Có một thiếu niên đang ở độ tuổi mới lớn, vì thế luôn có rất nhiều thắc mắc và phiền não trong cuộc sống mà anh ta không thể tự mình lý giải được, thế nên đã đến chùa tìm một vị sư để học đạo.
Anh ta hỏi vị sư rằng: “Kính thưa thầy, làm thế nào mới có thể trở thành một người vừa có thể vừa tự mình an lạc lại vừa mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác ạ?”
Vị sư nhìn khuôn mặt vẫn còn rất ngây thơ của anh ta, ông nghĩ thầm: “Cậu bé này có thể dạy được, nhân cách không tồi.” Rồi ông nghiêm túc trả lời: “Ở tuổi của con mà lại có suy nghĩ như thế này là rất hiếm có. Có rất nhiều người trưởng thành lớn tuổi hơn con, nhưng lại không được như con, thậm chí có giải thích thế nào cho họ cũng không giúp họ hiểu được đạo lý quan trọng thật sự.”
Chàng trai chân thành lắng nghe và không hề có vẻ gì là đắc ý cả. Vị sư lại thầm khen ngợi, ông nói: “Nếu con muốn làm được những điều mà con hằng mong muốn, chỉ cần ghi nhớ bốn câu nói này là được. Câu thứ nhất, xem mình là người khác. Con có thể nói thử xem con hiểu thế nào về câu nói này không?”
Chàng trai trả lời: “Câu này có phải nghĩa là khi con buồn khổ, nếu xem mình là người khác, như vậy thì nỗi khổ của con sẽ giảm đi. Khi con quá vui vẻ, xem mình là người khác thì sự kích thích đó sẽ được trung hòa lại.”
Vị sư nhẹ nhàng gật đầu và nói: “Câu thứ hai, xem người khác là mình.” Nói xong, ông yên lặng chờ đợi chàng trai tự mình giải thích.
Chàng trai trầm ngâm một lúc rồi nói: “Có phải là xem người khác là mình thì có thể cảm nhận được niềm vui hoặc nỗi buồn của người khác, hiểu được họ cần gì và giúp đỡ khi họ cần.”
Vị sư âm thầm khen ngợi, chỉ là ông không hề thể hiện ra mà lại nói tiếp: “Câu thứ ba, xem người khác là người khác.”
Chàng trai nói: “Có phải câu này có nghĩa là chúng ta phải tôn trọng sự độc lập của mỗi cá nhân, trong bất kì tình huống nào cũng không được can dự vào không gian riêng của người khác.”
Vị sư nghe xong, ông lần tràng hạt: “A Di Đà Phật. Con thật sự rất có duyên với cửa Phật. Ta sẽ nói cho con biết câu cuối cùng: Tự xem mình là mình.”
Chàng trai vừa nghe xong thì lập tức trả lời: “Câu nói này có nghĩa là phải tôn trọng nội tâm của chính mình, không được để bị tác động bởi môi trường bên ngoài hoặc thành kiến của người khác, không bị làm phiền thì mới có thể sống là chính mình, có được sự tự do tự tại.”
Vị sư cười lớn: “Quả nhiên là một chàng trai thông minh, chỉ vài lời mà con đã giải được những câu nói cô đọng về đời người của thầy. Chỉ là mấy câu này tuy hiểu thì rất dễ, nhưng con phải vận dụng vào thực tế cả đời đấy.”
Thanh Trúc
Để lại một bình luận