Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ BÁT ÂM trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ BÁT ÂM theo từ điển Phật học như sau:
BÁT ÂM
Tám tiếng âm nhạc. Lễ nhạc Phật giáo cũng dùng tám tiếng này:
1. Tiếng sênh (bào); 2. Tiếng trống đất (thổ); 3. Tiếng trống da (cách); 4. Tiếng mõ (mộc); 5. Tiếng đá (thạch); 6. Tiếng chuông (kim); 7. Tiếng dây đàn (ty); 8. Tiếng ống sáo tre (tre).
“Hòa cùng nhạc điệu bát âm,
Khi khoan khi nhặt, bổng trầm chơi hay.”
(Vô danh)
“Trống tam nghiêm, nhạc bát âm”
(Nhị Độ Mai)
Bát âm còn chỉ tám đặc sắc của tiếng nói của Phật bà:
1. Cực bảo âm: âm thanh cực tốt
2. Nhu nhuyễn âm: âm thanh êm dịu
3. Hòa thích âm: âm thanh vừa phải, đúng tầm, không to quá hay nhỏ quá
4. Tồn tuệ âm: âm thanh Phật đầy trí tuệ, khiến người nghe quý trọng.
5. Bất nữ âm: giọng nói Phật khác với giọng phụ nữ.
6. Bất ngộ âm: âm thanh Phật không thể nghe nhầm, nghe sai được.
7. Thâm viễn âm: giọng nói Phật nghe xa, sâu sắc.
8. Bất kiệt âm: giọng nói có sức, dẻo dai.
BÁT ÂM
Cg: Bát chủng thanh tịn âm, Bát chủng phạm âm thanh , Bát phạm.
1. Tám loại âm thanh. Tiếng nói của Như Lai là lời nói thanh tịnh hoà nhã, có 8 thứ công đức thù thắng, khiến các chúng sinh nghe rồi liền giải ngộ:
2. Cực hảo âm: (cg: Tối hảo thanh, Duyệt nhĩ thanh). Tất cả chư Thiên, Nhị thừa, Bồ- tát, tuy vị nào cũng có âm thanh rất hay, nhưng chưa đến chỗ tột cùng; chỉ có tiếng nói của Phật khiến cho người nghe không chán mà được vào diệu đạo. Đó là tiếng hay nhất trong tất cả tiếng.
3. Nhu nhuyến âm: (cg: Nhu nhuyến âm, Phát hỉ thanh). Do tâm tốt lành, Phật nói ra lời dịu dàng làm cho người nghe vui ưa thích, bỏ tâm cố chấp cang cường.
4. Hoà thích âm (cg: Hòa điệu thanh, Hòa nhã thanh). Phật thường trụ trung đạo, khéo giải thích một cách thong dong, phát ra tiếng hòa nhã, đứng đắn, khiến người nghe sinh tâm ưa thích, thể hội được lí.
5. Tôn huệ âm (cg: Nhập tâm thanh). Địa vị oai đức của Phật tôn quí, trí huệ thông suốt, tiếng Phật nói ra khiến người nghe tôn trọng và trí huệ được khai mở sáng suốt.
6. Bất nữ âm (cg: Vô yểm thanh). Phật ở trong định Thủ- lăng- nghiêm có uy đức đại hùng, tiếng Ngài nói ra khiến tất cả người nghe kính sợ, thiên ma ngoại đạo đều qui phục.
7. Bất ngộ âm: )cg: Phân minh âm). Trí huệ của Phật tròn sáng chiếu soi không ngăn ngại, tiếng nói ra chính chắn, chân thật, không sai lầm, khiến người nghe đều được chính kiến.
8. Thâm viễn âm 9cg: Thâm diệu âm). Trí của Phật thâm sâu, địa vị hạnh nguyện cao tột, tiếng Ngài nói ra từ gần đến xa, khắp đến 10 phương, gần nghe không lớn, xa nghe không nhỏ khiến đều ngộ được lí cực sâu xa.
9. Bất kiệt âm (cg: Dị liễu thanh). Hạnh nguyện của Như Lai không cùng tận, ngoài ra trụ pháp tạng vô tận, nên tiếng Ngài nói ra khiến người nghe tìm được ý nghĩa. Tám điều trên là nói về đức âm thanh của Phật.
Kinh Tối Thắng Vấn Bồ- tát Thập Trụ Trừ Cấu Đoạn Kết 8 nêu lên 8 thứ tiếng, không nam, không nữ, không mạnh, không nhẹ, không đục, không trong, không hùng, không yếu. Tám âm này là nói về thể âm thanh của Phật. Cũng kinh này quyển 7 đã liệt kê 8 âm thanh: Kiến khổ, hướng khổ, kiến tập, hướng tập, kiến tận, hướng tận, kiến đạo, hướng đạo. Tám âm này là nói về dụng âm thanh của Phật.
Theo: Kinh Phạm- ma trong Trung A- hàm 41; Kinh Phạm- ma Du, Luận Đại Tì- bà- sa 177; Pháp Giới Thứ Đẹ Sơ Môn hạ, phần cuối.
Từ điển Phật học Huệ Quang
BÁT ÂM
Bát âm còn gọi là bát chủng thanh tịnh âm, Bát chủng phạm âm thanh, Bát phạm âm, tức tám loại âm thanh, những tiếng Như Lai nói ra, lời nói thanh tịnh hòa nhã, có tám công đức thù thắng khiến chúng sanh nghe rồi liền giải ngộ, tám loại âm thanh ấy là:
Cực hảo âm: Còn gọi là tối hảo âm thanh, duyệt nhĩ thanh, tất cả chư Thiên, Nhị thừa, Bồ Tát tuy mỗi vị đều có âm thanh rất hay, nhưng chưa đến chỗ tột cùng, chỉ có tiếng của Phật khiến người nghe không chán, được vào điệu đạo, là tiếng hay nhất trong tất cả các tiếng.
Nhu nhuyến âm: Gọi là nhu nhuyến thanh, phát hỷ thanh, Phật nói ra lời dịu dàng khiến người nghe vui vẻ ưa thích, bỏ tâm cố chấp cang cường.
Hòa thích âm: Gọi là hòa điệu thanh, hòa nhã thanh, Phật thường trụ Trung đạo, khóe giai thích một cách thông thả, phát ra tiếng hòa nhã đứng đắn, khiến người nghe sanh tâm ưa thích, do tiếng mà hội ngộ được lý.
Tôn huệ âm: Còn gọi là nhập tâm thanh. Địa vị oai đức của Phật tôn quí, trí huệ thông suốt, tiếng nói ra khiến người tôn trọng và trí huệ của họ được tôn trộng sáng suốt khai mở.
Bát ngữ âm: Còn gọi là Vô yểm thanh. Phật ở trong định Thủ Lăng Nghiêm, có uy đức đại hùng, tiếng nói ra khiến tất cả người nghe kinh sợ. Thiên ma ngoại đạo đều kính phục.
Bát ngộ âm: Còn gọi là phân minh âm, trí huệ của Phật tròn sáng chiêu soi không ngăn ngại, tiếng nói ra chính chắn chân thật, không sai lầm khiến người nghe đều được chánh kiến.
Thâm viễn âm: Còn gọi là thâm diệu âm, trí huệ của Phật thâm sâu, địa vị hạnh nguyện cao tột, tiếng nói ra từ gần đến xa, khắp đến mười phương khiến cho người ở gần nghe không lớn, người ở xa nghe không nhỏ, đều ngộ được lý cực kỳ sâu xa.
Bất diệu âm: Còn gọi là dị liễu thanh. Hạnh nguyện của Như Lai không cùng tận trụ ở pháp tạng vô tận, tiếng nói ra khiến người nghe tìm được lý nghĩa của lời nói vô cùng tận.
Tám điều trên đây nói về đức âm thanh của Phật
(Theo PHDS của Như Thọ – Nguyên Liên)
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với BÁT ÂM tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận