Nếu là một liên hữu Việt Nam, có lẽ không ai không biết đến Ấn Quang đại sư qua dịch phẩm Thiền Tịnh Quyết Nghi của hòa thượng Trí Tịnh và Lá Thư Tịnh Độ của cố hòa thượng Thiền Tâm. Khi đọc Lá Thư Tịnh Độ, chúng tôi vẫn luôn kỳ vọng sau này có thiện duyên sẽ được đọc toàn bộ Ấn Quang Văn Sao. Khi được quen biết với đạo hữu Vạn Từ, anh nhiều lần khuyên chúng tôi khi nào có dịp hãy cố dịch toàn bộ tác phẩm này sang tiếng Việt bởi lẽ văn từ của Tổ càng đọc càng thấm, càng thấy có lợi ích. Những giáo huấn của Tổ rất gần gũi, hữu ích cho thời đại chúng ta, nhất là những giáo huấn về Tín – Hạnh – Nguyện, xử thế, tu trì… Khi được biết chúng tôi chưa có nguyên bản Ấn Quang Văn Sao, anh đã sốt sắng lái xe đến khắp các chùa người Hoa trong vùng Nam California để tìm cho được một bản, nhưng cơ duyên chưa tới, vẫn không sao tìm được. Ngay tại một đạo tràng lớn như Phật Quang Sơn Tây Lai Tự vẫn không còn một bản Ấn Quang Văn Sao nào. Mãi đến mùa Hạ năm 2001, đạo hữu Minh Lập từ Seatle mới tìm được cho mạt nhân bộ Ấn Quang Văn Sao (do chùa Từ Nguyện ấn tống, không rõ năm in, và được thí tặng bởi chùa Địa Tạng Viên Quang Tự) và Ấn Quang Gia Ngôn Lục (do Phật Quang Viện ở Bản Kiều, Đài Loan, 1982 ấn hành, cũng do chùa Địa Tạng thí tặng). Khi nghe tin đã tìm được Ấn Quang Văn Sao, đạo hữu Vạn Từ mừng rỡ khôn xiết, anh khẩn khoản mạt nhân hãy ráng dịch cho được dẫu chỉ vài phần trọng yếu của tác phẩm này, nhưng do tánh ngại khó cũng như do nhiều chướng duyên, mạt nhân đành thoái thác, không đáp ứng ý nguyện của người bạn đạo thân kính.
Mãi đến giữa Hè 2003, nhân đạo hữu Vinh Quyền yêu cầu lần nữa, mạt nhân mới đánh bạo tạm dịch thử bản Gia Ngôn Lục. Khi đó, sau khi đọc và sửa lỗi bản dịch, các đạo hữu Huệ Trang và Vạn Từ đã tha thiết yêu cầu hãy dịch toàn bộ Ấn Quang Văn Sao, bởi lẽ nếu không đọc được toàn bộ một lá thư, chỉ đọc một vài đoạn trích, khó thể cảm nhận trọn vẹn ý Tổ. Nhưng nhìn vào kích thước của bộ sách này, mạt nhân thật e ngại sức mình không thể kham nổi, đành khất lần: “Nếu ba năm sau không ai dịch tác phẩm này, tôi sẽ đánh liều dịch thử”. Rồi như một nhân duyên ước hẹn, cuối năm 2003, đạo hữu Minh Tiến lại gởi tặng một bộ Ấn Quang Văn Tập hoàn chỉnh (gồm Ấn Quang Văn Sao, Ấn Quang Văn Sao Tam Biên và Ấn Quang Văn Sao Tục Biên) do Cổ Tấn Báo Ân Niệm Phật Đường ấn hành năm 2002 và bộ Linh Phong Tông Luận (do liên xã Đài Trung ấn hành). Những tác phẩm này do Tịnh Tông Học Hội Los Angeles lưu thông. Mỗi lần nhìn vào hai bộ sách ấy đặt trên bàn, mạt nhân lại cảm thấy áy náy vì chưa đáp đền những ân tình của các bạn đạo đã dành cho mình. Nay dẫu thời hạn ba năm chưa đến, nhưng quang âm trôi qua vùn vụt, lúc này không làm, e vô thường chợt đến, có muốn làm cũng không kịp nữa!
Đã biết mình không đủ sức mà vẫn cố gượng làm, quả thật là dối mình, dối người, tội ương khó tránh khỏi. Thế nhưng, ngẫm lời các đạo hữu đã khuyên: “Cứ cố hết sức mình ngõ hầu pháp nhũ của chư Tổ phần nào được thể hiện, như sữa đem pha nước dẫu nhạt vẫn còn đôi chút vị sữa”, mạt nhân vẫn thầm mong được Tam Bảo gia hộ để không phạm lỗi xuyên tạc ý Tổ, ý kinh quá đáng đến nỗi lương phương trở thành độc dược. Chỉ e nghiệp chướng sâu dày, kiến văn quả lậu, kiến giải quá lệch lạc đến nỗi thâm ý, bản hoài của Tổ bị diễn đạt sai lệch hoàn toàn, không đem lại chút lợi ích cỏn con nào cho các liên hữu.
Ngưỡng mong, bản dịch nháp này sẽ khiến những bậc đại tâm đại đức, kiến văn quảng bác xót thương, rủ lòng từ bi phủ chính hoặc dịch lại toàn bộ cho chánh xác khiến cho hành nhân Tịnh Độ Việt Nam sẽ được lãnh hội đúng đắn giáo huấn quý báu của Tổ Ấn Quang. Còn nếu như việc làm liều lĩnh này có chút phần công đức nào, xin hồi hướng đến bổn sư Thượng Tọa thượng Giải hạ Thắng, tọa chủ Bửu Quang Tự, quận 7, Sài Gòn, lịch đại phụ mẫu, sư trưởng, tông thân, cùng các đạo hữu Vạn Từ, Minh Lập, Minh Tiến, Huệ Trang, các liên hữu thuộc Tịnh Tông Học Hội Đài Loan, cùng hết thảy pháp giới chúng sanh đều được vãng sanh Cực Lạc. Còn như nếu việc làm liều lĩnh này tạo thành tội nghiệp, xin tự mình gánh chịu tội ương, không dám liên lụy ân sư những liên hữu đã hỗ trợ, khuyến khích, chịu thương chịu khó cùng mình trong suốt thời gian qua.
Ngày 13 tháng 07, năm 2005,
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa kính bạch
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.