Di dân đến thế giới Cực Lạc (Quê hương Cực Lạc 2/4)- Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị
Di dân đến thế giới Cực Lạc
Phật tử Á đông chúng ta phần nhiều có câu nói như thế này: “Người người Quán Thế Âm, nhà nhà A Di Đà Phật”. Bồ tát Quán Thế Âm có nhân duyên đặc biệt với chúng ta. Ngài vui mừng khi chúng ta được đến thế giới Cực lạc, chẳng cần phải làm thủ tục di dân. Chỉ cần có “nhất niệm tâm thành” để ấn chứng, thì hoàn thành thủ tục, tuyệt đối chẳng có phiền phức gì cả. Nếu như không “nhất niệm tâm thành” để làm chứng, thì chẳng có thể di dân đến thế giới Cực lạc.
Tại sao chứng minh nhất niệm tâm thành mới đến được? Cách này vô cùng đơn giản, rất dễ dàng, chỉ cần thành tâm thành ý niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ tát” hoặc “Nam Mô Đại Thế Chí Bồ tát” là thành tựu rồi. Vì Phật A Di Đà là giáo chủ ở thế giới Cực lạc. Có hai vị Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí đứng hai bên Phật A Di Đà để cùng cứu độ chúng sanh. Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí gọi là Tây phương Tam Thánh. Ta niệm bất cứ danh hiệu vị nào trong ba vị cũng được cả. Cần nhớ, niệm đến nhất tâm bất loạn, một trần không nhiễm thì được đới nghiệp vãng sanh, hoa nở thấy Phật hoặc Bồ tát.
Nếu chẳng muốn di dân đến thế giới Cực lạc, thì không cần phải trì niệm danh hiệu Tam Thánh. Nếu muốn di dân đến thế giới Cực lạc thì phải niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm. Niệm danh hiệu của Bồ tát hiện đời ta có thể tránh được tam tai thất nạn, khi chết được bình an, sanh về Tịnh độ, chỉ một mà lợi cả hai sao chần chờ không làm chứ?
Chúng ta muốn niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, niệm sao cho danh hiệu của Ngài hòa quyện với tâm lại thành một. Không tách rời ra, nghĩa là miệng niệm tâm phải tương ưng, đến lúc đó, không muốn đến thế giới Cực lạc cũng đến được! Vì sao vậy? Vì đã thấm nhuần sâu vào cội gốc rồi, tương lai cành lá sẽ phát triển và đơm hoa kết quả.
Phật A Di Đà là Đại Pháp Vương
Vì sao phải niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”? Bởi vì đức Phật A Di Đà có nhân duyên rất lớn với tất cả chúng sanh khắp mười phương thế giới. Đức Phật A Di Đà khi chưa thành Phật là một vị Tỳ kheo, tên là Pháp Tạng. Tỳ kheo Pháp Tạng phát ra 48 lời nguyện, mỗi nguyện thệ cứu độ hết tất cả chúng sanh giúp cho hết thảy chúng sanh đều thành Phật. Trong 48 lời nguyện đó có một nguyện như thế này: “Khi tôi thành Phật, mười phương tất cả chúng sanh, nếu trì niệm danh hiệu tôi, nhất định tất cả sẽ thành Phật. Nếu như họ chẳng thành Phật, tôi thề cũng không thành Phật”.
Nguyện lực này của đức Phật A Di Đà, giống như sức hút của máy nam châm, mà mười phương chúng sanh giống như một hòn sắt, đều hút về thế giới Tây phương Cực lạc. Nếu như hút không được thì sao? Tỳ kheo Pháp Tạng chẳng thành Phật A Di Đà. Cho nên, tất cả chúng sanh xưng niệm danh hiệu của Phật A Di Đà đều có cơ hội thành Phật.
Kinh A Di Đà là quyển Kinh không ai hỏi mà tự Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra. Vì sao không ai hỏi mà Phật tự nói? Vì khó có người tin hiểu pháp môn này, cho nên không có người hỏi. Đại trí Xá Lợi Phất là bậc thượng căn, nhưng cũng không biết hỏi thế nào. Phật nói, pháp môn này vô cùng thù thắng, là phương tiện bậc nhất, tu tập rất dễ thành tựu. Dụng công tu rất tiện, ít tốn công tốn sức. Ngài nói: “Chỉ cần mỗi người chuyên tâm niệm Phật, niệm được một ngày, hai ngày, ba ngày, … cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, người đó khi lâm chung đức Phật A Di Đà cùng với Thánh chúng hiện ra để tiếp dẫn họ”.
Cho nên Phật nói, pháp môn này ít người tin nhận, vì đó là pháp môn trực tiếp, rất thù thắng, đặc biệt thu nhiếp ba hạng người thượng, trung và hạ căn. Nếu là người thông minh hay ngu si, một lòng niệm Phật thì đều thành Phật cả.
Khi vãng sanh về Cực lạc thế giới “không có các sự khổ, đủ các sự an lạc”. Chúng sanh nơi thế giới đó đều sanh ra từ hoa sen, không giống như loài người chúng ta phải sanh ra ừ bào thai. Ở thế giới Cực lạc, bào thai là hoa sen, khi người ở trong hoa sen nở ra, tương lai nhất định thành Phật rồi.
Nhất cú Di Đà vạn Pháp vương
Ngũ thời bát giáo tận hàm tạng
Hành nhân đản năng chuyên trì niệm
Định nhập Như Lai bất động đường.
“Nhất cú Di Đà vạn Pháp vương”, nghĩa là một câu Di Đà là vua của vạn pháp. “Ngũ thời bát giáo tận hàm tạng”, nghĩa là năm thời (thời Hoa nghiêm, thời A hàm, thời Phương Đẳng, thời Bát nhã, thời Niết bàn). Tám giáo (tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, viên giáo, đốn giáo, tiệm giáo, bí mật giáo, bất định giáo) bao hàm lại thành một. Đó là một câu “A Di Đà Phật”.
“Hành nhân đản năng chuyên trì niệm”, nghĩa là không luận người nào nếu chuyên tâm niệm Phật thì “Định nhập Như Lai bất động đường”, nghĩa là nhất định đạt đến tịch quang Tịnh độ, đến thế giới Cực lạc. Tất cả chúng sanh vào thời mạt pháp chỉ nương vào câu Phật hiệu A Di Đà để được cứu độ, ai muốn được độ thì chỉ có niệm Phật.
Bớt đi một câu nói
Niệm nhiều câu Phật hiệu
Si mê bị đoạn dứt
Liền liễu sanh thoát tử
Sống với pháp thân bạn.
Cho nên, mọi người chúng ta chớ xem thường Pháp môn Niệm Phật.
4 phương pháp niệm Phật
Pháp môn niệm Phật có bốn cách niệm như sau:
a) Trì danh niệm Phật:Tai nghe danh hiệu Phật, nhất tâm xưng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.
b) Quán tưởng niệm Phật:Quán tưởng chính là quán thấy, thấy cái gì?
A Di Đà Phật thân kim sắc
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di
Hám mục trừng thanh tứ đại hải,
Quang trung hóa Phật vô số ức
Hóa Bồ tát chúng diệt vô biên
Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.
Dịch nghĩa:
Di Đà thân Phật sắc vàng tươi
Tướng tốt quang minh vẹn đủ mười
Ánh sáng bao trùm năm núi lớn
Mắt trong như bốn bể đại dương
Hào quang hóa Phật nhiều vô số
Bồ tát hiện thân gấp mấy mươi
Bốn tám lời nguyện mong độ chúng
Hoa sen chín phẩm rước lên ngôi.
c) Quán tướng niệm Phật:Quán tướng là đối trước đức tướng của đức Phật A Di Đà, niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đây chính là quán tướng niệm Phật. Mỗi câu Phật hiệu từ miệng niệm ra tai ta nghe rõ ràng, tâm tỉnh giác từng câu niệm, đây gọi là quán tướng niệm Phật.
d) Thật tướng niệm Phật:Tức là niệm từ nơi tự tánh, Phật tánh là chân pháp thân của bạn cũng chính là tham thiền. Bạn tham câu “niệm Phật là ai?” – bạn hỏi lại mình xem, ai là người đang niệm Phật đây?
Đến Phật thất bảy ngày viên mãn, chúng ta tìm người “niệm Phật là ai?”, nhất định sẽ tìm được, không mất đâu. Nếu bạn bị mất, thế thì thiếu chánh niệm đi lạc đường rồi, mau trở về nhà! Nếu không trở về nhà, thì không gặp được Phật A Di Đà rồi.
3 món tư lương Tín, Nguyện, Hạnh
Tín, Nguyện, Hạnh, chính là ba món tư lương của người tu pháp môn Tịnh độ. Sao gọi là tư lương? Giống như bạn đi du lịch đến một vùng nào đó, trước tiên phải chuẩn bị một ít thức ăn, đó gọi là “Lương”. Lại đem theo một ít tiền thì gọi là “Tư”. “Tư lương” chính là thức ăn và những thứ tiền bạc nhu yếu trong sinh hoạt của bạn. Bạn đến thế giới Cực lạc, cũng cần ba món tư lương, đó là: tín, nguyện, hạnh. Điều quan trọng trước tiên là phải Tín. Nếu bạn không có tín tâm, thế là bạn không có duyên với Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc rồi. Nếu bạn có tín tâm là có duyên với Ngài. Cho nên niềm tin là điều hết sức quan trọng của bất cứ hành giả tu tập bất cứ pháp môn nào của Phật pháp. Bạn tin, là tin chính mình, tin cả người khác, vừa tín nhân, tín quả, tín sự tín lý.
Tin, sao gọi là tin chính mình? Bạn phải tin chính bạn nhất định về được thế giới Tây phương Cực lạc, bạn đầy đủ tư cách đến được thế giới Tây phương Cực lạc. Bạn không nên xem thường mình và nói rằng: “Chao ôi! Tôi gây tạo rất nhiều tội nghiệp, tôi không có cách gì để về được thế giới Tây phương Cực lạc”. Thế là bạn không có tin chính bạn rồi.
Bạn tạo rất nhiều tội nghiệp, phải không? Nhưng hôm nay bạn gặp cơ hội tốt. Cơ hội tốt như thế nào? Có thể đới nghiệp vãng sanh (mang nghiệp cũ vãng sanh). Bạn tạo những nghiệp gì, đều mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc. Nhưng bạn nên biết, đới nghiệp là mang nghiệp cũ, chứ không phải mang nghiệp mới. Do khi trước chưa học Phật nên không biết tội phước. Nay biết Phật pháp biết niệm Phật nên mang cái nghiệp khi xưa đó về cõi Phật. Nghiệp mới, chính là tội nghiệp tương lai, mang nghiệp cũ, chứ không phải mang nghiệp mới, mang tội nghiệp quá khứ, chứ không phải mang tội nghiệp tương lai. Lúc trước bạn đã gây tạo những hành vi tội lỗi bất thiện, không luận là nặng hay nhẹ, nhưng bây giờ bạn tự mình ăn năn cải đổi, bỏ ác hướng thiện, thế là tội nghiệp của bạn lúc trước đã gây tạo, có thể mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc, không mang nghiệp tương lai.
Tín tha, nghĩa là bạn tin đích thật có thế giới Tây phương Cực lạc, từ thế giới của chúng ta trải qua mười vạn ức cõi Phật xa như thế. Đây là khi chưa thành Phật, Ngài có tên là Tỳ kheo Pháp Tạng. Ngài từng phát nguyện, tương lai tạo thành một thế giới Cực lạc, mong muốn mười phương tất cả chúng sanh đều sanh về cõi nước của Ngài. Không cần gì nhiều, chỉ cần chúng sanh xưng niệm danh hiệu của Ngài, thì được về thế giới Tây phương Cực lạc, ngoài những việc khác ra, đều phí công. Pháp tu này vừa dễ, vừa đơn giản, lại phương tiện, viên dung, không phí tiền, không phí sức, có thể nói đây là pháp môn thù thắng. Chỉ cần niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, đây chính là tín tha.
Lại phải tin nhân, tin quả. Sao gọi là tin nhân quả? Bạn phải tin chính bạn trong quá khứ đã có căn lành, nay mới gặp pháp môn này. Nếu bạn không có căn lành, thì không gặp được pháp môn niệm Phật, cũng như không gặp được tất cả pháp môn của Phật. Bạn có căn lành, trong quá khứ đã gieo trồng nhân lành, nên nay gặp được pháp môn Tịnh độ mới có thể đầy đủ tín, nguyện. Nếu bạn chẳng tiếp tục vun bồi phát triển căn lành này, thì tương lai bạn chẳng có cơ hội để thành tựu quả vị Phật. Cho nên điều cần yếu bạn phải tin nhân, tin quả, bạn phải tin chính bạn ở trong đời quá khứ đã có gieo trồng nhân bồ đề, tương lai nhất định sẽ kết quả bồ đề. Giống như làm ruộng, khi gieo giống xuống cần phải chăm bón nó mới phát triển được.
Tin sự, tin lý. Sao gọi là tin sự? Sao gọi là tin lý? Bạn phải biết đức Phật A Di Đà có nhân duyên với chúng ta rất lớn, Ngài nhất định trợ giúp chúng ta thành Phật, đây là sự. Tin lý, tại sao chúng ta và Phật A Di Đà có nhân duyên rất lớn? Nếu không có nhân duyên chúng ta không gặp được pháp môn Tịnh độ. Phật A Di Đà cũng chính là tất cả chúng sanh, chúng sanh cũng chính là Phật A Di Đà. A Di Đà Phật là niệm Phật mà thành A Di Đà Phật, chúng ta cùng với tất cả chúng sanh tinh tấn niệm Phật, cũng có thể thành Phật A Di Đà, đây là lý.
Rõ lý, tỏ sự như thế rồi, chúng ta nương vào đó mà tu hành như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Sự vô ngại pháp giới, lý vô ngại pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới”. Đứng về phương diện tự tánh mà nói, chúng ta và đức Phật A Di Đà là một, cho nên chúng ta đều đủ tư cách để thành Phật A Di Đà. A Di Đà Phật là Phật ở trong tâm chúng sanh, chúng sanh nào cũng là tâm của Phật A Di Đà, sự quan hệ này cũng có sự có lý. Đạo lý này, bạn cần phải tin và phải thực hành, không làm biếng giải đãi. Cũng như niệm Phật, ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua, không phải ngày hôm nay lại kém hơn ngày hôm qua.
“Tín” đã giảng xong, tiếp theo giảng “Nguyện”. Sao gọi là nguyện? Nguyện chính là ý nguyện, ý nguyện của bạn, ý niệm bạn hướng mạnh thì tâm tưởng của bạn cũng như thế, phát ra một nguyện. Một nguyện này, chính là tứ hoằng thệ nguyện:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Chư Phật trong quá khứ và các bậc Bồ tát, đều dựa vào tứ hoằng hệ nguyện này mà chứng quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác. Hiện tại chư Phật và chư Bồ tát vị lai cũng đều dựa vào tứ hoằng thệ nguyện này tu hành chứng quả. Nhưng khi phát nguyện, trước hết bạn phải có tín tâm này, trước phải tin “có thế giới Cực lạc”. Thứ hai là tin “có Phật A Di Đà”. Thứ ba là tin “ta và Phật A Di Đà nhất định có nhân duyên rất lớn, ta nhất định sẽ sanh về thế giới Cực lạc”. Vì có đầy đủ ba đức tin đó, sau mới phát nguyện sanh về thế giới Cực lạc. Cho nên mới nói “nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung”. Ý nguyện của ta sanh về thế giới Cực lạc, không phải người nhà quyết định cho ta đi, cũng không phải người khác đến nắm tay dắt ta đi.
Tuy nói Phật A Di Đà đến tiếp rước ta, nhưng cái chính yếu là ý nguyện chính mình có muốn thân cận với Phật A Di Đà hay không? Ý nguyện có muốn sanh về thế giới Tây phương Cực lạc gặp Phật nghe pháp tu hành hay không? Muốn thành tựu được “Nguyện” này, tiếp theo cần phải có “Hành”. Sao gọi là hành? “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô A Di Đà Phật” … đó! Giống như cứu lửa cháy đầu phải đi mau cho rồi, có người muốn hại đầu của ta, thì mình vội vã tìm cách bảo vệ cái đầu của mình, vậy chẳng dám giải đãi.
Niệm Phật tức là thực hành tín, nguyện, hạnh. Đây chính là lộ phí, là tư lương để đi đường. Tư lương chính là lộ phí, là tiền để chi dụng. Đến thế giới Cực lạc giống như đi du lịch, đi du lịch bạn cần phải có tem phiếu, có tiền … Còn ba món tư lương “Tín, Nguyện, Hạnh” này chính là ngân phiếu mình đi du lịch.
Để lại một bình luận