Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ KIẾT TẬP trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ KIẾT TẬP theo từ điển Phật học như sau:
KIẾT TẬP
KIẾT TẬP
Cg = Kết tập.
Tập hợp những vị tài giỏi trong tăng chúng lại, đọc tụng những lời Phật đã dạy trong ba tạng Kinh, Luật, Luận, tập thể nhận định là đúng với tinh thần và lời văn của Phật, gọi là kết tập kinh điển. Trong lịch sử Phật giáo, đã từng có bốn đại hội kết tập kinh điển: Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất, họp khoảng tám tháng sau khi Phật diệt độ, tại thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, do ông Ca Diếp chủ tọa. Đại hội kết tập lần thứ hai họp khoảng hơn 100 năm sau khi Phật diệt độ, tại thành Tì Xá Li (S. Vaisali), do ông Gia Xá chủ tọa, Đại hội lần thứ hai này có đặc điểm khác với đại hội lần thứ nhất, cũng như hai đại hội kết tập về sau, nó chỉ nhằm giải quyết một vụ tranh chấp trong tăng chúng về giới luật. Chính bắt đầu từ Đại hội này mà trong phong trào Phật giáo, có sự chia rẽ thành hai bộ phái lớn: Thượng Tọa bộ và Đại chúng bộ. Đại hội kết tập lần thứ ba họp vào khoảng 300 năm sau khi Phật diệt độ, dưới triều vua Asoka và do Đại đức Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (S. Moggaliputta Tissa) chủ trì. Đại hội kết tập lần thứ tư họp vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, tại xứ kashmir, dưới triều vua Kaniska, và do Ngài Thế Hữu (S. Vaisumitra) chủ tọa. Đại hội lần này chú trọng giải thích ba Tạng, gồm có Luận Nghị (S. Upadesa) giải thích Kinh Tạng, bộ Tỳ Nại Gia (S. Vinaya) giải thích Luật Tạng và bộ A Tỳ Đạt Ma Tỳ Bà Sa (S. Abhidharma Vibhasa) giải thích Luận Tạng. Cả ba bộ giải thích này có đến ba chục vạn bài tụng, thành một công trình trước tác đồ sộ.
Phật giáo Theravada cho rằng Đại hội kết tập kinh điển lần thứ tư họp ở Xây Lan (hiện nay là Sri-Lanka), khoảng 600 năm sau khi Phật nhập diệt, và lần đầu tiên ghi lại ba Tạng thành chữ viết Pàli. Như vậy là về đại hội kết tập lần thứ tư, có hai thuyết khác nhau, một thuyết của Phật giáo Bắc tông và một thuyết của Phật giáo Nam tông.
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với KIẾT TẬP tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận