Tục ngữ dân gian Việt Nam có câu nói: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà đã trở thành quan niệm ăn sâu vào nếp sống người Việt xưa và nay
Quan niệm trên cũng xuất phát từ một thực tế đó là thiên chức của người phụ nữ là nuôi dạy con cái và từ chính sự yêu thương con cái một cách thái quá của người phụ nữ, họ đã yêu thương, nuông chiều quá mức để những đứa con ấy mang trong đầu suy nghĩ chúng là “tất cả” để rồi hư hỏng, thậm chí trở thành “nghịch tử”. Người mẹ sinh ra đứa con luôn yêu thương con hết mực bằng tình mẫu tử. Vì tình thương yêu quá lớn mà quên đi rằng: cần phải giáo dục con cái bằng sự nghiêm khắc và có quy tắc gia đình rõ ràng. Sự thương yêu con cháu của đa số những bà mẹ, những bà nội, bà ngoại đối với con cháu bằng con tim và cảm xúc, chứ không phải bằng lý trí. Người mẹ không dám sửa phạt con cái, vì người mẹ sợ chúng sẽ oán giận và không còn yêu thương mình nữa. Ngược lại, cũng có những bà mẹ lại quá khắt khe với những đứa con. Cách dạy con “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” của một số người mẹ không hiếm gặp trong cuộc sống mà ngược lại đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Hậu quả là những đứa con đó bị stress và thường tỏ ra những thái độ phản kháng. Chúng chỉ đợi đến tuổi trưởng thành là chúng thoát ly khỏi gia đình, không muốn nhìn mặt cha mẹ chúng nữa.
Làm cha mẹ hay ông bà, chúng ta phải có trách nhiệm và bổn phận dạy dỗ con cái sao cho đúng cách thì mới tốt chứ không phải yêu thương chiều chuộng con một cách mù quáng. Trước tiên ta phải dạy con lòng từ bi không được giết hại vô cớ, không được phung phí từ khi còn nhỏ; khi thấy con phạm lỗi hay làm điều không đúng, tổn hại cho người khác thì không được bao che cho con mà phải dạy con cách xin lỗi, sám hối.
Bài giảng: Con hư tại mẹ cháu hư tại bà? được thầy Thích Phước Tiến chia sẻ vào ngày 24-08-2018 tại Tổ Đình Ấn Quang (Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh) nhân đại lễ Vu Lan 2018
Để lại một bình luận