Tâm từ và sự tử tế đúng nghĩa, liệu người sống với tâm từ có bị chà đạp và lợi dụng?
🙏Câu hỏi: Tôi rất thích những lời giảng của sư về Tâm từ, sự tử tế, không tham đắm, không dính mắc, lòng vị tha, và sự tĩnh lặng. Tuy nhiên, tôi vẫn thắc mắc về thái độ chỉ biết tử tế, khoanh tay ngồi nhìn và buông bỏ. Tôi lo ngại là người khác sẽ chà đạp lên tôi. Sư có cho đây là một điều nguy hiểm không, và nếu chúng ta chỉ biết tử tế, mọi người sẽ giẫm nát chúng ta không?
🍀Trả lời: Nếu bạn là một người ngu ngốc, dĩ nhiên mọi người sẽ đạp lên bạn mà đi. Nếu bạn cho tử tế là một thái độ lịch sự và tế nhị về tình cảm và áp dụng nó trong tất cả mọi hoàn cảnh thì chắc chắn bạn sẽ thất bại. Không ai làm được việc nầy cả. Càng ứng xử như thế, bạn sẽ càng ngu ngốc, và người đời càng không kính trọng bạn, vì những gì bạn làm là giả tạo và không chân thật. Nhưng Tâm từ chân thật có oai lực rất mạnh, và nó là cách ứng xử đúng đắn và thích hợp đối với cuộc đời. Đó không phải là thái độ lịch sự và tử tế để lấy lòng người khác, nhưng là sự tỉnh thức, sự tiếp thu những đau đớn cũng như những khoái lạc và những điều kiện khác mà chúng ta gặp trong cuộc đời.
Tính chất của Tâm từ là không phân biệt. Chính vì còn phân biệt và so sánh mà chúng ta chỉ quan tâm đến những sai trái của cuộc đời và làm trầm trọng hơn những thiệt thòi bất công mà chúng ta hoặc người khác gặp phải. Tâm từ không giả vờ cho là mọi việc đều tốt đẹp. Tâm từ là không gây thêm khó khăn, không trút đổ sự sân hận chống ghét xuất phát từ vô minh lên trên những khổ đau hay xấu xa sẵn có. Tâm từ là khả năng kiên nhẫn và chấp nhận những gì xảy ra trong cuộc đời. Có thái độ tiêu cực và sân hận với chính bạn là một cực đoan. Nhưng giả vờ tin là mọi việc lúc nào cũng tốt đẹp lại là một cực đoan khác. Sự giả vờ nầy chính là sự tự lừa dối.
Tâm từ chân thật và trí tuệ chân thật đi đôi với nhau. Dù không bị vô minh chi phối, những phản ứng của chúng ta với cuộc đời không nhất thiết lúc nào cũng vui vẻ và hạnh phúc. Có thể chúng ta sẽ rất đau đớn và thậm chí đầy phẫn nộ. Nhưng chúng ta vẫn có thể đầy từ tâm. Điều nầy có nghĩa là chúng ta có phản ứng đúng đắn – phản ứng không xuất phát từ tham ái hoặc sợ hãi. Tâm từ có thể là cái tát tay đau điếng hay là cái vỗ vai thân mật. Ở đây, vấn đề không phải ở cái tát tay hay sự vỗ về. Tâm từ chính là cái trí tuệ nằm phía sau hành động của chúng ta.
Thiền sư Ajahn Sumedho
Thuong Nguyen viết
Rất cám ơn Thiền sư Ajahn Sumedho đã có những lời dạy tất quý báu!