Trong cuộc sống, dường như ai cũng mơ ước mình có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Trên bước đường đi tìm giá trị của hạnh phúc, có người đã tìm được câu trả lời và cũng không ít người suốt một đời loay hoay tìm hạnh phúc, tìm mãi mà không thấy, dần dần đi vào bế tắc, tuyệt vọng như đi vào con đường không tìm thấy lối ra.
Cuộc sống xô bồ, nhiều khi con người ta bị cuốn vào vòng xoáy của lo toan, bộn bề khiến họ không tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn. Họ có thể có tiền, có nhà cao cửa rộng, nhưng vẫn không cảm nhận thấy hạnh phúc. Bởi lẽ tâm họ không tịnh, họ luôn phải gồng mình tranh giành và giữ vững những gì mà họ đang có. Thậm chí nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy ân hận trên chiến thắng. Bởi đằng sau cái gọi là được mất, hơn thua, chiến thắng – thất bại, đó là những xa cách, đổ vỡ vì cái tôi ngạo mạn, cư xử không có trên dưới, thiếu tôn trọng nhau.
Vậy thì tại sao chúng ta cứ phải cố chiến thắng bằng được, bằng mọi giá? Chỉ cần bạn thay đổi cách ứng xử, giao tiếp, nói những lời tử tế, sống ngay thẳng, ôn nhu… để tâm an, lòng thanh thản. Thế nhưng đâu có dễ để làm được điều này. Vì thế, hãy học cách sống an hòa với mình và với người gần như suốt đời, để lòng được nhẹ nhàng hơn.
Nhưng trước tiên, muốn làm được điều này, chúng ta phải học được cách buông xả.
Người ta thích nắm hơn buông, mặc dù trên nguyên tắc buông dễ hơn nắm và có buông thì ta mới có được nhiều thứ hơn là ta nắm vì khi bạn cố nắm chặt cái gì đó thì bạn sẽ không thể mở lòng cho các khác được. Những ai biết buông – hoặc biết cách nắm như thế nào cho đúng cách – sẽ không phải chìm trong đau khổ. Nắm đúng cách chính là sự tinh tấn trong chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh định. Buông như thế, nắm như thế mới có thể có được sự quân bình, an lạc. Nói thì dễ, nhưng thực hành mới khó làm sao. Mà khó nhất chính là làm sao buông được để rảnh tay mà nắm!
Nếu con người biết buông xả phiền não trong đời sống hiện tại, buông đi những danh lợi, những hận thù chấp nhặt, đồng thời xả đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, xả đi những “tham – sân – si” trong cuộc sống thường nhật sẽ tự tìm thấy cho bản thân niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn.
Có buông xả thì lòng ta mới rộng mở, ai nói gì cũng có thế bỏ qua mà không chấp nhặt. Nếu ai xúc phạm có thể dễ dàng tha thứ, nếu có tức giận, buồn bã thì cũng chỉ một vài phút, vài giờ rồi lòng có thể cân bằng, bỏ qua để rồi khi qua một đêm thức dậy có thể quên hết để tâm an vui.
Nhưng bạn cũng cần biết, buông xả không có nghĩa là buông bỏ, dẹp hết tất cả để chỉ lo cho bản thân mình. Bông xả không có nghĩa là chối bỏ, trốn tránh trách nhiệm. Buông xả nhưng phải luôn giữ trọn trách nhiệm của một con người.
Là người con Phật, chúng ta buông xả nhưng phải luôn giữ trọn vẹn trách nhiệm của một con người. Để bồ đề tâm thêm vững chắc, để trả ơn công lao sinh thành của cha mẹ, để vẫn chu toàn mọi việc, mọi bổn phận.
Tất cả được làm với tấm lòng bao dung mở rộng như một vị Bồ tát, xử xự theo tinh thần “Từ – Bi – Hỷ – Xả”. Còn đích đến nào tuyệt với hơn khi biết tìm lại và trở về với chính cuộc sống nội tâm của chúng ta, để trở về với sự thanh thản trong tâm hồn.
Khi tâm hồn trong sáng, vui vẻ là bạn đang tiến dần đến mục tiêu, thành công của cuộc sống mà chúng ta mong đợi. Chúng ta sẽ làm việc tốt hơn, sống đam mê hơn, nhân hậu, tha thứ và rộng mở, học thêm được nhiều điều…
Chìa khóa hạnh phúc là những điều thật giản dị phải không các bạn, hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng sự bình an và tự tại, chỉ cần chúng ta biết buông xả thì chắc chắn chúng ta sẽ có được niềm an lạc và hạnh phúc thật sự.
Để lại một bình luận