái đất này, chỉ có một Đức Phật ra đời kế tiếp đó là Phật Di Lặc.
Tại sao một Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện là khó?
Thời gian một vị Phật Chánh Đẳng Giác hành ba-la-mật rất dài.
Thời gian các Ngài tu hành từ lúc phát tâm tới lúc thành Phật: từ lúc các Ngài bắt đầu tu, từ lúc phát nguyện trong tâm là 7 A tăng kỳ, phát nguyện ra lời là 9 A tăng kỳ nữa, từ lúc Đức Phật được thọ ký thành Phật (Đức Phật Thích Ca được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký), tính từ Đức Phật được thọ ký cho tới lúc thành Phật là 4 A tăng kỳ một trăm ngàn đại kiếp nữa.
Một vị Phật Chánh Đẳng Giác từ lúc phát nguyện trong tâm, phát nguyện ra lời và được thọ ký là 20 A tăng kỳ một trăm ngàn đại kiếp.
Vậy 1 A tăng kỳ là bao lâu? Các Ngài lấy ví dụ: có 1 bức tường vuông vức ngang 16km, dọc 16km, cao 16km, trong đó để những hạt cát, cứ 100 năm lấy ra 1 hạt cát, lấy ra khi nào hết cát trong đó thì là 1 A tăng kỳ kiếp. Thời gian một vị Phật Chánh Đẳng Giác mà Ngài thành Phật là 20 A tăng kỳ một trăm ngàn đại kiếp.
Chúng ta hay nghe nói Phật Độc Giác – là vị thành Thánh trong thời kỳ không còn Phật Pháp nữa. Ví dụ tới thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật không còn nữa và trên đời này không còn ai biết gì về Phật Pháp nữa thì vị Thánh trong thời kỳ không có Phật Pháp đó gọi là Phật Độc Giác hay Bích Chi Phật. Vị này thành Phật được cũng phải tốn 2 A tăng kỳ một trăm ngàn đại kiếp.
Đức Phật Thích Ca có hai vị đệ tử Thượng Thủ Thanh Văn là Thầy Xá lợi Phất và Thầy Mục Kiền Liên phải tốn thời gian là 1 A tăng kỳ một trăm ngàn đại kiếp.
Còn các vị Thanh Văn khác như Thầy Ca Diếp, Thầy A Nan, Thầy Phú Lâu Na.. thì phải tốn một trăm ngàn đại kiếp, còn các vị Thánh khác không có đặc hạnh nào đặc biệt thì cũng cần xấp xỉ một trăm ngàn đại kiếp.
Vậy nên, để có một vị Phật xuất hiện là rất khó, trong khoảng thời gian đó, các Ngài hành ba la mật (là các pháp lành, các pháp thiện và các pháp thiện đó phải hướng về con đường giải thoát giác ngộ). Lâu lắm mới có một vị Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện, khi các Ngài xuất hiện như vậy thì chánh pháp mới còn có mặt.
Kính thưa quý Phật tử, chúng ta đang trong thời kỳ còn chánh pháp. Tuy thời kỳ huy hoàng của trái đất (80 năm Đức Phật có mặt) đã qua nhưng vẫn còn chánh pháp. Đến một ngày nào đó, người tu không còn nữa thì sẽ không ai dạy chánh pháp cho chúng ta nữa, không ai truyền giới cho chúng ta nữa, cư sĩ không còn nữa, 5 giới không còn nữa.
“Con vô phúc sinh vào thời vắng Phật
Dấu vết Ngài còn lại mấy pho kinh”
Đến hôm nay chúng ta vẫn còn Phật pháp, vì thế, chúng ta nên biết trân quý.
2. Người thuyết pháp và Phật của Như Lai
Là những người thuyết đúng lời Phật và đúng ý Đức Phật
3. Sanh trong Thánh xứ (sanh trong thời kỳ có Phật Pháp)
Ngài Đường Huyền Trang có làm bài thơ:
Phật tại thế thời ngã trầm luân
Kim đắc nhân thân Phật diệt độ
Áo não tự thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân”
Tạm dịch:
“ Khi Phật ở đời thì con chìm đắm
Khi con được thân người thì Phật diệt độ mất rồi
Buồn cho thân con nghiệp chướng nặng
Không được gặp trực tiếp Đức Phật.”
Ngày hôm nay chúng ta vẫn đang còn những bản kinh, vẫn còn những Quý Thầy, Quý Sư Cô, chúng ta vẫn còn những người học pháp học, vẫn còn những người học pháp hành và đâu đó những người đã đắc được các tầng Thánh, các vị đắc thiền, đắc Thánh để cho mình nương tựa. Thời kỳ huy hoàng nhất, hưng thịnh nhất, đẹp đẽ nhất của cuộc đời này, của trái đất này là thời kỳ có Đức Phật. Ở thời Phật, cư sĩ chứng đạo rất nhiều. Các vị đó không phải tự nhiên sinh vào thời gặp Phật mà các vị ấy đã nhiều kiếp hành ba la mật, các phước đức đầy đủ rồi, thì đợi cái duyên giống như chỉ còn giọt nước tràn ly nữa thôi, Đức Phật nói một câu thôi là chứng.
4. Không khiếm khuyết các căn
Các căn ở đây là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Ví dụ, mắt hoặc tai có vấn đề sẽ khó tu.
Ngoài thế giới, biết bao nhiêu người bị khiếm khuyết các căn. Một đời người nếu sinh ra thiếu phước, mắt, tai, mũi, lưỡi không được đầy đủ là cả một sự cản trở. Vậy nên, đời này sinh ra 6 căn đầy đủ là 1 điều may mắn.
5. Không si mê, không câm, ngọng
Có những bệnh tu được như đau lưng, đau đầu, đau bao tử,… nhưng có những bệnh không thể tu được như đui, điếc, câm, ngọng, bệnh down… Người mắc những bệnh này có thể đi chùa được nhưng để đắc đạo, đắc thiền là không được.
Trong cuộc đời này có 4 hạng người khổ:
_ Hạng người thứ nhất: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la
_ Hạng người thứ 2: người lạc vô nhân – được làm người nhưng không có nhân của giác ngộ (là những người đui, điếc, câm, ngọng) người này trong đời này giác ngộ là không có, chỉ có thể tu tập gieo duyên thì được, mà đắc thiền, đắc Thánh đời này thì không được.
_ Hạng người thứ 3: người nhị nhân. Là người có 2 nhân: nhân vô tham và nhân vô si. Là những người đẹp, khỏe, giàu, uy quyền…., rất giỏi về đời nhưng được nghe về Phật pháp thì họ không tin, có những người không tin còn phỉ báng. Người nhị nhân này có tu cũng không đắc thiền, đắc Thánh được trong khi ở đời thì rất giỏi.
Những người mắc vào nghiệp này: giàu, khỏe, đẹp, giỏi… nhưng không liên quan đến Phật pháp, là khi quý vị đi làm phước, đi bố thí, cúng dường, tu tập, làm các điều lành, quý vị làm mà không hiểu. Ví dụ có đứa bé vào chùa cúng dường nhưng là mẹ của nó bảo cúng chứ nó không hiểu, hoặc thấy bạn của mình đi từ thiện mình cũng đi, thấy bạn của mình đi tu mình cũng đi nhưng không hiểu gì. Vậy nên, người làm phước phải có trí tuệ đi kèm. Tức là quý vị hiểu về nhân quả mà quý vị làm, quý vị tin thiện ác, tội phước, nhân quả mà làm, có trí tuệ đó mà làm thì quý vị mới có thể sinh làm người tam nhân, nếu không quý vị chỉ là người nhị nhân thôi (đẹp, giàu, khỏe đầy đủ hết, ở đời rất giỏi nhưng không liên quan đến Phật Pháp)
_ Hạng người thứ 4: người tam nhân. Là có đủ nhân vô tham, vô sân, vô si. Người này khi làm phước, tu tập, hành thiền có trí tuệ về nhân quả, trí tuệ về sanh diệt thì có thể đắc thiền, đắc Thánh được.
Nếu sinh ra là người đui, điếc, câm, ngọng thì vẫn có thể tu được nhưng nếu sinh ra là người đui, điếc, câm, ngọng thì vẫn có thể tu nhưng không thể đắc được, muốn đắc được thì phải là người tam nhân.
Người đui, điếc, câm, ngọng tuy đời này không đắc được nhưng cứ tiếp tục tu, lạy Phật, nghe pháp, hành thiền, bố thí cúng dường… thì gieo cái duyên để những kiếp sau được làm người tam nhân.
Người nào đắc trong đời này thì phải là người tam nhân (vô tham, vô sân, vô si)
6. Ước muốn thiện pháp
Làm người tốt rất khó, còn làm người ác thì rất dễ.
Đức Phật dạy: ước muốn thiện pháp ( ước muốn tu, ước muốn học, ước muốn bố thí, cúng dường, hành thiền, nghe pháp, giữ giới). Ai có những ước muốn đó là đang đi ngược đời. Vậy nên, mới nói người tu là người ngược đời.
Tất cả quý vị đang làm điều thiện ( ví dụ như thân không sát sanh, trộm cướp, tà hạnh; miệng không nói dối, không nói 2 lưỡi, không nói thêu dệt, không nói lời độc ác; ý không tham dục, không sân giận, không tà kiến). Quý vị làm được những điều đó thì quý vị là những người ngược đời, là những người khó tìm trong đời. Vậy tại sao? Tại vì trong tâm thức của chúng ta có tâm thiện và tâm ác thì tâm ác luôn luôn hút chúng ta về. Ví dụ nước hay chảy dồn về chỗ trũng thì trong tâm chúng ta, điểm trũng nhất hay bị dồn về, hút về chính là cái tâm ác. Nói theo ngoài tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) thì dục giới là cõi hút mình về. Nói theo trời, người, A tu la, địa ngục, ngả quỷ, súc sanh thì địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là nơi hút mình về. Nếu quý vị còn nhớ Phật, nhớ giữ giới, nhớ hành thiền, nhớ bố thí cúng dường là quý vị đang sống với tâm của chư thiên, sống với tâm để làm người. Nhưng chúng ta sống với cái tâm đó được bao nhiêu? Từng giờ, phút, giây mình sống là mình đang mở ra con đường tương lai của mình đó. Mình đang sống với tâm như thế nào thì cái cảnh giới kế tiếp của mình như thế đó. Và chỉ cần sơ hở một chút là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh trong tâm mình nó mở ra liền. Hở cái là giận (là tâm của A tu la, ngạ quỷ), ham ăn, ham ngủ, ham hưởng thụ (tâm của ngạ quỷ, súc sanh), tạo ác nghiệp nặng (địa ngục), tham lam, bỏn xẻn, ích kỉ, nhỏ mọn (ngạ quỷ)…
Cuộc đời này, làm một người tốt vô cùng khó. Vậy nên, thấy ai đó làm được điều tốt thì hãy cố nghĩ đến điều tốt của người đó để bỏ qua những điều xấu. Tại vì tâm lý chung của con người là thường thấy cái xấu và bỏ qua điều tốt. Chúng ta hiểu là điều tốt khó làm nên hãy thấy điều tốt để bỏ qua điều xấu. Nói theo toán học, 100 – 1 = 99. Nhưng nói theo cuộc đời, 100 – 1 = 0. Quý vị làm 100 điều tốt mà quý vị làm 1 điều xấu thì người ta thấy 1 điều xấu đó sẽ bỏ qua 100 điều tốt của quý vị. Cũng không có gì phải ngạc nhiên, vì làm người xấu rất dễ, làm người tốt mới khó.
Thế đó, từng giờ, từng phút chúng ta phải tự nhắc mình: giàu thì tốt nhưng nếu không giàu, dù cuộc sống mình không dư giả nhưng tâm mình phải dư giả (dư đạo đức, dư trí tuệ, dư sự giữ giới, dư sự hành thiền, dư nghe pháp….) đó là từng ngày quý vị đang nâng cấp cuộc đời mình lên.
Một ngày nào đó, có thể quý vị không đầy đủ, dư giả như mọi người nhưng tâm quý vị là tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, tâm tha thứ, yêu thương, các pháp lành là phải có trong tâm. Đó là từng ngày quý vị nâng cuộc sống của mình lên.
Vậy nên, quý vị thấy ai đó trước kia họ ác, họ xấu, họ dở, họ tệ như thế nào đó mà bây giờ họ biết tu rồi thì hãy nhìn hạt giống bồ đề đang nảy nở trong họ mà thương quý, bỏ qua những cái khác.
Có nhiều người nói với Thầy: “sao con thấy có những người họ tu một thời gian nhưng lại ra đời?, có người tu 5 năm, 10 năm rồi ra” Thầy nói: “ chúng ta phải lạy những người đó. Mình tu 1 ngày không được mà họ tu đến 5 năm, hãy nghĩ về 5 năm họ tu, 10 năm họ tu hoặc 1 tháng họ tu”. Ở nhiều nước Phật giáo Nam truyền, những ngày lễ (2 hoặc 3 ngày), họ vào chùa xuất gia, họ xuất gia trong 3 ngày đó xong sau đó xả giới ra lại làm một người đời. Tại vì 1 ngày được xuất gia là phước báu 1 ngày, cho nên mình phải nhìn thoáng như vậy. Đời sống xuất gia họ hành thiền, họ niệm Phật, họ giữ giới 1 ngày giống như quý vị đi bố thí 1 lần. Bây giờ họ không tu 1 đời thì họ tu 1 tháng, không tu 1 tháng thì họ tu 1 năm hoặc là 1 tuần, 1 ngày cũng được. Đó là niềm hạnh phúc, vinh dự của họ. Tu 1 ngày thì lợi 1 ngày, tu 2 ngày thì lợi 2 ngày. Quý vị nào sau này có duyên xuất gia mà không xuất gia luôn được thì xin Quý Thầy cho con xuất gia trong chùa 1 tháng thôi, nhưng mà ở 1 tháng cho nó xứng đáng 1 tháng, ở 1 ngày cũng được nhưng cho nó xứng đáng 1 ngày. Đó là những thiện pháp mình làm trong cuộc đời. Đâu có dễ đi hết 1 cuộc đời tu đâu.
Nếu có ai hỏi Thầy có tu hết đời không? Thầy không có trả lời chắc chắn Thầy tu hết đời, Thầy không biết trước tương lai nhưng Thầy sẽ nguyện Thầy sẽ tu hết cuộc đời này và những kiếp sau Thầy nguyện được làm đệ tử của Phật tiếp và đi những nơi nào có duyên để truyền bá Phật pháp, gieo duyên với quý Phật tử.
Trong các bài kinh Thầy học, trong kinh Mi Tiên có một bài kinh là bài học từ cơn mưa, khi các sông suối khô cạn, cơn mưa xuống làm sông suối đầy lên, bài học là: hãy đem Phật pháp tưới tẩm làm tràn đầy trong tim người khác. Là một người con Phật, hãy làm cho trong tim của người khác tràn đầy Phật pháp, đó là ước mơ của Thầy. Thầy hi vọng qua bài pháp này, Thầy sẽ giúp cho quý vị có thêm 1 chút niềm tin về Phật pháp. Tại vì chuyện không tin Phật là rất dễ. Chúng ta chỉ tin Phật tuyệt đối, không bao giờ thối lui khi chúng ta chứng Thánh quả Tu Đà Hoàn trở lên. Hiện tại, chúng ta tin Phật tha thiết nhưng kiếp sau thì chưa chắc. Vậy nên, ai tin Phật được thì nên tưới tẩm niềm tin của mình càng ngày càng vững chãi và muốn được như vậy thì quý vị phải hiểu Phật pháp. Đi chùa chúng ta phải học: nghe pháp, đọc kinh, quý vị muốn hành thì quý vị phải có pháp học, có thể quý vị không giỏi về pháp học nhưng quý vị phải nắm được căn bản thì quý vị mới hành được.
Trong đạo Phật, có pháp học, pháp hành và pháp thành (thành là chứng đắc) có những vị chuyên về pháp học, có những vị chuyên về pháp hành, có những vị nắm căn bản pháp học rồi chuyên về pháp hành, có những vị nắm căn bản pháp hành rồi vừa học vừa hành. Dù như thế nào thì quý vị cũng phải có học mới được. Ước muốn làm người tốt rất khó. Một ngày nào đó, quý vị sáng mở mắt ra và không muốn làm gì là điều bình thường, muốn ăn, muốn ngủ, muốn hưởng thụ tổn phước là điều bình thường, muốn đi chùa tu mới bất bình thường. Quý vị đi tu, đi học, niệm Phật, đi bố thí cúng dường,… mỗi khi những tâm niệm đó khởi lên, thì quý vị cố gắng trân quý và làm ngay nhé, vì có thể vài phút trước quý vị muốn làm nhưng chưa chắc ngày hôm sau quý vị còn muốn làm. Trừ khi những điều thiện trong cuộc đời quý vị như một thói quen thì nó mới không thối lui. Quý vị cố gắng nghe quý Thầy giảng pháp, khi quý vị hiểu thì quý vị sẽ có niềm vui gọi là pháp lạc (niềm vui trong chánh pháp) và từ lúc đó quý vị mới cố gắng tiếp tục nghe tiếp. Cuộc sống ngắn lắm, nên tranh thủ nghe pháp rồi thực hành và trân quý những điều đó! Việc thuyết pháp đa phần là việc của Quý Thầy, Quý Cô nhưng Phật tử chính là những cánh tay nối dài của Tam Bảo. Có những nơi Quý Thầy không thể tới thuyết pháp được, ví dụ như ở chợ cá. Vậy nên, quý vị phải học để hiểu, để nói cho đúng.
Tổng kết lại 6 điều khó gặp ở đời:
• Sự xuất hiện của Đức Phật
• Sự xuất hiện của người thuyết giảng chánh pháp và luật của Đức Phật
• Khó tái sanh trong thánh xứ (khó gặp Phật Pháp)
• Không khiếm khuyết 6 căn
• Không si mê, đui, điếc, câm, ngọng
• Ước muốn thiện pháp
(Bài chép Pháp thoại SÁU SỰ KIỆN KHÓ GẶP Ở ĐỜI do Thầy Thiện Tuệ thuyết giảng)
Bùi Vũ Long viết
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRỤ TAM BẢO
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.