Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ KIẾP trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ KIẾP theo từ điển Phật học như sau:
KIẾP
KIẾP; S. Kalpa
Một thời gian dài, thông thường lấy một đời sống làm đơn vị. Một kiếp sống (một đời sống).
Kiếp cũng là một đơn vị thời gian vũ trụ (Ph. Période cosmique), tức là thời gian một thế giới thành lập, định hình, hủy hoại và tan biến (thành, trụ, hoại, không).
KIẾP NHỎ (Tiểu kiếp)
Theo sách Phật thì đời sống của người hiện nay tuổi thọ trung bình vào khoảng dưới 100 tuổi, nhưng tuổi thọ trung đó không phải cố định mãi mãi như vậy mà có thời giảm dần và có thời tăng dần. Có thời kì tuổi thọ trung bình của người thấp nhất, 10 tuổi, sau đó tăng dần. Cứ qua 100 năm thì tăng thêm một tuổi, và cứ như vậy cho đến khi tuổi thọ đạt 84.000 năm. Đó là thời kỳ tuổi thọ tăng dần, cũng gọi là thời kì Tăng kiếp. Nhưng đến 84.000 năm là điểm tăng cao nhất, sau đó lại bắt đầu thời kì Giảm kiếp, cứ qua khoảng 100 năm, tuổi thọ trung bình giảm bớt một tuổi, cứ như vậy cho đến lúc tuổi thọ trung bình chỉ còn lại 10 tuổi. Đó là điểm giảm thấp nhất của tuổi thọ trung bình của con người. Và một chu kì khác lại bắt đầu, một kì tăng kiếp và một kì giảm kiếp như vậy cộng lại thành 16.800.000 năm, gọi chung là một kiếp nhỏ (tiểu kiếp).
KIẾP TRUNG BÌNH (trung kiếp)
Hai mươi kiếp nhỏ cộng thành một kiếp trung bình tức (16.800.000 x 20 = 336.000.000 năm).
KIẾP LỚN
Trải qua một kiếp trung bình thứ nhất gọi là Kiếp hình thành (thành kiếp), rồi một kiếp trung bình thứ hai gọi là Kiếp định hình (trụ kiếp), rồi một kiếp trung bình thứ ba gọi là Kiếp hủy hoại (hoại kiếp), và trải qua một kiếp trung bình thứ tư gọi là Kiếp tan biến (Không kiếp). Hợp 4 trung kiếp lại là (336.000.000 x 4 = 1.334.000.000 năm) một kiếp lớn.
Theo đạo Phật, cõi thế giới này trong vũ trụ bao la vô tận cũng trải qua bốn thời kỳ: thành, trụ, hoại, không, như vậy, là một kiếp lớn (đời sống của một cõi thế giới).
Trong văn học, từ kiếp được dùng rất nhiều, nhưng không phải với nghĩa đơn vị thời gian vũ trụ, mà với nghĩa một đời người:
“Kiếp tu xưa ví chẳng dày,
Này thôi hết kiếp đoạn trường từ đây.”
(Kiếp đoạn trường là kiếp sống khổ sở đọa đày).
“Hãy xin hết kiếp liễu bồ.”
(Liễu bồ là cây liễu, cây bồ yếu đuối, ví như đàn bà. Kiếp liễu bồ là đời sống của phụ nữ).
“Tẻ vui cũng một kiếp người.”
“Người này nặng kiếp oan gia”.
(Đời sống cực khổ để trả nợ về những tội ác mình đã làm trong quá khứ.”
“Kiếp phong trần biết bao giờ là thôi.”
(Phong trần là gió bụi. Cuộc đời gió bụi là cuộc đời long đong vất vả).
“Kiếp xưa đã vụng đường tu”.
(Kiếp xưa là kiếp sống trước).
(Truyện Kiều)
KIẾP BA THỤ
Trên cõi Trời của vua Đế Thích, có loại cây Kiếp ba mọc trong vườn “Hỷ lâm viên” của vua, có khả năng tùy thời sinh ra mọi của cải cần thiết cho chúng sinh ở cõi Trời đó.
KIẾP HẢI
Biển kiếp. Thời gian một đại kiếp dài không thể tưởng tượng, đối với trí óc bình thường của con người.
KIẾP HỎA
Hỏa tai lớn thiêu cháy thế giới, trong thời kỳ hoại diệt của một thế giới. Những thiên tai lớn xảy ra trong thời kỳ này gọi là Kiếp tai. Ngoài hỏa tai, còn có Thủy tai, phong tai.
KIẾP KHÔI
Ngày tận thế, khi thế giới vạn vật cháy thành tro bụi.
“Kiếp khôi âu cũng số trời,
Làm lành lánh dữ, khuyên người thiện tâm”.
(Vô danh)
KIẾP SỐ NAN ĐÀO
Nan đào là khó tránh.
“Kiếp số nan đào tránh sao cho khỏi”.
(Khuyết danh).
KIẾP KIẾP
Đời đời, mãi mãi. Vd:
“Trăm năm kết chặt giải đồng tâm,
Kiếp kiếp giữ bền duyên cầm sắc”.
(Vô danh)
KIẾP NẠN
Vào giai đoạn hoại của chu kỳ một thế giới, thường xảy ra ba loại thiên tai lớn và phong tai lớn (bão tố). Những chúng sinh sống ở thế giới đó, nếu hết nghiệp thì sẽ được tái sinh vào các thế giới khác, nhưng nếu chưa hết nghiệp báo thì sẽ phải chịu đựng những thiên tai lớn nói trên, chịu đựng những cái mà sách Phật gọi là kiếp nạn.
KIẾP SỐ
Kiếp số không phải là một từ ngữ Phật giáo, bởi lẽ Phật giáo không chấp nhận thuyết định mệnh. Con người, nếu biết nỗ lực đúng hướng, có khả năng thay đổi mọi số mệnh và định mệnh. Cái ảnh hưởng quyết định đến tương lai của con người là hiện tại, chứ không phải là quá khứ.
KIẾP SƠ
Khi một thế giới bắt đầu hình thành (thời kỳ bắt đầu một kiếp).
KIẾP TAI
Đồng nghĩa với kiếp nạn (x. Kiếp nạn).
KIẾP TÂN NA; S. Kapphina
Tên người đệ tử Phật, người xứ Kosala (Kiều Thất La), rất giỏi về môn thiên văn học, lúc bấy giờ gọi là tinh tú học hay chiêm tinh học.
Ông nguyên là vua miền nam xứ Kosala.
KIẾP THIÊU
Đồng nghĩa với kiếp hỏa (x. Kiếp hỏa).
KIẾP THỦY
Thủy tai lớn, xảy ra trong thời kỳ hoại kiếp của một chu kỳ thế giới. Không phải là nạn lụt bình thường mà nạn lụt lớn cỡ hồng thủy, như trong sách Thánh Gia Tô chép.
KIẾP TRỌC
Trọc là nhơ bẩn. Sự nhơ bẩn của kiếp thấy rõ trong thời kỳ giảm kiếp (x. Giảm kiếp, hay kiếp giảm). Tức là thời kỳ cứ qua 100 năm, tuổi thọ trung bình của loài người giảm đi một tuổi. Khi tuổi thọ trung bình còn 20 thì nạn dịch bệnh phổ biến khắp nơi, và khi tuổi thọ trung bình chỉ còn 10 tuổi, thì nạn đao binh giặc giả nổi lên tứ tung.
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với KIẾP tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận