Trong cuộc sống, ai cũng mơ ước mình có được cuộc sống an nhàn, sung sướng, có thời gian rảnh rỗi để thư giãn, không phải vất vả chạy vạy từng miếng cơm manh áo. Cuộc sống được như vậy hạnh phúc biết bao! Tuy nhiên dân gian ta lại có câu Nhàn cư vi bất thiện. Vậy nhàn cư có phải là cuộc sống mà người ta hằng mong ước không? Và ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện như thế nào?
Nhàn cư là cuộc sống an nhàn. Bởi xưa kia các vị quan ở ẩn cũng như những thi nhân, ai cũng chọn cho mình cuộc sống nhàn lúc trở về quê nhà. Cuộc sống nhàn của họ là sống hòa mình với niềm vui lao động: vườn hoa cây kiểng hoặc một mai, một cuốc, một cần câu. Họ sống xa rời vòng danh lợi, không muốn bon chen để mưu cầu vinh hoa phú quý. Đó là cách sống thể hiện tiết tháo của nhà nho. Còn chữ nhàn cư mà câu tục nhữ nói ở đây là sự ở không, không biết làm việc gì, không có việc gì để làm, chỉ biết sống hưởng thụ, ăn bám vào người khác. Cách sống đó ở không, nhàn rỗi như vâỵ dễ sinh ra điều không tốt: vi bất thiện. Câu tục ngữ muốn đề cập đến: sự lười biếng, ăn không ngồi rồi sẽ dễ sinh ra nhiều thói hư tật xấu.
Rõ ràng là như vậy. Khi một người không có một nghề nghiệp gì cả, không có một định hướng nào trong cuộc sống, chỉ biết có sẵn của ăn của mặc, không cần suy nghĩ, không cần làm việc gì để giúp ích cho ai cả, thì những con người đó dễ sinh ra những việc làm sai quấy. Trong khi mọi người xung quanh ai cũng làm việc, như thế mãi sẽ đâm ra chán cho nên họ lại suy nghĩ tìm cách để giải khuây. Thế là những trò tiêu khiển được đặt ra: bài bạc, rượu chè, hút xách. Dần dần trở thành thói quen không bỏ được và họ chỉ biết lao vào những trò chơi “giết người” ấy. Cơ thể bạc nhược đầu óc mụ mẫm không còn phân biệt đúng, sai; họ như những con thiêu thân cứ lao vào và tiến tới mãi những trò tiêu khiển đó. Nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, đòi hỏi cá nhân của con người ngày càng nhiều, trong khi những kẻ lười biếng kia không chịu làm việc mà lại muốn có đủ tất cả. Do vậy muốn có thật nhiều tiền để dùng, tiêu xài, để hưởng thụ qua các trò chơi trác táng kia, họ phải tìm cách để giải quyết, để thỏa mãn. Dẫu cho gia đình có tiền muôn bạc vạn dần dần cũng sẽ suy sụp rồi trở nên nghèo túng. Lúc này, những “con nghiện” quen hưởng thụ kia tất phải trở thành kẻ xấu. Họ cố tìm ra những mưu mô gian xảo nhất để kiếm ra tiền: từ chỗ lường gạt, trộm cướp thậm chí dẫn đến chỗ giết người. Đó là hậu quả của việc nhàn cư rất tai hại.
Tất cả những thói hư tật xấu đều bắt nguồn từ sự nhàn cư mà ra. Một nhà tư tưởng phương tây cũng đã nói: Sự ăn không ngồi rồi là mẹ đẻ của các tật xấu. Điều ấy không sai. Chúng ta nhìn vào thực tế của xã hội: những sòng bạc những ổ mại dâm, những động xì ke, ma túy… đều bắt nguồn phát sinh từ những kẻ thôi công rỗi việc, những kẻ lười biếng, thích hưởng thụ. Những hạng người này không giúp ích gì cho ai mà còn làm hại những người xung quanh, những tệ nạn xã hội ngày càng lan rộng, những trò giết người cướp của không thuyên giảm đều do hậu quả của việc nhàn cư. Vì vậy muốn tránh những thói hư tật xấu ấy, con người phải lao động phải tìm việc làm, những công việc có ích cho mọi người, cho xã hội. Bởi lẻ có làm việc ta không có thời gian rãnh rỗi để lao vào những trò vô bổ, không có thời gian để suy nghĩ những điều xấu xa… Lao động sẽ giúp ta tạo được cuộc sống ấm no đầy đủ, trở thành người tốt. Và chính sự ở không, sự lười biếng mới chính là kẻ thù của con người.
Tóm lại câu tục ngữ Nhàn cư vi bất thiện khuyên chúng ta phải tránh xa sự nhàn cư để không làm điều bất thiện. Muốn bảo vệ phẩm giá con người, muốn xứng đáng làm người tốt trong xã hội thì ta phải lao động, phải làm việc hăn say tích cực. Ta cũng cần hiểu rằng: lao động là vẻ vang, là cần thiết và là nghĩa vụ cuả mỗi con người.
Pháp thoại về cuộc sống chủ đề Nhàn cư vi bất thiện được đại đức Thích Phước Tiến chia sẻ tại chùa Phổ Chiếu, ngày 08/04/2017 (12/03/Đinh Dậu) trong chuyến hoằng pháp tại Úc
Xem thêm bài giảng Giàu lên dễ sinh tật được thầy Thích Phước Tiến thuyết giảng tại Tịnh Xá Minh Đăng Quang (Úc Châu), ngày 01/04/2017 (05/03/Đinh Dậu)
Để lại một bình luận