Sách nói: Thanh tịnh tâm
Tác giả: Lê Sỹ Minh Tùng
Tác giả của những bộ sách tuyệt vời như: Phá Mê Khai Ngộ, Vô Thượng Niết Bàn, Duy Ma Cật Giảng Giải, Pháp Hoa Giảng Giải.
Giọng đọc: Nguyên Hà
Tâm thanh tịnh có nghĩa là người có tâm hồn trong sáng, cuộc sống của họ không chạy theo bản ngã và nội tâm không bị kích động bởi tham lam, giận hờn và si mê.
Con người càng được kính trọng càng được khen ngợi thì bản ngã càng có cơ hội phát triển nhiều. Mà chạy theo bản ngã là chạy theo sinh tử luân hồi.
Khi từ bi và trí tuệ được phát triển trọn vẹn thì con người sẽ không còn phân biệt nữa vì bắt đầu từ thời điểm ấy từ bi là trí tuệ mà trí tuệ cũng là từ bi và họ sẽ thấy rõ ràng tất cả bản thể Chân Như của vạn pháp. Hình tướng bề ngoài tuy khác nhau nhưng Thể Tánh bên trong chỉ là một. Đó chính là :”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” vậy.
Điều qua trọng nhất con người cần phải biết là tất cả mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật vì ai ai cũng đều có sẵn Phật tính trong mình, chỉ vì mê lầm không thấy rõ tính chất cao quý thiêng liêng nơi mình mà chúng sinh mới bị mê đắm vào vòng đau khổ luân hồi.
Nguyên nhân của tất cả sự khổ đau bắt đầu từ bản ngã vì nó vốn có khuynh hướng phân biệt thân sơ, tốt xấu, giàu nghèo, ta và người…và từ đó nẩy sinh các tham vọng, ái dục, đố kỵ, tranh chấp đẩy con người lún sâu vào vòng sinh tử khổ đau.
Con người nên quay vào bên trong để lắng nghe tiếng gọi của Chân Tâm mà sống với tự tánh thanh tịnh thì không bị lôi cuốn của thế gian. Một người chết đuối không thể cứu một người khác cũng đang chết đuối. Một việc làm cao đẹp chỉ có nghĩa khi nó được làm bởi một cái tâm vị tha chân thật.
Làm sao biết rằng việc làm của mình là hoàn toàn vô vị lợi? Chỉ khi nào làm mọi việc mà không thấy có mình làm, không thấy có chúng sinh được cứu độ, không thấy mình và chúng sinh có sự khác biệt đó mới là vô ngã.
Con người đều là những giọt nước trong đại dương của sự sống, tuy là một thành phần nhỏ bé nhưng chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được toàn thể sự sống của đại dương. Chúng ta có thể mang những thể xác khác nhau, trải qua nhiều kiếp sống khác nhau và thâu nhập học hỏi những kinh nghiệm khác nhau nhưng chúng ta đều là thành phần của một sự sống vĩ đại, của một Chân Như Đại Thể.
Khi lòng từ bi phát triển trọn vẹn, con người không còn ao ước sự giải thoát cho chính mình vì họ thấy mình và chúng sinh là một không hề khác nhau và khi chúng sinh còn vướng mắc trong vòng đau khổ thì làm sao mình có thể giải thoát được
Để lại một bình luận