Ăn chay có ăn trứng được không? Trứng gà là đồ mặn hay đồ chay, người ăn trường chay có ăn được không?
Trích Học Phật Vấn Đáp tập 12 – Pháp Sư Tịnh Không Giải Đáp
Giảng ngày 07/12/2007
Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông
AMTB: 21-422-0001
Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.
Xem thêm: Ăn chay có được ăn ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ)?
Trước đây tôi có đọc một số bài viết cho rằng “Nếu trứng gà không có trống thì có thể ăn được vì không tạo ra một mầm sống trong đó”. Khi ấy, tôi chỉ là một Phật tử sơ cơ tu học tại gia nên nghĩ rằng nếu vậy thì mình có lẽ ăn được nhưng rốt cuộc sau này may mắn có cơ hội được đọc bài của các vị Tổ sư thì giật mình kinh sợ và từ đó không dám đụng đến một quả trứng nào nữa.
Trích trong thư thứ hai trả lời cho cư sĩ La Trí Thanh (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1), Đại Sư Ấn Quang (vị Tổ thứ 13 Tịnh Độ Tông, Ngài chính là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ Tát) có ghi rằng:
“Người ăn chay đừng nên ăn trứng gà do nó có mầm sống. Dẫu không có mầm sống, cũng chớ nên ăn vì nó có chất độc. Có người bảo “ở nơi không có gà trống thì trứng sẽ không có mầm sống”, ở nơi đây rất ít có loại trứng ấy. Xưa kia, có một người thích ăn trứng gà, lâu ngày chất độc tích lại trong bụng, sanh ra rất nhiều trứng gà và gà con. Các thầy lang chẳng hiểu căn bệnh ấy. Trương Trọng Cảnh bảo nấu tỏi ăn, liền ói ra rất nhiều gà con cùng những con gà đã có lông hoặc không lông. Ông Trương bảo bệnh nhân suốt đời đừng ăn trứng gà nữa, hễ ăn sẽ không có cách gì trị được. Đủ biết trứng gà gây họa lớn thay!
Xét ra, những đệ tử nhà Phật ăn chay ở Phước Châu thường sợ thiếu chất bổ, viện cớ “trứng gà không có cồ, chẳng có mầm sống thì đều có thể ăn được”, quen nết tạo thành phong tục, khiến cho người chẳng hiểu chuyện bị lầm lẫn, gần như phá giới. Vì thế, đệ tử đặc biệt khẩn cầu đại sư khai thị bài này. Hãy nên ấn hành, đăng tải rộng rãi để cảnh tỉnh người khác. Đệ tử La Trí Thanh kính cẩn ghi chú.”
Hoặc trích trong Lá Thư Tịnh Độ trả lời cho cư sĩ Chân Tịnh, Đại sư Ấn Quang viết rằng: “Trứng gà có ăn được hay không? Tranh luận đủ mọi lẽ đã lâu! Nhưng người hiểu lý quyết chẳng nghĩ ăn trứng gà là đúng. Kẻ thích ăn liền khéo léo biện luận, chứ thật sự đã chường ra cái ngu! Vì sao vậy? Có người nói trứng có cồ, tức là có mầm sống thì không được ăn, còn trứng không có cồ chẳng thể nở thành gà con thì ăn được! Nếu nói như vậy thì con vật còn sống chẳng được ăn, chứ con vật chết rồi thì ăn được, có lẽ ấy hay chăng? Người thông minh thường hay dấy lên thứ tà kiến ấy, chẳng biết là nhằm thỏa thích bụng miệng mà phô phang cái trí của chính mình, đến nỗi bị người hiểu lý thương xót! Sư Chi Đạo Lâm đời Tấn học rộng, giỏi biện luận, tranh luận cùng thầy về chuyện trứng có ăn được hay không; do ông ta giỏi biện bác, vị thầy chẳng thể khiến cho Đạo Lâm khuất phục được. Vị thầy ấy mất rồi, hiện hình trước mặt ông ta, tay cầm trứng gà quăng xuống đất, gà con liền chui ra. Đạo Lâm hổ thẹn cảm tạ, thầy và trứng gà đều biến mất. Đấy là lời quyết đoán thời Tấn.”
Hòa Thượng Tuyên Hóa là một bậc cao tăng thời cận đại (1918 – 1995) cũng đã có lời dạy: “Bạn cho rằng ăn chay thì ăn trứng cũng được? Cũng được! Chờ tới khi bạn đầu thai làm gà rồi khi đó bạn sẽ hiểu (phận làm gà) chính do ăn trứng gà mà ra”. Xin được trích đoạn câu trả lời của Hòa thượng Tuyên Hóa dạy, khi có đệ tử hỏi về việc này như sau:
Hỏi: Là đệ tử Phật thì có thể ăn trứng không?
Đáp: Nếu quý vị thèm muốn ăn những thứ dinh dưỡng đó, thì cần gì phải hỏi tôi?
Hỏi: Tại sao người ăn chay không được ăn trứng?
Đáp: Không có gà trống, gà mái cũng có thể ấp trứng nở ra gà con như thường. Ngày xưa người ta không hiểu điều này nên họ nói là, nếu trứng không có trống thì không thể nở ra gà con. Nhưng lối nói này cũng không có gì làm chứng cớ. Tại sao người ăn trứng lại lý luận như thế? Tức là vì họ muốn ăn trứng đó mà. Bất luận trứng có trống hay không có trống, nó đều có thể sanh ra gà con, chớ không phải không thể sanh đâu. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói “Noãn duy tưởng sanh,” tức trứng do tưởng mà sanh ra.
Bùi Vũ Long viết
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRỤ TAM BẢO
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.