Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ NAM TÔNG trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ NAM TÔNG theo từ điển Phật học như sau:
NAM TÔNG
NAM TÔNG
Tông phái Phật giáo hiện nay được thịnh hành ở Sri Lanka, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia. Để phân biệt với Phật giáo Bắc tông, thịnh hành [tr.437] ở các xứ phương Bắc như Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật v.v…
Những đặc trưng của Phật giáo Nam tông:
1. Chỉ thừa nhận kinh điển tiếng Pali, gần gũi nhất với lời dạy ban sơ (nguyên thủy) của Phật Thích Ca. Vì vậy gọi là Phật giáo Nguyên thủy.
2. Mục đích cuối cùng của người tu theo Phật giáo Nam tông là sớm cầu giải thoát khỏi vòng sinh tử và chứng quả A La Hán (Arhat), trong khi mục đích cứu cánh của người tu theo Bắc tông là thành Phật. Phật tử thuộc Nam tông cầu giác ngộ và giải thoát cho bản thân mình là chính, còn người tu theo Bắc tông thì phát nguyện đồng thời giác ngộ và giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh. Vì vậy mà Phật giáo Bắc tông thường mệnh danh là Phật giáo Đại thừa, và họ gọi Phật giáo Namtông là Phật giáo Tiểu thừa. Đại thừa là cổ xe lớn, Tiểu thừa là cổ xe nhỏ. Cổ xe lớn có thể chở tất cả chúng sinh cùng tới bờ giác ngộ và giải thoát, còn cỗ xe nhỏ chỉ chở được bản thân người tu hành và một số ít người khác thôi.
Tất nhiên, những danh từ Đại thừa và Tiểu thừa chỉ được người người tu theo Đại thừa dùng mà thôi. Còn những người bị gọi là Tiểu thừa, thì họ tự gọi là theo Phật giáo Nguyên thủy hay là Phật giáo Theravada (tức là Phật giáo của các bậc Trưởng lão).
3. Một đặc điểm nữa của Phật giáo Nam tông là các sư theo chế độ khất thực, hằng ngày đi xin ăn vào cuối buổi sáng, và mỗi ngày chỉ ăn một bữa vào buổi trưa, không quá ngọ. Hơn nữa, họ không phân biệt ăn chay hay ăn mặn. Tùy theo thí chủ cúng thức ăn gì, họ ăn nấy, như vậy họ có thể ăn thịt cá. Trái lại, các sư thuộc Phật giáo Bắc tông thì ăn chay trường (trường trai), và có thể ăn hai hay ba bữa một ngày.
Thiền tông Trung Quốc cũng có Bắc tông, Nam tông. Bắc tông chỉ phái thiền thịnh hành ở phía Bắc Trung Hoa và do Thiền sư Thần Tú lãnh đạo. Phái này chủ trương giác ngộ dần dần (tiệm ngộ). Nam tông chỉ phái thiền thịnh hành ở Nam Trung Hoa, nó chủ trương giác ngộ trong khoảnh khắc, nhanh chóng, đột ngột (đốn ngộ), và do Thiền sư Huệ Năng lãnh đạo. Các phái thiền ở Việt Nam đều là chi nhánh của Thiền Nam Tông Trung Hoa.
Trong cuốn “Quy nguyên trực chỉ” có bài vịnh của Sơn Cư Bá:
“Sơn cư ngộ đắc nhất chơn không,
Ná vấn Nam tông dự Bắc tông,
Như ý bảo châu trì tại thủ,
Quang minh hà xứ bất viên thông.”
Dịch:
Ở núi, ngộ rồi lẽ thật không,
Cần gì hỏi gạn Bắc, Nam tông,
Bảo châu như Ý tay cầm sẵn,
Ánh sáng viên thông chiếu các vùng.
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với NAM TÔNG tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận