Trích đoạn số 18: Di Lặc Bồ Tát là Hoan Hỉ Phật nằm trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa do Pháp Sư Tịnh Không thuyết giảng
Tu hành Phật pháp chẳng có chi khác, buông xuống, triệt để buông xuống! Bố Đại hòa thượng đã biểu thị pháp đến nơi đến chốn. [Ngài sống] vào đời Tống, cùng một thời với Nhạc Phi, Bố Đại hòa thượng là Di Lặc Bồ Tát, người Hoa gọi Ngài là Hoan Hỷ Phật. Đây là một nhân vật truyền kỳ, nhưng trong Cao Tăng Truyện có truyện ký của Ngài. Trong truyện ký, chẳng ghi tên họ của Ngài vì không ai biết, [Ngài là] người xứ nào cũng không biết. Ngài xuất hiện tại Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Nơi Ngài trụ là chùa Tuyết Đậu, ngôi chùa này hiện thời là đạo tràng của Di Lặc Bồ Tát, Ngài trụ tại nơi đó. Mập mạp, luôn tươi cười, hằng ngày ra ngoài hóa duyên, bất luận người ta cho thứ gì đều nhét vào túi vải. Có một lần, trên đường, gặp mấy người thưa hỏi lão nhân gia: “Phật pháp là gì?” Ngài bỏ cái túi vải xuống đất, buông thõng hai tay, thể hiện tư thế như vậy, chẳng nói một câu nào! Người ta nhìn ra: “Đó là buông xuống, sau khi buông xuống sẽ làm như thế nào?” Ngài khoác túi vải lên lưng bỏ đi, chẳng đoái hoài đến ai. Ngài đã thật sự trả lời, thật sự giảng rõ ràng. Phật pháp là gì? Buông xuống là Phật pháp. Quý vị thấy: Trong giáo pháp Đại Thừa, buông chấp trước xuống bèn chứng A La Hán, buông phân biệt xuống là Bồ Tát; buông khởi tâm động niệm xuống, quý vị bèn thành Phật. Từ đầu đến cuối đều dạy quý vị buông xuống, buông xuống tới mức chẳng còn gì hết. Ngay cả sự buông xuống ấy cũng buông luôn, quý vị sẽ thành Phật.
Sau khi thành Phật thì sao? Nâng lên! Buông xuống được, sẽ nâng lên được! Nâng lên là gì vậy? “Nâng lên” là phổ độ chúng sanh. Nói theo từ ngữ hiện thời, “độ” là giúp đỡ, giúp sức, góp tay. Chúng sanh có khổ nạn, quý vị giúp họ. Chúng sanh đang mê hoặc, chưa giác ngộ, quý vị giúp họ giác ngộ. Dùng phương pháp gì? Giảng kinh, giáo học. Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật dùng phương pháp này, chúng ta đều thấy “thân hành, ngôn giáo”: những gì Ngài đã nói, Ngài đều thật sự làm được. Thân hành, ngôn giáo, giảng kinh, thuyết pháp, Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời làm chuyện như vậy. Ba mươi tuổi khai ngộ, khai ngộ rồi bắt đầu dạy học, bảy mươi chín tuổi viên tịch, giảng kinh, dạy học suốt bốn mươi chín năm, những điều Ngài đã nói Ngài đều làm được toàn bộ, chẳng có điều nào không làm! Ngài dạy chúng ta như dạy trẻ vỡ lòng, Thập Thiện Nghiệp Đạo, Ngài làm được, chẳng sát sanh, không trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng nói đôi chiều, chẳng nói thêu dệt, chẳng ác khẩu, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, thật sự làm được, làm thanh tịnh. Tam Quy là buông xuống “mê, tà, nhiễm”, nương theo “giác, chánh, tịnh”, đó là Tam Quy, Ngài làm được. Ngũ Giới Ngài làm được. Kinh giáo dạy chúng ta buông chấp trước xuống, Ngài làm được. Buông phân biệt xuống, Ngài cũng làm được. Buông khởi tâm động niệm xuống, Ngài làm được. Sau đấy, bảo quý vị: Chỉ cần quý vị thật sự chịu buông xuống, trong tự tánh có sẵn vô lượng trí huệ; vô lượng công đức và vô lượng tướng hảo thảy đều trọn đủ trong tự tánh. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Thế Tôn dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, thật đấy, chẳng giả đâu! Huệ Năng đại sư khai ngộ, nói: “Hà kỳ tự tánh, bổn tự cụ túc” (Nào ngờ tự tánh vốn tự trọn đủ), có cùng ý nghĩa như kinh Hoa Nghiêm đã nói.
Xem trọn bộ:
Bùi Vũ Long viết
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRỤ TAM BẢO
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.