Trong Kinh Như Thị Ngữ, Đức Phật dạy: “Tất cả công đức mà ta thực hiện ở trên đời, góp lại cũng không bằng sự thực tập từ quán (quán từ bi). Làm chùa, đúc chuông hay làm việc xã hội… tất cả những công đức đó chỉ bằng một phần mười sáu công đức thực tập lòng từ”.
Từ bi là một trong những tâm hạnh căn bản của nhà Phật. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu thấu đáo nghĩa của hai từ này. Nhiều người hiểu lầm từ bi với bi lụy, mềm yếu, nhu nhược, tùy thuận theo ý muốn của người khác…
Tuy nhiên, từ bi theo lời Phật dạy có nghĩa khác xa. Từ là khiến cho chúng sinh vui. Bi là diệt trừ cái khổ cho tất cả mọi loài. Người có lòng từ bi là người thương cảm trước cảnh khổ của người khác, nguyện hi sinh, làm mọi việc có ích để cứu đời, giúp người.
Tâm từ bi trong nhà Phật là tình thương rộng lớn vô biên, không chỉ dành cho con người, loài vật mà thương đến cả cỏ cây hoa lá, chúng sinh vô hình hay chúng sinh đang bị đọa đày trong địa ngục khổ đau.
Trái ngược với lòng từ bi là tâm luyến ái, vị kỷ (tình thương chỉ dành cho một hoặc hai người).
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, muốn biết mình có từ bi nhiều hay không thì hãy thử. Mỗi khi nghe đến một tai nạn giao thông hay những đại nạn động đất, sóng thần, hỏa hoạn, nói chung, trước chết chóc xảy ra. Nếu ta không hề có chút tâm thương xót, không dành một phút mặc niệm nào để hồi hướng cho những người bất hạnh được siêu sinh thì ta biết hạt giống từ bi của mình đang bị ngủ quên.
“Lòng từ bi không có sự phân biệt. Đứng trước cái chết của một người thân thì khổ đau, trong khi trước cái chết của mấy chục ngàn người thì dửng dưng, như vậy là chưa khơi dậy được lòng từ bi cần có”.
Hay “Làm chùa, đúc chuông, hay làm việc xã hội… tất cả những công đức đó chỉ bằng một phần mười sáu của công đức thực tập lòng Từ. Cũng như nhìn lên trời chúng ta thấy trăng và sao, và nếu ánh sáng của tất cả các ngôi sao họp lại không bằng ánh sáng của mặt trăng, thì tất cả các công đức khác góp lại cũng không bằng ánh sáng của từ quán”.
Lòng từ bi tạo kết nối còn lòng thương hại tạo ra sự chia tách. Dưới đây là 10 cách bạn có thể tự mình thực hành lòng từ bi hàng ngày:
1. Dạy
Bạn có nhiều tài năng, kỹ năng đặc biệt và có thể tiếp cận với nhiều nguồn lực. Bạn có thể chia sẻ tài năng/ nguồn lực này với ai hôm nay? Bạn có thể tìm đâu ra người sẽ có lợi từ những gì bạn trao? Lòng từ bi không phải là tích cóp mà là trao đi một cách hào phóng.
2. Học
Có những tài năng/kỹ năng không tự nhiên tới với bạn, nhưng lại dễ dàng với người khác. Hãy nhờ họ hướng dẫn và hỗ trợ. Mọi người cảm thấy mình có quyền lực khi chúng ta coi trọng khả năng của họ thể hiện qua việc nhờ họ giúp đỡ.
3. Trao những lời khen chân thành
Những lời khen khiên cưỡng và những nụ cười giả tạo không dễ ngụy trang, vì vậy bạn đừng nên cố thử. Thay vào đó, hãy tìm cơ hội để thành thật tán thưởng tài năng của ai đó. Lòng từ bi không cần khoa trương mà hãy để nó lan tỏa tới những người khác.
4. Ham hiểu biết
Tạo ra cơ hội để khai thác một cách khách quan những việc và những người mà bạn đang phán xét. Hãy đọc một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn tới từ một nền văn hóa mà bạn đánh giá thấp. Bắt đầu một cuộc trò chuyện với một đồng nghiệp có truyền thống tôn giáo/đức tin khác bạn. Cho phép bản thân thừa nhận những giá trị chung thay vì cứ dựa mãi vào những định kiến cũ.
5. Đặt mình vào vị trí của người khác
Sống trong trải nghiệm của người khác là một trong những cách hay nhất để hình thành lòng từ bi. Đề nghị làm giúp phần việc của một đồng nghiệp bị ốm hay đang nghỉ phép. Đi bộ hoặc bắt xe buýt đi làm thay vì tự lái xe. Thay đổi thói quen hằng ngày là một cách hay để biến đổi quan điểm của chúng ta và nhìn nhận những người khác từ một điểm thuận lợi mới.
6. Hãy là một nhân chứng thầm lặng
Ngắm nhìn một cặp vợ chồng tay trong tay dắt theo đứa con. Để một chú cún liếm tay bạn. Hãy nhắm mắt lại và cảm nhận làn gió, những hạt mưa hay những bông tuyết rơi trên khuôn mặt bạn. Lặng lẽ quan sát nhiều cách biểu hiện tình yêu xung quanh bạn. Lòng từ bi và tình yêu là một.
7. Tạo ra sự tĩnh lặng
Thiền định sẽ làm tắt đi những tiếng nói nhỏ trong đầu (đây thường là những lời đánh giá về bản thân chúng ta và những người khác) vốn làm chúng ta mất đi khả năng gắn kết 100% với thực tại. Sự hiện diện thực sự cho phép chúng ta thấy những thứ ẩn sau vẻ bề ngoài và nhận ra những điều cốt lõi mà chúng ta chia sẻ với những người khác. Khi bạn nhận ra tính liên kết lẫn nhau của mọi sự việc thì lòng từ bi sẽ đến một cách tự nhiên.
8. Hướng vào nội tâm
Mặc dù việc mở rộng lòng từ bi tới những người khác nên được làm hằng ngày, nhưng thể hiện điều tương tự với bản thân chúng ta cũng rất quan trọng. Bạn có đang nuối tiếc quá khứ? Bạn đã từng cực kỳ xấu hổ vì đã nói hoặc làm điều gì đó? Hãy hỏi bản thân mình: “Mình sẽ là ai nếu không có sự nuối tiếc/ xấu hổ này”? Mỗi ngày bạn hãy thực hành việc tha thứ cho bản thân, tạo ra sự chấp nhận êm đềm với tất cả mọi việc.
9. Tìm kiếm những người đang cần giúp đỡ
Một trong những cách nhanh nhất để tạo ra lòng từ bi là tìm cơ hội để tương tác với những người đang cần giúp đỡ: dành thời gian thăm các bệnh nhân trong bệnh viện, góp sức với đội nấu và phát bữa ăn từ thiện. Lòng từ bi đối xử với những nỗi đau bằng sự dịu dàng, cho đi thời gian và công sức một cách hào phóng.
10. Tạm dừng lại
Khi bạn phải viết một email khó khăn, làm khó một đồng nghiệp hoặc phàn nàn với người quản lý nhà hàng về sự phục vụ kém, hãy dừng lại và cân nhắc địa vị của người khác. Liệu có phải họ đang có một ngày thực sự khó khăn? Liệu bạn có thế nói ra nỗi bận tâm của bạn một cách nhẹ nhàng thay vì hung hăng? Hãy dừng lại để tìm ra câu trả lời đầy lòng từ bi. Hãy nuôi dưỡng lòng từ bi của bạn và mọi việc bạn làm sẽ tạo ra một cuộc sống nhẹ nhàng và hài hòa.
Vậy làm thế nào để có thể chuyển hóa tâm nóng giận, thù hận thành tâm từ bi?
Thời Đức Phật còn tại thế, một hôm khi đi khất thực (xin ăn), Tôn giả La Hầu La (con trai của Phật) bị trẻ nhỏ trong làng chửi mắng.
Lúc này La Hầu La xuất hiện ý muốn hoàn tục, về nhà nối ngôi vua, sau đó sẽ dắt binh lính đến tàn sát làng này, đặc biệt là những đứa trẻ .
Thấy được tâm niệm của La Hầu La, Đức Phật bèn trách và bắt con ngồi xuống, theo dõi hơi thở và từng niệm xấu ác của mình.
Phật dạy, cứ mỗi ngày trước khi đi ngủ phải quán từ bi. Nghĩa là ngồi tĩnh tâm nhìn lại ngày hôm nay mình đã làm điều gì xấu ác ảnh hưởng đến những người xung quanh. Khi thấy lỗi phải thành tâm sám hối, tự hứa sẽ không tái phạm nữa.
Đồng thời, rải tâm từ bi, yêu thương của mình đến khắp tất cả chúng sinh, người quen, người lạ, người thương mình, thậm chí cả người ghét mình…
Toàn bộ giáo pháp của Đức Phật đều nêu lên sức mạnh của lòng từ bi. Nếu siêng năng tu tập tâm từ, chúng ta sẽ được rất nhiều lợi ích. Cụ thể là 11 điều sau đây:
1. Ngủ ngon
2. Thức dậy thấy khỏe, nhẹ nhàng trong lòng (Người có tâm từ, luôn bao dung, tha thứ thì ít bệnh hơn những người luôn cau có, cằn nhằn)
3. Ngủ không gặp ác mộng
4. Được gần gũi và thân cận với nhiều người
5. Được thân cận loài phi nhân và chim cá
6. Chư Thiên ủng hộ, bảo vệ
7. Không bị lửa, chất độc làm hại
8. Dễ đi vào thiền định
9. Nét mặt luôn trầm tĩnh
10.Lúc chết không mê mờ
11. Khi chết sinh vào cõi trời Phạm thiên
Việc thực tập tâm từ bi sẽ gíup chúng ta luôn sống hạnh phúc, an vui, thành tựu được nhiều công đức lành.
Để lại một bình luận