Nguồn gốc tai nạn của người thế gian – Pháp Sư Tịnh Không
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ
Người đọc: Hạnh Quang
Nhà Phật thường nói, giáo dục của Phật Đà dạy người ba cái chuyển biến
Thứ nhất là chuyển ác thành thiện, thứ hai là chuyển mê thành ngộ, thứ ba là chuyển phàm thành thánh. Bạn phải biết bắt đầu chuyển từ đâu.
Tâm của chúng ta vốn dĩ là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ, từ bi, nhưng hiện nay năm điều này thảy đều không còn nữa, biến thành hư ngụy, nhiễm ô, kiêu mạn, ngu si, tự tư tự lợi. Chúng ta thử nghĩ có phải như vậy không? Bản thân ta như vậy, thử nhìn lại xung quanh, người khác cũng như vậy, cho nên thế gian này mới có kiếp nạn, mới có thiên tai nhân họa. Chúng ta hiện nay sống trên bờ vực của cái tai nạn lớn này, có thể sẽ rất nhanh chóng gặp phải. Làm thế nào cứu vãn? Làm thế nào có thể tránh khỏi đây?
Tránh hung tìm kiết, quan niệm này cổ kim, trong ngoài, tất cả mọi người đều biết, nhưng cách tránh hung tìm kiết như thế nào thì không biết. Ở nơi này có tai nạn, không tốt, chúng ta tìm một nơi khác để di dân, có được không? Không chắc! Ngạn ngữ nói: “Tại kiếp nan đào”, có số kiếp này, bạn trốn đến nơi nào cũng đều vô ích, bạn vẫn phải chịu kiếp nạn này. Đây là chân lý, là đạo lý nhất định.
Phải làm thế nào mới có thể tránh khỏi vậy? Nhất định phải làm cuộc chuyển đổi từ trong tâm địa, đây là chính xác. Khu vực này gặp nạn, bạn vẫn có thể tránh khỏi. Nhà Phật nói trong cộng nghiệp có biệt nghiệp (biệt nghiệp là không cộng nghiệp). Cho nên, chúng ta làm sao hồi phục tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chúng ta. Tôi nói năm câu này, chỉ cần hồi phục một câu thì bốn câu khác thảy đều hồi phục; có một điều là có đầy đủ bốn điều khác, bất kỳ một điều nào cũng đầy đủ viên mãn bốn điều khác
Trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Một tức là nhiều, nhiều tức là một”. Chúng ta làm một cuộc chuyển đổi từ chỗ này, nhất định phải đoạn, phải buông bỏ, phải bắt tay làm từ căn bản, đem ái dục buông bỏ, đem thị dục buông bỏ (thị dục là thị hiếu, những thứ mà trong tâm ưa thích), xa lìa danh vọng lợi dưỡng, xa lìa ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy), làm như vậy mới có thể tiêu tai miễn nạn. Nếu như ái dục, thị hiếu của bạn không buông bỏ được, thì trong thế gian này bất luận bạn lẫn trốn đến nơi nào, bạn cũng không tránh khỏi kiếp nạn. Chúng ta phải biết đạo lý này
(trích Phật Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – tập 9)
Pháp Sư Tịnh Không
Để lại một bình luận