Trích đoạn số 9: Chướng ngại lớn nhất khi hoc tập nằm trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa do Pháp Sư Tịnh Không thuyết giảng
Hời hợt, bộp chộp là chướng ngại lớn nhất trong sự học tập của chúng ta. Nếu không diệt trừ hời hợt, bộp chộp, sẽ vĩnh viễn không thể thấu hiểu. Cái mà quý vị có thể học được chỉ là ngôn từ! Ngôn từ là bề ngoài, là văn tự, danh tướng, quý vị học những thứ này, không có cách nào nhận biết đạo lý chân thật. Tâm quý vị càng thanh tịnh, càng hiểu sâu; đến khi tâm bình đẳng hiển hiện, gần như là chưa khai ngộ thì cũng mấp mé khai ngộ! Thanh tịnh là Kiến Tư phiền não mỏng nhẹ. Đoạn Kiến Tư phiền não, tâm thanh tịnh thật sự hiện tiền; Trần Sa phiền não đoạn rồi, tâm bình đẳng hiện tiền. Tâm chúng ta bất bình đẳng thì làm gì được? Vì sao chẳng bình đẳng? Có Ngã! Có Ngã sẽ chẳng bình đẳng; nói chung, [sẽ nghĩ] ta giỏi hơn người khác một chút, đó là ngạo mạn. Chư vị phải biết: Hễ có Ngã, bèn có ngạo mạn, quý vị chẳng thừa nhận cũng không được! Đức Phật nói rất hay, vì sao? Quý vị có Ngã là có Mạt Na Thức, bốn đại phiền não thường phụ thuộc Mạt Na Thức. Bắt đầu có từ khi nào? Trong pháp Đại Thừa, có một câu mà hết thảy mọi người đều biết: “Phụ mẫu vị sanh tiền bản lai diện mục” (diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra). Đó chính là Ngã, chẳng phải là được cha mẹ sanh ra rồi mới có Ngã. Trước khi được cha mẹ sanh ra đã có Ngã. Người bình thường chúng ta gọi Ngã là “linh hồn”. Nói theo Phật pháp, không gọi là linh hồn, mà gọi là “linh tánh”. Kẻ ấy có Ngã Chấp hay không? Có! Có Ngã Chấp thì gọi là “linh hồn”, không có Ngã Chấp sẽ gọi là “linh tánh”. Vì sao? Không gian hoạt động của kẻ ấy không ra khỏi lục đạo luân hồi, kẻ ấy chuyển vần trong lục đạo, không thoát ra được. Vì sao? Mê rồi! Nếu kẻ ấy giác ngộ, sẽ vượt thoát lục đạo; chẳng gọi là “linh hồn” nữa, mà gọi là “linh tánh”, hoạt động trong không gian lớn hơn, không gian hoạt động của kẻ ấy là mười pháp giới. Vì sao kẻ ấy vẫn chưa vượt thoát mười pháp giới? Còn có khởi tâm động niệm, do chưa phá vô minh. Sau khi phá vô minh, danh từ “linh tánh” cũng chẳng còn, mà gọi là “tự tánh”, đã trở về nguồn, tức là trở về tự tánh. Khi ấy gọi là gì? Gọi là Phật, chân Phật, chẳng phải giả Phật. Một thứ mà có tới ba danh từ (linh hồn, linh tánh, tự tánh), một mà ba, ba mà một!
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.