Đời sau muốn sanh về cõi nào – Pháp Sư Tịnh Không
Phàm phu chúng ta mang Nghiệp Báo Thân, chẳng tự do tí nào, hoàn toàn chịu sự chi phối của nghiệp lực. Nói chịu nghiệp lực khống chế thì mọi người khó hiểu, chúng ta nói cách khác, chịu vận mạng khống chế, chịu vận mạng chi phối thì mọi người dễ hiểu, thế nên: ‘tất cả đều là vận mạng, nửa điểm cũng chẳng do người’, bạn nói như vậy có khổ không? Mạng là gì? Mạng chính là nghiệp, nghiệp báo. Trước kia tạo thiện nghiệp, đời này được thiện báo, quá khứ tạo ác nghiệp, đời này chịu quả báo chẳng thiện, thế nên những thọ dụng cả đời này, ngạn ngữ có câu: ‘một miếng ăn, miếng uống, chẳng gì là không định sẵn’, tức là đạo lý này, đúng là nửa điểm – một tí gì cũng chẳng do người.
Nhưng Phật, Bồ Tát đến thế gian này, quý ngài đến đầu thai và cũng thị hiện chết đi, quý ngài sanh tử tự tại, không phải do nghiệp lực mà là nguyện lực. Ở thế gian này muốn sống cuộc đời như thế nào thì sống như thế ấy, muốn ở bao nhiêu năm thì ở bấy nhiêu, sanh tử tự tại. Lúc nào muốn ra đi, đi đến đâu, quý ngài hiểu rõ ràng, minh bạch, đến đi tự do, đó gọi là nguyện lực thọ thân, là nguyện lực chứ chẳng phải nghiệp lực. Chúng ta phải hiểu những đạo lý này rồi sau đó mới biết nên học Phật như thế nào, làm thế nào chuyển nghiệp lực của chúng ta thành nguyện lực, bản lãnh của chư Phật, Bồ Tát là ở chỗ này. Các ngài có thể chuyển, chúng ta cũng có thể chuyển, bắt đầu chuyển từ đâu? Phải bắt đầu chuyển từ tâm, sau khi tâm chuyển thì thân sẽ chuyển; nếu nói chuyển từ thân, tâm chẳng chuyển thì không được, chuyển như thế nào cũng chẳng giống, nhất định phải chuyển từ tâm.
Tâm thì phải ‘trụ’ chứ chẳng phải ‘tại’. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát có Thập Trụ, đó là nói về trụ, là ‘tâm trụ’ chứ không phải ‘thân trụ’. Bồ Tát trụ chỗ của Phật trụ, như vậy mới đúng. Trong kinh Phật nói với chúng ta có bốn chỗ trụ, bốn chỗ này đều chính xác. Hai thứ đầu vẫn còn ở trong lục đạo, chưa ra khỏi lục đạo. ‘Thiên trụ’ tức là đời sau nhất định có thể sanh đến trời Dục Giới. Trời Dục giới có sáu tầng, sau này sẽ giới thiệu cho chư vị biết. ‘Thiên trụ’ tức là tâm an trụ tại thập thiện nghiệp đạo, bố thí, trì giới, tu thập thiện nghiệp đạo thì đời sau bạn nhất định sẽ sanh lên trời, phước báo lớn hơn nhân gian chúng ta rất nhiều, hưởng phước trời. Thứ hai là ‘Phạm Trụ’, Phạm Trụ tức là tu thiền định, tu tâm thanh tịnh, hết thảy dục niệm đạm bạc, đối với ngũ dục lục trần coi rất lợt lạt, trong tâm tràn đầy từ, bi, hỷ, xả. ‘Từ’ là vui với người, đem an lạc cho người, giúp người an lạc; ‘Bi’ là làm cho người bớt khổ, chúng sanh có khổ, giúp họ giải quyết khổ nạn; ‘Hỷ’ là nhìn thấy người khác được phước, được chuyện tốt, nhất định chẳng có tâm đố kỵ, chỉ sanh tâm hoan hỷ; ‘Xả’ là có thể buông xuống vạn duyên. Tâm thường an trụ tại từ – bi – hỷ – xả, sanh đến trời Sắc Giới, hai cái ‘trụ’ trong Tam Giới này kể ra còn chính đáng. Nhưng người chúng ta hiện nay không như vậy, hiện nay tâm người an trụ ở đâu? An trụ ở tham, sân, si, mạn, như vậy thì không xong rồi! An trụ tại tham, sân, si, mạn, an trụ tại giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối thì quả báo sẽ ở ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Thế nên họ chẳng phải ‘Thiên trụ’, chẳng phải ‘Phạm Trụ’, mà là ‘Quỷ trụ, Ðịa ngục trụ, Súc sanh trụ’, họ làm những thứ này. Chúng ta đối với những Lý, Sự này rõ ràng, minh bạch, phải biết tâm an trụ ở đâu, sau này sanh ra hậu quả gì, vô cùng dễ sợ.
Thứ ba là ‘Thánh trụ’ tức là trụ ở tâm Bồ Ðề. Thánh giả là Tiểu Thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát tuy chẳng đồng nhưng họ có một điểm giống nhau, tức là tâm nhất định trụ tại Tam Muội (Chánh Định), đây là điểm tương đồng. Thứ tư là ‘Phật trụ’, trụ ở chỗ Phật trụ, nếu nhập vào cảnh giới này thì bạn sẽ là quả vị Thập Trụ Bồ Tát. Chân chánh học Phật nhất định phải an tại chỗ Phật trụ, Phật trụ ở đâu? ‘Ðại Tam Không Tam Muội’: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện; Vô Nguyện cũng gọi là Vô Tác. Nếu thực hiện trong Tịnh Tông thì an trụ ở ‘Niệm Phật Tam Muội (Niệm Phật Chánh Định)’, đối với những cảnh giới khác sâu rộng vô cùng, chúng ta rất khó cảm nhận, không bằng y theo lời dạy của Phật, chúng ta để tâm an trụ tại ‘Niệm Phật Tam Muội’, chuyện này tương đối dễ học tập. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, việc này thật sự là hiếm có, thù thắng khôn sánh.
Vui lòng nghe video bên dưới chi tiết hơn:
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.