Một trong những tâm bệnh lớn nhất của phàm phu là sự tiếc nuối những kinh nghiệm, cho dù đó là những lối mòn không còn dùng được nữa. Cũng trong Trường Bộ Kinh, ngài Đồng Tử Ca Diếp (Kumarakassapa) có kể cho vua Payasi nghe câu chuyện ngụ ngôn về hai người bạn cùng đi buôn với nhau.
Trên đường, hai người nhìn thấy một đống bông sợi còn tốt, có thể đem bán được, nên chia nhau vác lên vai. Sau đó cứ mỗi đoạn đường họ lại nhìn thấy một thứ khác quý giá hơn và một trong hai ông cứ bỏ cái cũ và cầm cái mới, cuối cùng thì ông ta bỏ đi bao bạc để chừa sức vác lấy bao vàng và trở về giàu có sung sướng một đời.
Riêng người thứ hai vì tiếc công đã vác bao bông vải từ đầu nên trước sau tài sản của ông chỉ có chừng đó.
Ông từ chối tất cả cơ hội làm giàu chỉ vì chút nặng lòng đối với công khó mà mình đã bỏ ra cho bao chỉ bông.
Như trong ca dao Việt Nam cũng có nói đến chuyện này:
Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc,
Tiếc công cầm vàng.
Điểm khác biệt lớn nhất của các bậc đại hiền với kẻ phàm phu là:
Sự can đảm bỏ cái nhỏ để được cái lớn .
Bỏ cái thấp để được cái cao.
Bỏ cái hẹp để được cái rộng.
Bồ Tát Tất Đạt Đa chỉ vì thấy người bệnh và xác chết rồi thì bỏ ngai vàng mà đi xuất gia. Sau đó đắc hết 5 tầng thiền Sắc Giới.
Ngài vẫn xem như không có gì mà tiếp tục tìm thầy học đạo và đắc được thêm 4 tầng thiền Vô sắc rồi ngài cũng bỏ.
Con đường giải thoát thật ra là một hành trình buông bỏ.
Nhiều người học đạo cứ mong mình sẽ Được cái này, Đắc cái nọ.
Trong khi ý nghĩa thật sự của việc tu hành là để Buông Bỏ được bao nhiêu thứ.
Ngay đến việc bố thí, trì giới cũng phải được xem là cơ hội để bỏ đi những ác pháp nhiều hơn là sự tích tập cái gì đó.
Bởi lẽ trong vô số kiếp sanh tử ta từng bố thí, trì giới nhưng đã có bao giờ ta nghĩ đến việc Buông Bỏ phiền não hay chưa.
Đó là lý do vì sao mãi đến tận giờ ta vẫn còn ở đây …
Dịch Giả: Tỳ Kheo Giác Nguyên
Tác Phẩm : KNTQ1
THỰC HÀNH VIPASSANA x THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ
Xem thêm: Buông bỏ không phải là từ bỏ
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.