Dễ và khó gồm hai phương diện: thích ứng khó và dễ trong thế giới hiện thực và mặt khác thuộc về thái độ và cách ứng xử của ta về một vấn đề, nên trong vài tình huống một số người cho là dễ một số người cho là khó.
Khó hay dễ nằm ở cách tiếp cận và xử lý vấn đề nhiều hơn bản chất của sự việc xảy đến với mình. Người có tu học Phật dễ dàng xử lý tình huống một cách khôn ngoan, dù trong nghịch cảnh, khổ đau, bất hạnh ta vẫn có sự điềm tĩnh của người có thực tập chuyển hóa, từng bước vượt ra khỏi nghịch cảnh và chướng duyên.
Có 8 điều dễ và khó của kiếp người mà trong cuộc sống chúng ta ai cũng gặp phải. Khi hiểu được nó chúng ta sẽ ít phạm sai lầm hơn và sống hạnh phúc hơn
1. DỄ LÀ KHI BẠN CÓ MỘT CHỖ TRONG SỐ ĐỊA CHỈ CỦA NGƯỜI KHÁC NHƯNG KHÓ LÀ KHI BẠN CÓ MỘT CHỖ TRONG TRÁI TIM CỦA NGƯỜI ĐÓ.
Để có tình cảm, có “một chỗ trong trái tim” người khác, thì người đó phải có được “hạnh chân nhân”, tinh thần quan tâm trên nền tảng sống chân thành, xây dựng được “cây cầu tình người”. Giữ tâm bình tĩnh, thư thái, an nhiên, hoan hỷ trước khi làm, trong khi làm, sau khi làm, sống chân thành, biết quan tâm giúp đỡ người khác khi có điều kiện, kính trọng người trên, nâng đỡ người dưới thì tự động người khác có thiện chí với mình, thiết lập được tình thân thương với mọi người.
2. DỄ LÀ KHI LÀM TỔN THƯƠNG MỘT NGƯỜI MÀ BẠN YÊU THƯƠNG, KHÓ LÀ KHI HÀN GẮN ĐƯỢC VẾT THƯƠNG ĐÓ.
Những hành hạ về cảm xúc, đì đọt tâm lý là những điều nên tránh. Tu học Phật là việc nhân mẫu số chung và quên đi những cái riêng biệt để hàn gắn bằng cách học theo hạnh Bồ Tát hãy nhận lỗi, xin thứ lỗi, khắc phục lỗi để tình trạng tương tự không diễn ra.
3. DỄ LÀ KHI BẠN NÓI MÀ KHÔNG SUY NGHĨ, KHÓ LÀ KHI BIẾT THIẾU SÓT TRONG LỜI NÓI CỦA CHÍNH MÌNH.
Sự giận cá chém thớt làm lan truyền nỗi đau, ngữ điệu nặng nề trong truyền thông làm cho người nghe trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Người tu học Phật phải thể hiện chánh niệm, dùng ngữ điệu lời nói nhẹ nhàng, thư thái, dễ thương trong điều đạo đức thứ tư của Đức Phật: truyền thông sự thật; nói mang tính xây dựng, lòng thương yêu; nói có văn hóa, lịch sự, có tri thức; nói những lời mang lại lợi ích, hướng đến mục đích. Thực tập chánh niệm trong việc phát ngôn sẽ mang lại hạnh phúc và bình yên.
4. DỄ LÀ KHI THA THỨ CHO NGƯỜI KHÁC NHƯNG KHÓ TRONG VIỆC HOÀN THIỆN MÌNH ĐỂ ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC THỨ THA.
Người tu học Phật cần lưu ý lỗi lầm là thuộc tính của con người, cho nên đừng nên cố chấp và không nên thề cay rủa độc. Cũng cần tránh tính hẹp hòi trong từng hành động, giữ trạng thái thản nhiên dù “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Các hành động xấu như tham, sân, si là kẻ thù của toàn nhân loại. Cách xin thứ lỗi lớn nhất là chuyển nghiệp, là hành động gieo tạo các hành động mới đối lập với các hành động cũ. Nghiệp xấu được chuyển bằng sự thay thế của các hành động lành. Chuyển nghiệp là cách tốt nhất, ngắn nhất, an toàn nhất để người khác và cộng đồng tha thứ.
5. DỄ LÀ KHI THỂ HIỆN THÀNH CÔNG NHƯNG KHÓ LÀ KHI NHÌN NHẬN THẤT BẠI ĐỂ VƯƠN LÊN.
Theo Đức Phật, một thành công phụ thuộc vào ba yếu tố: điều kiện thuận lợi (thuận duyên); tri thức, phương pháp đúng mà cao nhất là trí tuệ và hỗ trợ của phước báu mà mình đã gieo trồng. Người có phước báu khi gặp thất bại luôn bình tĩnh nhìn về phía trước để xây dựng, làm lại từ đầu. Không có vấn nạn nào mà không có giải thoát, hễ có ổ khóa là có chìa khóa. Khắc phục thất bại và không ngủ quên trên chiến thắng là chiếc chìa khóa để mở cửa thành công thêm một lần nữa trong tương lai.
6. DỄ LÀ KHI NẰM MƠ MỖI ĐÊM NHƯNG KHÓ LÀ KHI CHIẾN ĐẤU ĐỂ BIẾN GIẤC MƠ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC.
Chúng ta không chỉ nằm mơ vào bên đêm mà phần lớn có khuynh hướng nằm mơ vào ban ngày. Đức Phật dạy trong tám loại khổ có “cầu bất đắc khổ”. Đừng để cho tâm mình rơi vào nỗi khổ, niềm đau với những giấc mơ không trở thành hiện thực. Đức Phật dạy chúng ta thay vì ước vọng, cầu nguyện hãy làm, hãy phát nguyện, hãy dấn thân, hãy phụng sự để có thêm một bài học, một kinh nghiệm, một phước báu, một bản lĩnh trở thành người vô ngã, vị tha. Để cho hành động được tốt chúng ta phải có ánh sáng của trí tuệ dẫn đường, soi lối. Từ đó chúng ta nỗ lực biến các ước mơ trở thành hiện thực.
7. DỄ LÀ KHI VẤP NGÃ NHƯNG KHÓ LÀ KHI BIẾT ĐỨNG DẬY VÀ ĐI TIẾP.
Người có thói quen quan trọn hóa thường đi kèm cường điệu hóa. Khi đối mặt với các vấp ngã, điều quan trọng là ta phải tự đứng dậy và đi tiếp chứ không nên oán than trời đất, số phận, đì đọt lương tâm, hành hạ cảm xúc… Hãy chuyển nghiệp bằng bàn tay, lời nói, khối óc, thay đổi nhận thức của mình, thắp ánh sáng lên bóng tối sẽ tự bị đẩy lùi. Do vậy chúng ta hãy duy trì cái “đứng” trong lượng tâm, cái “đi” trong đạo đức, từ đó sẽ thoát khỏi sự vấp ngã để đứng dậy và đi tiếp trong cuộc đời.
8. DỄ LÀ KHI NHẬN VÀ KHÓ LÀ TA BIẾT CHO TRONG SỰ HOAN HỶ VÀ HẠNH PHÚC.
Cái nghèo trở thành nỗi ám ảnh rất lớn của con người. Do vậy khi cho chúng ta cần nhận thấy “cứu ngặt” là cứu tức thời nên ta tặng “con cá”, “cứu nghèo” là hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm, cho “cần câu” để mưu sinh. Là một Phật tử ta nên phối hợp với nhà chùa để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Không chỉ tặng biếu sở hữu cho người cần mà phải tặng đúng cách và phải biết đem Phật pháp như băng đĩa, kinh sách… vào trong tặng phẩm để được lợi lạc nhiều hơn.
Thích Nhật Từ
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.