Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ THIỆN TRI THỨC trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ THIỆN TRI THỨC theo từ điển Phật học như sau:
THIỆN TRI THỨC
善知識; C: shàn zhīshì; J: zenchishiki; S: kalyāṇamitra; P: kalyānamitta; hoặc Thiện hữu (善友), Ðạo hữu (道友);
Danh từ chỉ một người bạn đạo. Trong thời Phật giáo nguyên thuỷ, danh từ này được dùng để chỉ một vị tăng đầy đủ những đạo hạnh như nắm vững lí thuyết Phật pháp và tinh thông thiền định, có thể giúp đỡ những vị khác trên con đường tu học.
Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni rất quý trọng tình bạn trên con đường giải thoát. Ngài dạy như sau: »Cả một cuộc đời tầm đạo đều lấy tình bạn làm căn bản… Một Tỉ-khâu , một Thiện tri thức, một người bạn đồng hành – từ một vị này người ta có thể mong đợi rằng, ông ta sẽ tinh cần tu học Bát chính đạo để đạt giải thoát cho chính mình và những người bạn đồng hành.«
Dần dần, danh từ này cũng thường được sử dụng để chỉ những người tìm đạo, trong giới Cư sĩ và cả trong Tăng già. Trong những bài thuyết pháp, các vị Thiền sư thường dùng các biểu thị Thiện tri thức, Ðạo lưu… để chỉ những người hâm mộ Phật pháp đang chú tâm lắng nghe.
Người ta thường phân Thiện tri thức thành ba hạng: 1. Giáo thụ thiện tri thức (教授善知識), là những người có khả năng hướng dẫn, dạy dỗ trên con đường tu hành, là bậc thầy; 2. Ðồng hạnh thiện tri thức (同行善知識), là những người đồng chí, đồng hạnh, tức là người bạn tốt, trung thành; 3. Ngoại hộ thiện tri thức (外護善知識), là những người giúp cho những tiện nghi, tạo điều kiện tốt cho người tu hành.
Theo từ điển Phật học Đạo Uyển
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với THIỆN TRI THỨC tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận