Khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra, tác động lợi hoặc hại, tốt hay xấu có thể sảy ra ngay tức thì, cũng có thể để lại hậu quả cho sau này hoặc cho kiếp sau. Khẩu nghiệp có thể là nghiệp lành nếu điều nói ra gây ra những hậu quả tốt lành do làm lợi cho người khác hoặc cho cộng đồng. Khẩu nghiệp có thể là nghiệp ác nếu lời nói gây ra những hậu quả xấu làm hại người khác hoặc làm hại cho cộng đồng.
Khẩu nghiệp (ác) là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được. Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng nên vì một ai đó đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ mà dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ. Dưới đây là 9 điều không nên nói để tránh tạo khẩu nghiệp xấu:
1. Không bàn luận về lỗi của người khác
Một người tu đạo chân chánh là không nên nhìn lỗi của người khác. Nếu không thì lỗi của người cũng chính là lỗi của mình. Nói tâm tôi rất an tịnh, tôi không có như thế, trên thực tế, các bạn không biết rằng khi phát hiện ra khuyết điểm của người khác thì bản thân nó đã trở thành khuyết điểm của các bạn rồi. Sự thật này, chân lý này, người bình thường ít khi nhận ra. Có người nói tâm tôi rất an tịnh, tâm tôi rất tốt, hôm nay tôi rất vui, nhưng thật ra đó chỉ là cảm giác nhất thời của các bạn, hoặc là cách nghĩ tạm thời để khống chế mình có được những trạng thái tâm mong muốn. Một khi các bạn phát hiện ra khuyết điểm của người, thì ngay chỗ khởi tâm động niệm đó đã là khái niệm của phiền não rồi đấy!
2. Không nên nói những lời tức giận
Con người trong lúc tức giận mà nói thì thường thiếu suy nghĩ nên sẽ dễ dàng làm tổn thương người khác, có khi làm tổn thương chính bản thân mình. Con người trong lúc bị khinh bỉ xúc phạm thì tốt nhất nên giữ vững tỉnh táo, đừng tùy tiện lên tiếng, bởi vì lời nói lúc nổi nóng sẽ rất khó nghe, thậm chí có thể khiến người khác ám ảnh cả đời mà không thể quên được. Đối với cha mẹ, thì lời nói trong lúc tức giận của con cái sẽ khiến họ rất đau lòng. Đối với con cái, trẻ nhỏ thì lời nói trong lúc bực tức của cha mẹ có thể khiến trẻ chán nản mà tìm đến con đường cùng.
3. Không nên nói những lời oán trách, phàn nàn
Con người khi không hài lòng, thường hay nói những lời phàn nàn, oán trách, oán hận cấp trên, oán trách bạn bè hay thậm chí oán hận cả người nhà. Nếu như bạn thường xuyên nói những lời phàn nàn, sau khi người khác nghe được họ có thể sẽ mượn lời của bạn mà bàn lộng thị phi, nói bạn oán trách người này người kia, đối phó người này người kia. Lúc ấy, chẳng phải bạn sẽ là người chịu “quả đắng” sao?
4. Không nên nói những lời tổn thương người khác
Có người lỗ mãng, không tôn trọng, không bao dung người khác, thường xuyên nói những lời tổn hại đến người khác, có lúc là “hại người lợi mình” nhưng cũng nhiều khi là “hại người hại mình”. Lời nói làm tổn hại người khác có thể chỉ là nhất thời nhưng nhân cách của mình đã bị người khác coi nhẹ, nên chỗ bị thương lại là vĩnh viễn.
5. Không nên nói những lời khoe khoang
Có những người rất yêu thích nói lời tuyên truyền về mình, quảng cáo bản thân mình, khoe khoang bản thân mình khiến người khác nghe xong đều không thấy đồng tình. Cho nên, việc tự mình khoe khoang về bản thân là không có lợi ích thực tế mà trái lại còn làm tổn thương mình. Nếu bạn muốn mình vĩ đại, hãy làm một số việc vĩ đại, việc vĩ đại sẽ được người khác đánh giá nhận định còn bản thân mình thì khiêm tốn vẫn là quan trọng hơn.
6. Không nên nói những lời dối trá
Trong “5 giới cấm” của Phật giáo thì “nói dối” là một trong số giới cấm đó. Lời nói dối chính là “thấy mà nói không thấy, không thấy mà nói thấy, đúng nói là sai, sai nói là đúng”, hay nói ngắn gọn rằng lời nói dối là lời nói không thật. Nói những lời nói dối không chỉ đem tai họa đến cho người khác mà còn đem cả tai họa đến cho bản thân mình, thường xuyên nói dối khiến người khác không còn tin tưởng mình thậm chí khi nhắc đến mình người ta đã thấy coi thường.
7. Không nên nói những lời thuộc về bí mật
Có rất nhiều điều cần giữ bí mật như bí mật giữa nhân viên công ty, bí mật trong gia đình, bí mật của công ty, bí mật của bạn bè, bí mật của quốc gia…Cho nên, chúng ta nên dưỡng thành thói quen không tiết lộ bí mật của công ty, của bạn bè… đã chia sẻ với mình. Bởi vì hậu quả mà nó mang lại sẽ là rất lớn và bạn không thể lấy lại được. Sự tín nhiệm của mọi người đối với bạn cũng trở thành con số 0 ngay lập tức.
8. Không nên nói những lời riêng tư
Mỗi người đều có những điều riêng tư của bản thân mình, việc riêng tư của bản thân mình đương nhiên cũng sẽ không muốn người khác biết cho nên việc riêng tư của người khác họ cũng không muốn mình nói ra. Cho dù việc bạn nói ra việc riêng tư của người khác mà không bị họ phản kháng lại thì cũng đã thể hiện ra bạn là người không có hậu phúc. Mỗi người cần một căn phòng, một căn hộ không phải chỉ là để che mưa, che nắng, vì an toàn mà điều quan trọng nữa là vì sự riêng tư của bản thân. Bạn mặc quần áo là để giữ ấm nhưng điều quan trọng là để che giấu đi cơ thể mình. Vì vậy, để tôn trọng lẫn nhau thì việc trước hết là cần phải tôn trọng việc riêng tư của nhau.
9. Không nên nói những lời chán nản, làm mất ý chí
Có những người rất hay nói những lời chán nản, lời làm nhụt ý chí, kỳ thực cuộc sống nên nhận được sự cổ vũ khích lệ của người khác, cho dù không có người động viên mình thì cũng phải tự động viên mình. Tự bản thân mình không cổ vũ, khích lệ chí hướng của mình, ngược lại còn thường xuyên nói những lời chán nản thì tự nhiên sẽ khiến mình đắm chìm trong tuyệt vọng. Khi con người đắm chìm trong tuyệt vọng, nhìn đâu đâu cũng không thấy có hy vọng có tương lai thì sẽ không còn quý trọng bản thân mình và họ dễ dàng bị rơi vào sa đọa mà hủy hoại cuộc sống của mình.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.