Đại cương Phật giáo chẳng ngoài năm tông. Năm tông là: Luật, Giáo, Thiền, Mật và Tịnh. Luật là căn bản Phật pháp, nghiêm giữ tịnh giới để mong Tam nghiệp thanh tịnh, nhất tánh viên minh. Ngũ uẩn đều không, các khổ đều độ. Giáo là y theo giáo tu quán, lìa ngón tay thấy mặt trăng, triệt ngộ Phật tánh vốn đầy đủ. Nhưng người này chỉ thấy Phật của tự tánh thiên chân mà gọi là thành Phật, chẳng phải liền thành ông Phật chứng đạo Bồ-đề. Mật thì lấy tam mật gia trì, chuyển thức thành trí, gọi là tức thân thành Phật. Đây cũng chỉ là lấy ngay thân này liễu sanh tử làm thành Phật, mà chẳng phải thành ông Phật phước tuệ viên mãn. Ba tông này đều có thể thu nhiếp vào Thiền tông, vì khí phận giống nhau. Cho nên, chỗ cần yếu tu trì Phật pháp thật chỉ có hai môn: Thiền và Tịnh.
Thiền thì chuyên nhờ tự lực, nếu chẳng phải kẻ túc căn thành thục thì không được lợi ích thật sự. Tịnh thì gồm nhờ cả Phật lực. Phàm kẻ nào đầy đủ tín, nguyện, hạnh đều có thể mang nghiệp vãng sinh, chỗ khó dễ của hai tông xa cách nhau một trời, một vực. Nên ngài Vĩnh Minh thiền sư đời đầu nhà Tống, là bậc cỡ Phật thị hiện sinh ở thế gian, triệt ngộ nhất tâm, trọn tu vạn hạnh, mỗi ngày làm 108 Phật sự. Đến đêm, qua núi bên cạnh hành đạo niệm Phật. Ngài sợ rằng kẻ học đời sau chẳng hiểu rõ tông yếu nên làm bài kệ Tứ liệu giản, để kẻ học biết chỗ xu hướng.
Kệ rằng:
Có Thiền, có Tịnh độ
Như hổ mọc thêm sừng
Đời nay làm thầy người,
Đời sau là Phật tổ.
Không Thiền có Tịnh độ
Muôn tu muôn vãng sinh
Nếu được thấy Di-Đà
Lo gì chẳng khai ngộ.
Có Thiền không Tịnh độ
Mười người chín chần chờ
Cảnh Trung ấm hiện ra
Liền theo nó mà đi.
Không Thiền không Tịnh độ
Giường sắt và cột đồng
Muôn kiếp cùng ngàn đời
Không một ai nương tựa.
Tám chục chữ này là cương yếu một đời giáo hóa của đức Như Lai, là khuôn vàng cho kẻ học liễu sinh thoát tử ngay trong hiện kiếp. Kẻ học trước phải biết rành rẽ thế nào là Thiền, thế nào là Tịnh độ; thế nào là Có Thiền, thế nào là có Tịnh độ. Thiền và Tịnh là theo Lý, theo Giáo mà nói; có Thiền, có Tịnh là theo cơ, theo tu mà bàn. Lý, Giáo hai pháp không khác, còn cơ, tu thì hai pháp khác nhau. Lời nói tuy giống nhau mà ý thì khác xa, cần phải chú ý mới chẳng phụ tấm lòng nhân từ của ngài Vĩnh Minh.
Sao gọi là Thiền? Tức là chân như Phật tánh của chúng ta vốn đầy đủ. Tông môn chỗ bảo là: bổn lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sinh ra. Lời của Tông môn chẳng nói thẳng ra, chỉ khiến người tham thiền tự mình được ngộ, nên mới nói như thế. Thật ra, không có năng sở, ly niệm linh tri (ly niệm linh tri không có chút suy nghĩ phân biệt mà vẫn thấu rõ cảnh giới trước mắt.)
Sao gọi là Tịnh độ? Tịnh độ tức là tín, nguyện, chấp trì danh hiệu, cầu sinh Tây Phương, chẳng phải nghiêng lệch duy tâm Tịnh độ, tự tánh Di-đà mà nói.
Có thiền tức là cực lực tham cứu, niệm tịch tình vong, thấy suốt bổn lai diện mục khi cha mẹ chưa sinh ra, minh tâm kiến tánh. Có Tịnh độ tức là thực hành việc phát tâm Bồ-đề, sinh tín, phát nguyện, trì danh hiệu Phật A-di-đà, cầu sinh Tây Phương.
Nếu như tham thiền chưa ngộ, hoặc tuy ngộ mà chưa triệt ngộ, đều chẳng được gọi là có Thiền. Nếu như niệm Phật chỉ thiên chấp duy tâm, mà không có tín nguyện, hoặc có tín nguyện mà chẳng tha thiết, đều chẳng được gọi là có Tịnh độ. Đến như tuy tu Tịnh độ mà tâm còn nghĩ tưởng trần lao, hoặc cầu phước báo nơi cõi Trời, cõi Người, hoặc cầu kiếp sau xuất gia làm vị Tăng, nghe ít giác ngộ nhiều, đắc đại Tổng trì, hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, đều chẳng được gọi là người tu Tịnh độ. Vì họ chẳng chịu y theo Phật pháp các kinh Tịnh độ dạy, bậy bạ lấy thông khắp giáo nghĩa làm tiêu chuẩn, thế thì kiếp sau có thể chẳng mê mà liễu thoát, muôn người khó có một. Hạng người bị phước làm mê, từ chỗ mê lại vào chỗ mê thật là rất nhiều. Quả nhiên có thể hiểu sâu nghĩa này, mới là người tu Tịnh độ.
Kẻ chẳng biết nghĩa chân thật, cứ bảo hễ tọa thiền, tham thiền tức là có thiền; hễ niệm Phật tức là có Tịnh độ, tự làm lầm mình, lại làm lầm người khác, di hại vô cùng.
Đại sư Ấn Quang khai thị
Để lại một bình luận