Muốn an được an được thiền sư Thích Nhất Hạnh viết bằng tiếng Anh với tên gọi Being Peace. Tác phẩm xuất bản bản tiếng Anh lần đầu năm 1987, tới nay được đánh giá là một tác phẩm mẫu mực của văn học tôn giáo đương đại. Tác phẩm được sư cô Chân Hội Nghiêm chuyển sang tiếng Việt trong lần phát hành đầu tiên tại Việt Nam.
Trong Muốn an được an, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra các con số về tình hình xã hội ở thời điểm tác giả viết sách: “Mỗi ngày có 40.000 trẻ em chết đói. Những siêu cường quốc có hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân, đủ để tiêu diệt hành tinh của chúng ta nhiều lần”. Theo Thiền sư, cuộc sống có nhiều khổ đau như vậy, nhưng cũng tràn đầy mầu nhiệm: “Tuy nhiên, mặt trời mọc sáng nay rất đẹp, những đóa hoa hồng nở ven đường sáng nay là một màu nhiệm”.
Ông cho rằng, cuộc sống không chỉ có khổ đau, do đó ta phải biết tiếp xúc với những màu nhiệm của sự sống, bởi bất cứ lúc nào, những màu nhiệm ấy cũng có mặt khắp nơi trong ta và quanh ta. Thiền sư viết: “Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho người khác… Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và nở ra như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng”.
Để hướng dẫn mọi người có thể tìm được an từ bản thân, Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên: “Chúng ta phải bình tĩnh để nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng, sáng suốt. Thiền tập là ý thức được những tình trạng đang xảy ra và tìm cách cứu chữa cho những tình trạng đó” (trích phần Ba viên ngọc quý). Trong phần Cảm thọ và tri giác, Thiền sư cho rằng mỗi ngày con người có nhiều cảm thọ: khi thì hạnh phúc, lúc buồn khổ, giận dữ, bực bội, sợ hãi… Những cảm thọ này xâm chiếm tâm thức và trấn ngự mỗi người trong một thời gian. Vì thế, cần biết nhận diện và xử lý từng cảm thọ đó để được an lạc.
Vừa chỉ ra con người có được an hay không nằm ở bản thân mỗi người, Thiền sư vừa dẫn giải các sự việc, xã hội được giải quyết từ tâm thế bình an của mỗi cá nhân. Trong phần Làm việc cho hòa bình, Thiền sư cho rằng phong trào hòa bình không thể hoàn thành sứ mạng nếu chứa đầy hận thù và giận dữ. Ông bày tỏ quan điểm: “Phong trào hòa bình có khả năng sử dụng ngôn ngữ hòa ái để diễn bày con đường hòa bình không còn phụ thuộc vào những người làm công tác hòa bình có an hay không”.
Phần cuối sách, tác giả khuyên: “Thiền tập trong đời sống hàng ngày”. Ông đưa ra các phương pháp đơn giản giúp mọi người định tâm hàng ngày, đơn giản nhất là việc đếm hơi thở, dành thời gian ngắn trong ngày để theo dõi hơi thở, hoặc ý thức “trong ta có Bụt” hàng ngày…
Tác giả cuốn sách – Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, một nhà hoạt động xã hội. Ông từng được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 1967. Ông là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Ngoài Muốn an được an, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn là tác giả của trên 100 cuốn sách, trong đó có 40 cuốn viết bằng tiếng Anh.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.