Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ A DỤC VƯƠNG trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ A DỤC VƯƠNG theo từ điển Phật học như sau:
A DỤC VƯƠNG
A DỤC VƯƠNG
阿育王
– S: Asoka
– P: Asoka
– Hâ: A-du-ca, A-du-già, A-nộ-già, A-thú-khả, A-thúc.
– Hd: Vô ưu Vương
– Cg: Thiên Ái Hỉ Kiến Vương (S: Devànampriya priyadrasi)
Vị vua thứ ba của vương triều Khổng Tước ở nước Ma-kiệt-đà thuộc Trung ấn Độ.
Ông ra đời vào khoảng thế kỷ thứ III tr. TL, là vị vua thống nhất Ấn Độ và là một nhân vật đóng góp công sức lớn nhất trong công việc hộ trì Phật giáo.
Ông nội của ông là Đại vương Candragupta (Chiên-đà-la-cấp-đa), Tổ khai sáng vương triều Khổng Tước; Cha ông là vua Bindusara (Tân-đầu-sa-la), mẹ ông là Asokàvadàna (A-dục-vi-đạt-na), con gái của một vị Bà-la-môn ở thành Thiệm-Ba.
Lúc nhỏ, nhà vua rất hung bạo, không được vua cha yêu mến. Khi nước Takasasila (Đức-xoa-thi-la) làm phản, phụ vương sai ông đi dẹp loạn, với ý muốn ông chết trong chiến trận. Nhưng A-dục lại bình định được quân phản loạn, quyền uy vang lừng. Sau khi phụ vương băng hà, ông giết chết anh em mình rồi lên ngôi.
Có thuyết cho rằng A-dục giết 99 người anh em, sau khi ông lên ngôi vẫn còn hung bạo, giết đại thần và phụ nữ, xây lao ngục, tàn hại nhân dân vô tội, do đó bị gọi là Chiên-đà A-dục Vương (S: Candàsoka). Trong ấn Độ Phật Giáo Sử của Đa-la-na-tha gọi ông là Kamasoka (Ái-dục A-dục). Nhưng chương 4,5 và 6 trong chỉ dụ khắc trên phiến đá lớn, chương 7 trong chỉ dụ khắc trên trụ đá và trong chỉ dụ của hoàng hậu đều chép rằng: Thời gian vua A-dục trị vì, còn có anh em, chị em. Thế nên truyền thuyết rằng vua A-dục giết hết anh em có thể là do đời sau thêm vào.
Vua lấy thành Hoa Thị làm thủ đô, phạm vi thống trị ba gồm cả toàn bộ Bắc ấn Độ và một nửa Đại Hạ, phía Nam đến Án-đạt-la, phía Đông đến bờ biển, dọc ngang mỗi chiều vài nghìn dặm. Nhà vua còn thi hành chính sách thích hợp với quần chúng, ưa chuộng chân lý, giàu tinh thần bác ái, quả là từ khi Ấn Độ có lịch sử đến nay, ông là nhà vua thống trị có thành tích to lớn từ trước chưa từng có.
Năm tháng và nhân duyên vua quy y Phật, các kinh, luật đều ghi chép khác nhau:
Theo truyện A-dục Vương 1, do thấy kỳ tích của Hải Tỳ kheo (S: Samudra) nên nhà vua quy y Phật.
Theo chương 6 trong Đảo Sử và Thiện Kiến Luật Tì-bà-sa 1, vua quy y Phật nhờ sự cảm hóa của ngài Nigrodha.
Theo chương 6 trong Ấn Độ Phật Giáo Sử của ngài Đa-la-na-tha, do sự tích lạ của đệ tử ngài A-la-hán Da-xá (S: Yasa) mà vua quy y Phật.
Theo lời văn trong chỉ dụ khắc trên vách đá nhỏ thì sau khi quy y Phật, trong hơn hai năm rưỡi, tuy là ưu-bà-tắc mà vua không dốc lòng tin Phật; Hơn một năm sau đó, vua mới thân cận chư tăng và nhiệt tâm tu hành.
Tổng hợp và khảo sát đoạn văn trên với câu: “Quán đảnh lên ngôi hơn 10 năm thì đến với tam-bồ-đề”, trong chương 8 của chỉ dụ khắc trên phiến đá lớn, ta thấy vua trở thành Ưu-bà-tắc vào khoảng năm thứ 7 sau khi lên ngôi. Nhưng chương 6 trong Đảo Sử ghi: “Sau khi vua lên ngôi ba năm, vua qui y Phật”.
Theo chương 13 của chỉ dụ khắc trên vách đá lớn, sau khi lên ngôi 8 năm, vua chinh phục Kalinga; Thấy cảnh giết chóc, tâm vua bị kích động mạnh, nhờ đó tín tâm đối với Phật giáo càng thêm kiên cố. Vì thế, vua bãi bỏ việc dùng binh lực để mưu cầu thống nhất và với niềm tin vững chắc rằng: “Thắng lợi bằng chính pháp là sự thắng lợi cao hơn hết” (chương 13, trong chỉ dụ khắc trên vách đá lớn), vua hết lòng khen ngợi sự truyền bá Phật giáo. Do đó, nửa đời còn lại của vua được gọi là Đạt-ma A-dục Vương (vua A-dục Chính pháp).
Theo truyền thuyết, vua cho xây 84.000 ngôi chùa và 84.000 tháp Phật khắp trong nước. Các việc này đều có ghi trong chương 6 của Đảo Sử, Thiện Kiến Luật Tì-bà-sa 1, kinh Tạp A-hàm 23, Truyện A-dục Vương 1, nhưng trong chỉ dụ của vua thì không thấy có ghi.
Theo Thiện Kiến Luật Tì-bà-sa 2 vua lên ngôi 17 năm thì tổ chức kết tập kinh điển lần thứ 3 tại thành Hoa Thị, tôn ngài Mục-kiền-liên-tử Đế-tu (P: Moggaliputta-tissa) làm Thượng tọa, có 1.000 vị trưởng lão tham dự, suốt thời gian 9 tháng mới hoàn tất.
Kế tiếp, nhà vua phái các vị sau đây đến các nước để truyền đạo:
– Majjhantika đến nước Kasmira (Kế Tân) và nước Gandhàra (Kiện-đà-la).
– Mahadeva đến nước Mahisakamandala (Ma-hê-sa-mạn-đà-la).
– Rakkhita đến nước Vanavàsi (Bà-na-bà-tư).
– Yonaka-dhammarakkhita (Đàm vô đức) đến nước Mahà-rattha (Ma-ha-lặc-tha).
– Mahàrakkhita đến nước Yonaka-loka (Du-na-thế-giới).
– Majjhima đến nước Himavantapadesa (Tuyết Sơn Biên).
– Sonaka và Uttara đến nước Suvannabhùmi (Kim Địa).
– Mahinda, Sambala và Baddasàla đến nước Tambapannidipa (Sư tử).
Vùng truyền bá chánh pháp xa đến Syrie, Ai cập, Macedone, Cyrene.
Truyền thuyết lần kết tập thứ ba, truyện A-dục Vương do phương Bắc truyền hoàn toàn không có ghi điều này. Luận Đại Trí Độ 2 (Đại, 25, 70 thượng) tuy có ghi: “Vua A-du-ca mở đại hội Ban-xà-vu-sắt, trong đó các vị Đại luận sư bàn luận khác nhau nên có tên là Biệt bộ”. Nhưng việc này cũng không thể gán cho ý nghĩa kiết tập. Cho nên, truyền thuyết về kỳ kết tập kinh điển lần thứ 3, có thể nói là chưa rõ sự thật.
Niên đại vua ra đời, từ trước nay có nhiều thuyết khác nhau: Chương 13 trong chỉ dụ khắc trên vách đá lớn có câu: “Các vua của 5 vương quốc ở Hy Lạp tại vị cùng niên đại với vua vào năm 261 tr. TL hoặc từ năm 272 đến năm 258 tr. TL”. Do đó, Quán Đảnh lên ngôi được đoán là khoảng năm 270 tr. TL.
Từ khi Phật nhập diệt đến lúc vua A-dục ra đời, kinh Tạp A-hàm 23 (Bắc truyền), phẩm A-du-ca Thí Thổ trong kinh Hiền Ngu 3, Tăng-già-la-sát Sở Tập Kinh, hạ; kinh Tạp Thí Dụ, thượng; Đại Trang Nghiêm Luận Kinh 10, luận Đại Trí Độ 2 ghi: “Vua A-dục ra đời sau đức Phật nhập diệt 1.000 năm”. Luận Dị Bộ Tông Luân ghi: “Vua A-dục ra đời sau đức Phật nhập diệt hơn 1.000 năm”. Thập Bát Bộ Luận và Bộ Chấp Dị Luận ghi: “Vua A-dục ra đời sau đức Phật nhập diệt 116 năm”.
Chương 6 trong Đảo Sử và Thiện Kiến Luật Tì-bà-sa 2 ghi: “Vua lên ngôi sau khi Phật nhập diệt 218 năm, còn Phật nhập diệt khoảng 100 năm, có Ca-la A-dục Vương (Kàlàsoka) tại vị”. Tây Tạng Văn Vu Điền Huyền Ký (Lihi-yullun-bstan-pa) ghi: “Sau Phật nhập diệt 234 năm, có Đạt-ma A-dục Vương”. Chương 5 trong đảo sử ghi: “Vua A-dục trị vì 37 năm”.
Theo: Đại Trang Nghiêm Kinh Luận 3, 4, 10; Truyện A-Dục Vương, Soạn Tập Bách Duyên Kinh 10; kinh A-dục Vương Tức Hoại Mục Nhân Duyên; Truyện Phó Pháp Tạng Nhân Duyên 3; A- Dục Vương Sự Tích Đại Đường Tây Vực Ký 8; Ấn Độ Tôn Giáo Sử Khảo; Ấn Độ Triết Triết Học Nghiên Cứu 2, 4.
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với A DỤC VƯƠNG tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận