Quý vị đang tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ LONG THỌ trong đạo Phật có nghĩa là gì. Ý nghĩa của từ LONG THỌ theo từ điển Phật học như sau:
LONG THỌ
LONG THỌ; S. Nagarjuna
Tên Luận sư Ấn Độ, sống vào khoảng năm 150 TL, đã lập ra học phái Đại Thừa nổi danh gọi là Trung Luận tông (S. Madhyamaka) hay là Không Tông (S. Sunyavada). Nagarjuna dịch nghĩa dịch nghĩa sang chữ Hán là Long Thọ. Thọ là cây, chỉ cây arjuna, nơi sinh ra Luận sư. Mẹ Luận sư hạ sinh ra ông dưới gốc cây arjuna nên lấy tên cây đặt tên cho con. Theo một truyền thuyết khác, khi lớn lên, Luận sư được Long Vương (vua loài rồng) đưa xuống long cung dưới biển, truyền cho phép tu Mật giáo. Long Thọ sinh ra và lớn lên trong một gia đình Bà-la-môn ở miền Nam Ấn Độ. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người học giỏi, thông thạo toàn bộ kinh điển Bà-la-môn giáo. Sau khi được giác ngộ theo đạo Phật, ông cùng với học trò là Aryadeva (Thanh Thiên) lập ra trường phái Trung Luận (S. Madhyamaka), cũng gọi là trường phái Không Luận (S. Sunyavada). Trường phái này tồn tại ở Ấn Độ suốt 800 năm và cùng với đạo Phật bị tiêu diệt ở Ấn Độ vào khoảng năm 1.000 TL. Các bộ kinh Đại Thừa làm chỗ dựa cho Long Thọ lập ra thuyết Trung Luận là các bộ Kinh Bát Nhã (S. Prajna) được phát hiện vào khoảng thế kỷ II trước công nguyên). Bát Nhã là trí tuệ siêu việt. Các bộ kinh Bát Nhã giảng về trí tuệ siêu việt vốn có sẵn trong tất cả chúng sinh, và là cái mầm giác ngộ có sẵn, dựa vào nó chúng sinh tu hành để tương lai thành Phật. Một chủ đề khác của các bộ Kinh Bát Nhã là lý Không (Sunyata). Theo Long Thọ, sunyata, lý không có hai nghĩa: Bản thể luận và giải thoát luận. Về Bản thể luận, tất cả mọi sự vật và hiện tượng đều do nhân duyên (điều kiện) hòa hợp mà thành, vốn không có thực thể (vô ngã) tức là không. Không ở đây là không có thực thể, chứ không phải là không có gì hết. Về Giải thoát luận, vì tất cả mọi sự vật và hiện tượng đều không có thực thể cho nên biến thiên, thay đổi vô thường, không xứng đáng cho con người đeo đuổi, tham đắm. Nhờ không đeo đuổi tham đắm cho nên con người được giải thoát.
Long Thọ là tác giả nhiều bộ Luận Đại Thừa quan trọng, trong đó có hai bộ Trung Quán Luận và Thập Nhị Môn Luận nổi tiếng nhất ở Trung Hoa. Chính hai bộ luận này cùng với bộ “Bách Luận” của Aryadeva, học trò của Long Thọ, là chỗ dựa của học phái Phật giáo “Tam Luận Tông” của Trung Quốc.
Cảm ơn quý vị đã tra cứu Từ điển Phật học online trên trang nhà niemphat.vn.
Quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa, thuật ngữ Phật học khác có liên quan với LONG THỌ tương ứng trong từ điển Phật học online:
Để lại một bình luận