Con đường đến tự do vô thượng – Đạt Lai Lạt Ma
Thực hành Phật giáo là tiến hành một cuộc chiến đấu giữa những thế lực tiêu cực và tích cực trong tâm bạn. Thiền giả nỗ lực làm tiêu mòn điều tiêu cực và phát triển, tăng trưởng điều tích cực. Những giáo lý trong quyển sách này là để chuyển hóa tâm thức; chỉ đọc hay nghe mỗi một đoạn thôi cũng có thể đem lại lợi lạc to lớn.
Không có những cột mốc vật chất để đo lường sự tiến bộ trong cuộc chiến đấu giữa những thế lực tiêu cực và tích cực trong tâm thức. Sự chuyển hóa bắt đầu khi trước hết bạn nhận diện và nhận thức được những lầm lạc của bạn, như tính giận dữ và ganh tỵ. Sau đó người ta cần hiểu biết những cách đối trị sự lầm lạc, và sự hiểu biết đó có được là nhờ nghe các giáo lý. Không có một phương cách đơn giản để tẩy trừ những lầm lạc. Chúng không thể được nhổ sạch bằng cách mổ xẻ. Chúng phải được nhận thức, và sau đó, nhờ sự thực hành những giáo lý này, chúng có thể từ từ giảm bớt và rồi hoàn toàn bị tiệt trừ.
Những giáo lý này đem lại các phương tiện để giải thoát bản thân ta khỏi sự lầm lạc – một con đường mà cuối cùng đưa tới sự tự do đối với mọi đau khổ và dẫn tới sự phúc lạc của Giác ngộ. Ta càng thông hiểu Pháp, hay giáo lý đạo Phật, thì sự áp chế của tánh tự cao, oán ghét, tham lam và những cảm xúc tiêu cực khác gây nên bao nhiêu đau khổ càng giảm bớt. Việc thực hành sự hiểu biết này trong đời sống hàng ngày trải qua một thời gian nhiều năm tháng sẽ từ từ chuyển hóa tâm thức, bởi tâm thức vẫn chịu sự biến đổi, dù thường thì nó có vẻ không phải thế. Nếu bạn có thể so sánh tâm thái hiện tại của bạn với tâm thái sau khi đọc cuốn sách này, thì bạn có thể nhận ra một vài sự tiến bộ. Nếu như thế, các giáo lý này sẽ đáp ứng được mục đích của chúng.
Trong kiếp này, Đức Phật đã xuất hiện từ hơn 2500 năm trước trong thân tướng Thích Ca Mâu Ni, hiền giả của bộ tộc Thích Ca. Ngài xuất gia làm một nhà sư và dấn mình vào những thực hành du già gian khổ. Tọa thiền dưới một gốc cây ở nơi gọi là Bodh Gaya ở miền bắc Ấn Độ, Ngài thành tựu sự Toàn Giác. Sau đó Ngài ban rất nhiều giáo lý để khế hợp với những lợi lạc và khuynh hướng khác nhau của chúng ta. Trong một số giáo lý, Ngài dạy cách thức để có được một sự tái sinh tốt đẹp hơn và trong những giáo lý khác, Ngài dạy làm thế nào để đạt được giải thoát khỏi sự luân hồi của sinh và tử. Những bản văn sâu rộng chứa đựng những giáo lý này được gọi là Kinh (sutra), phác thảo những phương pháp và phương tiện để đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Lưu xuất từ kinh nghiệm và Pháp âm mạch lạc của Đức Phật, những giáo lý này có thể được thực hành và chứng nghiệm bởi bất kỳ ai.
https://www.youtube.com/watch?v=L5aVS_IlKQ0
Để lại một bình luận