Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cả cuộc đời ngài sống cuộc sống giản dị, tụng kinh viết sách, tu tập. Hoà thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng đức trí vẹn toàn mà còn là một nông dân đam mê lao động thực sự.
Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, thế danh là Bùi Văn Quý, sinh ngày 12/04/1917, tại thôn Phùng Thiện (xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và xuất gia năm 1923 tại chùa Quán (Yên Khánh, Ninh Bình). Khi 8 tuổi, thụ Sa di giới, 20 tuổi thụ Đại giới Tỷ khiêu và Bồ tát giới tại Đại giới Đàn chùa Bút tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh năm 1937.
Cuộc đời tu nghiệp của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ
Từ năm 1953 đến 1958, Đại lão Hòa thượng hoạt động Phật sự tại chùa Kim Đới, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Năm 1961, Đại lão Hòa thượng kế vị thầy tổ, làm trưởng sơn môn thứ ba của sơn môn Viên Minh – Đa Bảo, tu hành ẩn cư tại làng Ráng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Từ năm 1987 đến nay, Đại lão Hòa thượng giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Trụ trì Tổ đình Viên Minh Hà Tây, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây (cũ), Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây (cũ), Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó chủ tịch thường Trực Hội đồng trị sự, Phó trưởng ban Giáo dục tăng ni Trung ương, Phó ban Tăng sự trung ương; Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ tháng 12-2007 đến nay, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là vị pháp chủ thứ 3 của Giáo hội.
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là tấm gương sáng về sự tận tuỵ chăm lo việc Đạo, việc Đời
Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cả đời sống cuộc sống giản dị, tụng kinh viết sách, tu tập. Đối với người dân trong vùng, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ.
Trong suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, Đại lão Hòa thượng luôn cùng môn đệ cần cù cày cấy đến tận năm 80 tuổi. Khi tuổi sao sức yếu, không còn ra đồng trồng lúa được nữa, hàng ngày Đại lão Hòa thượng vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trên đường tu học, dấu chân của Đại lão Hòa thượng trải khắp các tổ đình vùng châu thổ sông Hồng. Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ chưa từng học qua một trường lớp chính quy nào, toàn bộ vốn kiến thức của ông có được đều nhờ kiên trì tự học và là vị giáo phẩm nổi tiếng uyên thâm về Phật học và Hán học.
Đại lão Hòa thượng có sự sự nghiệp to lớn, trước tác để lại rất đồ sộ. Đại lão hòa thượng đã tham gia biên soạn, dịch, hiệu đính các tác phẩm như Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần…
Với sự tôn kính đặc biệt, ngày 20-10, nhiều phật tử từ các nơi đã đến chùa Viên Minh thăm hỏi sức khỏe Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ.
Trước đó, chiều 19-10, Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ký văn thư gửi các ban, trạm kiểm soát dịch Covid-19 từ TP HCM tới Hà Nội. Văn thư đề nghị các cơ quan hữu quan tạo điều kiện thuận lợi để đoàn Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ TP HCM đi Hà Nội được di chuyển và cũng đề nghị đoàn tuân thủ việc phòng dịch.
5 câu nói đáng suy ngẫm của đại Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ
1.
Muốn sống lâu trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm
2.
Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo
3.
Đạo nghĩa Lục hòa vốn là điều căn bản của Phật giáo. Thân hòa cùng ở; miệng hòa không cãi nhau; ý hòa cùng vui vẻ; giới hòa cùng tu; kiến hòa cùng giải – thấy biết kiến thức thì chia sẻ cho nhau hiểu; lợi hòa cùng chia – có của cải, lợi ích thì chia cân nhau không ai tranh tham phần hơn cho mình
4.
Khi con người về thế giới bên kia thì thân xác bị thối rữa, tại sao người ta lại đem tiền bạc, kinh sách quý chôn theo các xác thối rữa ấy? Không nên
5.
Sư học đâu cần chùa to, cảnh lớn. Chùa to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Còn linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì
Để lại một bình luận