Hỏi:
Làm từ thiện, lo Phật sự nhưng gia đình phản đối. Làm sao để dung hòa, giúp cho gia đình hiểu và chấp nhận?
Đáp:
Trong khi làm cho người khác hạnh phúc thì mình lại làm cho nhiều người đau khổ. Có vẻ như chúng ta đang bị đóng khung trong ý nghĩa của sự sẻ chia, đó là sẻ chia về vật chất. Sự sẻ chia ở đây mang ý nghĩa rất rộng. Đức Phật dạy rằng có 3 cách bố thí. Bố thí tài tức là chia sẻ về những điều kiện vật chất. Thứ hai là bố thí vô úy tức bố thí sự không sợ hãi, sự bình an. Khi một người đang hoảng loạn, sợ sệt, đang không làm chủ được cảm xúc bản thân thì sự có mặt của mình với năng lượng bình an làm cho người đó định tĩnh trở lại, có hiểu biết trở lại, sáng suốt và kết nối với bản thân trở lại. Trong cuộc sống, có những người đang cống hiến thầm lặng những giá trị đó nhưng ít ai biết đến. Xã hội chú ý nhiều đến vật chất hơn là giá trị tinh thần. Thứ ba là bố thí Pháp, một trong những loại bố thí rất là quý giá. Pháp ở đây không chỉ nằm gói gọn trong ý nghĩa là Phật pháp. Pháp ở đây là con đường, là phương cách để bạn vượt thoát một tình trạng. Nếu bạn không có tiền, không có những điều kiện vật chất để hiến tặng người khác, nhưng bạn có hiểu biết, có kinh nghiệm sống, có thể chỉ cho người khác cách để vượt thoát tình trạng bản thân, thì đó là sự bố thí rất quý giá.
Trong các loại bố thí đó, bố thí vật chất giúp người ta ổn định tạm thời, nhưng cách chúng ta hiến tặng làm sao để người ta thấy được con đường đi, biết nương tựa bản thân, biết được giá trị thật của cuộc sống là gì, cái gì là tình yêu, hạnh phúc chân thật, thì đó là sự hiến tặng quý giá nhất.
Nếu chúng ta không có điều kiện để bố thí vật chất thỏa mãn như ý nguyện của mình thì chúng ta vẫn còn rất nhiều yếu tố để bố thí, cống hiến mỗi ngày trong đời sống cho mỗi người xung quanh. Và nếu mình không đủ điều kiện để bố thí vật chất thì hãy để cho những người có đủ điều kiện họ làm. Nói một câu nói dễ thương, biết lắng nghe những người xung quanh, biết nhường nhịn, biết yêu thương, cái đó vẫn là một sự hiến tặng, một sự bố thí rồi. Nhưng nhiều khi chúng ta cứ chăm bẵm, cứ lo bố thí những điều kiện vật chất, để rồi chúng ta trở thành những con người khô cằn, khó chịu, thiếu hụt năng lượng. Rồi mỗi khi về nhà, chúng ta không còn gì để hiến tặng cho gia đình nữa hết. Một bữa cơm cũng không xong, nhà cửa cũng không xong, nuôi dạy con cái cũng không xong. Chúng ta đổ tất cả rằng tại vì chúng ta đi làm công tác từ thiện, phục vụ cộng đồng thì khó mà có sự cảm thông, chấp nhận từ những người thương. Cho nên nói như cụ Nguyễn Du tức là ”Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”, phải đi từ trong ra ngoài. Phải bố thí, phải hiến tặng, phải giúp cho những người thân có sự cân bằng trước đã, và nhất là có sự đồng tình với cùng quan điểm của mình, để rồi khi làm công tác từ thiện, chắc chắn mình sẽ có sự nâng đỡ, ủng hộ. Còn nếu mình cứ làm theo cách của mình, buộc người khác phải chấp nhận, đột ngột mình đem hết tiền của đi làm từ thiện, bắt người khác phải chấp nhận thì e rất là khó. Mình còn phải nâng đỡ người thương, đưa người đó lên bằng với mình. Người đó chưa ổn, mình giúp người đó được ổn như mình. Người đó chưa có ý niệm chia sẻ với cộng đồng được như mình thì mình phải làm sao để người đó có được khả năng đó. Đây chính là một thứ hiến tặng mà nó rất là quý giá. Quý giá hơn rất nhiều lần những điều kiện vật chất.
– Sư Minh Niệm –
(Trích trong bài pháp thoại: “Hạnh phúc lớn nhất là được sẻ chia” do Sư Minh Niệm giảng tại chùa Giác Ngộ, ngày 28-09-2016, đường link Hạnh phúc lớn nhất là được sẻ chia )
Xem thêm: 7 cách bố thí | Ý nghĩa bố thí và cúng dường | Tại sao làm từ thiện không có phước?
Để lại một bình luận