Ngũ giới là 5 điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. 5 giới ấy là: Không sát sanh ; Không trộm cướp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống ruợu. Năm điều này y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội mà thành lập. Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì phải bị Ngài trừng phạt. Sự giữ hay không giữ giới là do chúng ta hoàn toàn tự liệu lấy. Đạo Phật khác với các Tôn giáo khác chính là ở điểm Đức Phật không phải là một quan tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt. Một ý nghĩ, một lời nói, một hành động tốt hay xấu chính đã mang theo nó một mầm thưởng phạt rồi. Đức Phật chỉ là một vị dẫn đường rất từ bi và rất sáng suốt. Ngài chỉ cho chúng ta con đường nào là con đường sáng và con đường nào là con đường nguy hiểm không nên đi. Nhưng nếu chúng ta không theo con đường sáng mà lại muốn đi vào con đường nguy hiểm thì tất nhiên chúng ta sẽ gặp tai họa tự nhiên, chứ Phật không tạo ra tai họa để trừng phạt chúng ta. Tòa án chính là luật nhân quả. Ta làm ác thì ta chịu quả xấu; ta làm thiện thì ta được quả tốt. Năm giới chính là năm thành trì ngăn chặn cho ta đừng đi lạc vào đường ác, là năm hàng rào ngăn chặn cho ta khỏi rơi xuống vực sâu, trong khi ta đi trên con đường giải thoát.
5 giới căn bản của người phật tử tại gia
1. Không sát sanh
Loài vật cũng giống như ta, ham sống sợ chết. Ta đã ưa sống, há vật lại muốn chết! Do đó hãy nghĩ: Có nên giết hại loài vật chăng? Hết thảy chúng sanh luân hồi sáu nẻo, tùy nghiệp thiện ác, thăng giáng, siêu trầm, ta cùng bọn chúng trong nhiều kiếp lần lượt làm cha mẹ nhau, lần lượt làm con cái nhau, phải nghĩ cách cứu vớt, nỡ nào giết hại? Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, trong đời tương lai sẽ đều thành Phật. Nếu ta đọa lạc còn mong được cứu vớt.
Thêm nữa, ta đã tạo sát nghiệp, ắt phải đọa ác đạo đền bồi nợ cũ, xoay vần giết hại lẫn nhau chẳng khi nào xong. Suy nghĩ như thế nào còn dám giết? Nhưng nguyên nhân sát sanh là do ăn thịt. Nếu biết được những nhân duyên như trên vừa nói sẽ tự chẳng dám ăn thịt nữa. Kẻ ngu lại cho thịt là ngon, chẳng biết thịt vốn do tinh huyết tạo thành, trong chứa phân tiểu, ngoài lẫn bẩn thỉu, tanh tưởi, hôi thối, ngon lành chỗ nào? Thường quán bất tịnh, ắt ăn vào sẽ ói ra.
Thêm nữa, sanh vật là người, cầm thú, giòi, bọ, cá, tép, muỗi, mòng, rận, rệp, tất cả những loài có sanh mạng, đừng bảo con vật lớn chẳng được giết, con vật nhỏ thì giết được! Trong Kinh Phật có rộng nói công đức kiêng giết, phóng sanh. Tục nhân chẳng thể đọc đến thì hãy xem sách Vạn Thiện Tiên Tư của An Sĩ tiên sinh ắt sẽ biết được đại khái!
2. Không trộm cắp
Thấy nghĩ được cái gì, chẳng cho bèn chẳng lấy. Người biết liêm sỉ chẳng phạm lỗi này, nhưng nếu luận tỉ mỉ thì chẳng phải là bậc đại Thánh đại hiền sẽ rất khó chẳng phạm. Vì sao? Lấy công giúp tư, tổn người lợi mình, cậy thế lấy của, dùng mưu kế đoạt vật, ghen ghét vì người khác phú quý, mong họ bần tiện, làm lành để phô trương, đối với các việc lành tâm chẳng hiểu đúng, chẳng hạn như lập trường miễn phí, chẳng chọn thầy nghiêm, khiến con em người khác bị lầm lạc, thí thuốc chữa bệnh chẳng phân biệt thật giả khiến người dùng bị nguy tánh mạng, thấy người bị tai nạn gấp vẫn xem thường chẳng cứu, lề mề hờ hững đến nỗi lỡ việc, làm tắc trách cho xong việc, mặc kệ tiền tài người khác bị lãng phí, trong lòng không coi đó là chuyện khẩn yếu. Những điều như thế đều gọi là trộm cắp. Vì các vị đều ở chốn tốt lành nên tôi chỉ chọn ra những điều tệ hại nhất để nói đại lược mà thôi!
3. Không tà dâm
Tục nhân nam nữ lập gia đình sanh con đẻ cái, trên là liên quan đến phong hóa, dưới là liên quan đến việc cúng giỗ. Dù vợ chồng ăn nằm với nhau chẳng bị cấm, nhưng phải kính nhau như khách, cốt để có con cháu giỗ quải tổ tiên, chẳng được lấy đó làm điều khoái lạc, ham dục đến nỗi mất mạng. Dù là vợ mình, tham vui quá cũng là phạm tội, nhưng tội ấy còn nhỏ nhặt. Nếu chẳng phải là vợ mình mà ăn nằm bừa bãi thì gọi là “tà dâm”, tội ấy cực nặng!
Hành tà dâm là đem thân người làm chuyện súc sanh, khi báo hết mạng tận trước là đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, sau là đọa trong đường súc sanh ngàn vạn ức kiếp chẳng thể thoát khỏi. Hết thảy chúng sanh từ dâm dục sanh nên giới này khó giữ, dễ phạm. Dẫu là bậc hiền đạt, cũng có lúc còn vi phạm, huống chi kẻ ngu?
Nếu lập chí tu trì thì trước hết phải biết rõ lợi hại (lợi là chẳng phạm giới này sẽ được lợi lạc gì, hại là những họa hại do phạm giới này) cũng như phương pháp đối trị thời sẽ như thấy rắn độc, như gặp oán tặc, kinh sợ, hoảng hốt, dục tâm sẽ tự dứt. Cách đối trị chép rộng trong Kinh Phật. Tục nhân không duyên xem đến hãy đọc sách Dục Hải Hồi Cuồng của An Sĩ tiên sinh sẽ biết được đại khái.
4. Không vọng ngữ
Lời nói đáng tin, chẳng thốt lời hư dối. Nếu thấy nói chẳng thấy, chẳng thấy nói thấy, lấy hư làm thật, biến có thành không, phàm điều gì tâm chẳng xứng với miệng, toan khinh dối người khác đều là vọng ngữ cả. Lại nếu như chưa đoạn Hoặc bảo là đã đoạn Hoặc, chưa đắc đạo bảo là đắc đạo thì gọi là đại vọng ngữ. Tội ấy rất nặng, sau khi mạng chung nhất định đọa thẳng vào A Tỳ địa ngục, vĩnh viễn không có lúc thoát ra. Nay người tu hành chẳng biết giáo lý Phật pháp, đa phần như thế cả, cho nên phải đau đáu răn đe. Điều này thật thiết yếu.
Bốn điều trên chẳng luận là xuất gia hay tại gia, thọ giới hay không thọ giới hễ phạm liền vướng tội lỗi, bởi thể tánh của chúng là ác. Nhưng người chưa thọ giới thì mắc tội một tầng, người đã thọ giới mắc tội gấp đôi bởi ngoài chuyện làm điều ác ra, còn thêm cái tội phạm giới. Nếu giữ được chẳng phạm thì công đức vô biên, hết thảy phải nên gắng sức.
5. Không uống rượu
Rượu làm cho tâm người mê loạn, hoại giống trí huệ. Uống vào sẽ bị điên đảo, hôn cuồng, làm chuyện càn quấy, nên Phật chế định người tu hành trọn chẳng được uống rượu. Lại như hành, hẹ, kiệu, tỏi, nén, năm thứ thực vật nồng gắt, mùi vị hôi hám, bản chất chẳng thanh khiết, ăn chín sanh dâm, ăn sống tăng lòng nóng giận, người tu hành đều chẳng được ăn. Với giới này, người chưa thọ giới ăn uống chúng chẳng bị tội gì, người thọ giới mà dùng hay ăn chúng liền phạm một tầng giới của Phật. Phật đã cấm chế, các vị vẫn phạm nên mắc tội vậy.”
Xem thêm:
Trích từ: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục.
(Theo bản in của Phật Quang Viện, thành phố Bản Kiều, Ðài Loan, tháng 2 năm 1982)
Mục lục: IX. Khuyên nhủ các thiện tín tại gia.
Vì hàng tại gia đệ tử lược giảng ý nghĩa của Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện.
Cư sĩ: Lý Viên Tịnh kết tập.
Ấn Quang Đại Sư giám định.
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.