Nghiệp là gì và ai gánh nghiệp cho ai? có sự ghánh nghiệp có nhau hay không?
Nghiệp nói cho đủ là nghiệp quả báo ứng, tức đã gây nhân thì có kết quả tương xứng, và quả đến sớm hay muộn khi hội đủ nhân duyên, hội đủ điều kiện. Nghiệp là năng lực, là hành động từ những suy nghĩ rồi phát xuất ra lời nói có cố ý, cố tâm, được lặp đi lặp lại nhiều lần, lâu ngày trở thành thói quen. Chính thói quen đó có sức mạnh chi phối, cuốn hút chúng ta làm theo. Nói đến nghiệp là nói đến sự toàn quyền quyết định của chúng ta, không ai có thể ban phước giáng họa và định đoạt, sắp đặt, mà chính ta là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.
Nghiệp là những hành động có chủ ý, sẽ đưa đến những quả báo tương xứng trong hiện tại và mai sau. Nghiệp nói cho đủ gọi là nghiệp quả báo ứng được tạo ra từ thân, miệng, ý của chính mình. Bởi vì nghiệp nhân chúng ta đã gây thì nghiệp quả phải đến chỉ sớm hay muộn mà thôi. Là người Phật tử chân chính, chúng ta phải thận trọng trong từng ý nghĩ lời nói, cho đến hành động do mình tạo ra trong từng phút, từng giây… Ta phải thường xuyên xem xét, quán chiếu, soi sáng lại chính mình để không vấp phải lỗi lầm đáng tiếc.
Nghiệp là thói quen huân tập tạo thành sức mạnh chi phối tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống của con người, từ khi mở mắt chào đời, cho đến khi nhắm mắt và những đời sống kế tiếp. Nếu người Phật tử tu mà không hiểu rõ về nghiệp thì khó mà ứng dụng tu hành để đạt được tới chỗ an lạc, hạnh phúc trọn vẹn.
Chính chúng ta là chủ nhân tạo nghiệp, và cũng chính chúng ta là chủ nhân chịu thọ quả báo. Chúng ta thừa nhận nghiệp do mình tạo ra, được sinh ra từ nghiệp, và bị nghiệp trói buộc trở lại. Bởi nghiệp là hành động, là thói quen, nên chúng ta có thể thay đổi được, chỉ cần mọi người cố gắng, nỗ lực và kiên trì, bền chí.
Chữ nghiệp trong nhà Phật không có nghĩa một chiều, hễ nói nghiệp thì phải là điều xấu, điều ác. Kỳ thật, nghiệp cũng có xấu và cũng có tốt, nghiệp cũng có nghiệp thiện và nghiệp ác. Nghiệp tuy không có hình tướng cụ thể, nhưng nghiệp có khả năng chi phối sai sử làm cho con người khốn khổ và si dại vì nó.
Báo là đền trả một cách công bằng và xứng đáng, không thiên vị, không sai lệch, không tiêu mất. Ai có cố ý, cố tâm hành động hoặc tốt, hoặc xấu sẽ gặt quả một cách bình đẳng. Nghiệp đã gieo dù trăm kiếp, ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên quả báo hoàn tự hiện.
Mời quý Phật tử nghe pháp thoại Ai gánh nghiệp cho ai được sư cô Thích Nữ Hương Nhũ thuyết giảng tại chùa Thiên Quang để hiểu nghiệp là gì và có gánh nghiệp hay không?
Bùi Vũ Long viết
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRỤ TAM BẢO
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.