I.Dẫn Nhập
Đại thừa khởi tín luận do Bồ Tát Mã Minh thuyết, bước vào Đại Thừa chúng ta nghiên cứu về kinh Kim Cang. Một kinh Bát Nhã mà đức Phật đi giảng rất lâu dài, sau khi giảng về Tứ Diệu Đế và 12 Nhân duyên. Ghi chép lại có đến 6000 quyển Bát nhã thu gọn lại thành 600 quyển và thu gọn sau cùng là kinh Kim Cang. Đạo Phật được truyền bá về hai hướng, phía nam là Sri lanka rồi qua Miến Điện Thái Lan Lào Campuchia rồi Vietnam. Phía bắc thì Nepal Tây Tạng Mông Cổ rồi đến Trung Hoa Nhật Bản Đại Hàn rồi Vietnam. Nam truyền là Phật giáo Nguyên thủy, bắc truyền là Đại thừa bắt đầu từ kinh Kim cang Bát nhã. Đức Phật giảng đạo chia ra 3 lối giảng: 1. Là đặt vấn đề thực tế là chấp thật là tham sân si phiền não lậu hoặc để giải quyết trực tiếp gọi là Nguyên thủy.2.Là giải quyết trực tiếp chấp thật chưa hết, thì Phật giảng về chấp giả, nên từ chối theo thiền sư Suzuki, tức là phá chấp là không là huyễn ảo, tức là hệ thống Bát nhã điển hình là kinh Kim cang.3. Là lời giảng biểu tượng đưa cành hoa sen từ ao bùn nở ra, hay một chuyện hành khất có viên ngọc quý trong bị túi, mà không biết cứ lang thang xin ăn suốt cuộc đời, hay vị thầy thuốc với con bịnh là kinh Pháp Hoa. Với 3 lối giảng đó Phật giải thoát cho chúng sanh chạy ra khỏi căn nhà lửa cháy tham sân si. Văn hào Nguyễn Du có 4 câu thơ Kinh Kim cang như sau:
-Kim cang tụng đến vạn lần
Mà trông hư ảo như gần như xa.
Thạch bản vừa phát hiện ra
Kim cang thật nghĩa hóa ra không lời.
Không lời là sự từ chối, sự phá chấp, sự không có thật, luật tứ cú lão giáo, tức là vô trụ vô tướng vô ngôn từ. Kim cang còn dạy cho chúng sanh diệt ngã, diệt cái tôi và diệt cái ham danh, đặc biệt là các tu sĩ đã xuất gia tu tập diệt ái dục dễ dàng, nhưng diệt ngã và diệt ham danh thì rất khó khăn. Vậy học kinh Kim cang là học cái gì? Áp dụng ra sao? Lợi ích gì?
II. Chánh văn kinh Kim cang giảng giải
Gồm có 32 phẩm: 1.Nguồn gốc Pháp hội;2.Thiện hiện khải thỉnh;3.Chánh Tông của Đại thừa;4.Diệu hạnh vô trụ; 5.Thật thấy đúng như lý;6.Chánh Tín ít có;7.Không được, không nói;8.Y pháp sanh ra;9.Một tướng vô tướng;10.Trang nghiêm tịnh độ;11.Phước vô vi thù thắng;12.Tôn trọng chánh giáo;13.Đúng như pháp thọ trì;14.Tịch diệt lìa tướng;15.Công đức trì kinh;16.Hay sạch nghiệp chướng;17.Rốt ráo vô ngã;18.Đồng quán một thể;19.Hóa thông cả pháp giới;20.Lìa sắc lìa tướng;21.Chẳng phải thuyết, sở thuyết;22.Không pháp có thể được;23.Tịnh tâm hành thiện;24.Phước trí không sanh;25.Giáo hóa không chỗ giáo hóa; 26.Pháp thân chẳng phải tướng;27.Không đoạn không diệt;28.Chẳng thọ chẳng tham;29.Uy nghi tịch tĩnh;30.Lý nhất hợp tướng;31.Tri kiến chẳng sanh;32.Ứng hóa chẳng phải chân. Chúng ta chỉ rút ra một số phẩm tiêu biểu vì 32 phẩm đều giong nhau ở lối lý luận như tứ cú: không phải A rồi không phải không phải A mới đích thực là A vậy. Các đoạn văn có khi lập lại trùng nhau và thứ tư không mạch lạc, cho nên đọc kinh bằng tâm chứ không đọc kinh bằng óc suy luận, mới hiểu được ý nghĩa. Trích chánh văn kinh: kinh Kim cang giảng giải-Thiền viện trúc lâm Bạch mã- HT Thích Thanh Từ.
- Nguồn gốc Pháp hội: – Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Phật ở vườn Cấp Cô Độc, rừng Kỳ Đà, nước Xá Vệ, cùng chúng Đại Tỳ Kheo 1250 người chung hội. – Bấy giờ Thế Tôn đến giờ ăn, Ngài đấp y, mang bát đi vào thành lớn Xá Vệ khất thực. Ở trong thành ấy theo thứ lớp khất thực rồi, trở về chỗ mình, thọ thực xong, thu xếp y bát, rửa chân và trải tòa mà ngồi.
- Thiện hiện khải thỉnh: Lúc đó, Trưởng lão Tu Bồ Đề ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, quỳ gối phải, chấp tay cung kính bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, thật ít có! Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo phó chúc các vị Bồ Tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, kẻ thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nên làm sao trụ? Làm sao hàng phục tâm mình?
Phật bảo:- Lành thay! Lành thay! Này Tu Bồ Đề! Đúng như lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ Tát, khéo phó chúc các vị Bồ Tát. Nay ông hãy lắng nghe, tôi sẽ vì ông mà nói.
– Kẻ thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nên như vầy mà trụ, như vầy mà hàng phục tâm mình.
– Vâng, bạch Thế Tôn, con nguyện ưa muốn nghe.
3. Chánh Tông của Đại thừa: Phật bảo Tu Bồ Đề:- Các vị Bồ Tát lớn nên như vầy mà hàng phục tâm mình: Có tất cả những loài chúng sanh nào, hoặc sanh từ trứng, hoặc sanh từ bào thai, hoặc sanh từ ẩm ướt, hoặc sanh từ biến hóa, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, ta đều đưa vào Vô dư Niết bàn mà diệt độ cho chúng. Như thế, diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh, mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Tại sao? Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng sanh, tướng Thọ giả, tức chẳng phải Bồ Tát. Đoạn văn này có ý là chúng sanh có 4 tướng là tướng ngã nhân chúng sanh, thọ giả thì không nên chấp vào 4 tướng ấy tức là từ chối, phá chấp.
4. Diệu hạnh vô trụ: – Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát đối với pháp nên không chỗ trụ mà thực hành bố thí. Nghĩa là, chẳng trụ sắc bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp bố thí. Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng.Tại sao? Nếu Bồ Tát chẳng trụ tướng mà bố thí, phước đức đó chẳng thể nghĩ lường.- Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được chăng?- Bạch Thế Tôn, chẳng được.- Này Tu Bồ Đề! Hư không ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn hướng, trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?- Bạch Thế Tôn, chẳng được.- Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng lại chẳng thể nghĩ lường như thế.- Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát chỉ nên đúng như điều đã dạy mà trụ. Đoạn văn nói về bố thí không trụ vào hình tướng.
5. Thật thấy đúng như lý: – Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy thân tướng mà thấy Như Lai chăng?- Bạch Thế Tôn, chẳng được. Chẳng thể do thân tướng mà thấy được Như Lai. Tại sao? Thân tướng mà Như Lai nói đó, tức chẳng phải thân tướng. Phật bảo Tu Bồ Đề: – Hễ cái gì có tướng đều là hư dối. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, liền thấy Như Lai.
6. Chánh Tín ít có:Tu Bồ Đề bạch Phật:- Bạch Thế Tôn! Có chúng sanh nào nghe được những lời lẽ, nghĩa lý rõ ràng như thế, sanh lòng tin chân thật chăng?Phật bảo Tu Bồ Đề:- Chớ nói lời ấy! Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, có người trì giới, tu phước, đối với nghĩa lý này hay sanh lòng tin, cho những điều đó là thật; phải biết người ấy chẳng ở một Đức Phật, hai Đức Phật, ba, bốn, năm Đức Phật gieo trồng căn lành, mà đã ở chỗ vô lượng, ngàn vạn Đức Phật gieo trồng các căn lành. Người nghe nghĩa lý này, cho đến chỉ một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, Tu Bồ Đề, Như Lai thảy biết hết, thấy hết, những chúng sanh đó được vô lượng phước đức như thế. Tại sao? Vì những chúng sanh ấy không còn tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng sanh, tướng Thọ giả, không tướng pháp cũng không tướng phi pháp. Tại sao? Những chúng sanh ấy, nếu tâm chấp lấy tướng ắt là dính mắc Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả. Nếu chấp lấy tướng pháp ắt dính Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả.Tại sao? Nếu chấp lấy tướng phi pháp tức dính Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả. Vì vậy, chẳng nên chấp lấy pháp, chẳng nên chấp lấy phi pháp. Do nghĩa đó nên Như Lai thường nói: Tỳ kheo các ông hãy biết Ta nói pháp như dụ chiếc bè, pháp còn phải bỏ, huống nữa phi pháp.
7. Không được, không nói: – Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng? Như Lai có pháp để nói chăng? Tu Bồ Đề thưa:- Theo con hiểu về nghĩa Phật đã nói thì không có pháp cố định gọi là Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng không có pháp cố định Như Lai có thể nói. Tại sao? Pháp do Như Lai nói đều chẳng thể chấp lấy, chẳng thể nói, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Tất cả Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai khác.
10. Trang nghiêm tịnh độ: Thị cố Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát Ma-ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”: Phật bảo Tu Bồ Đề:- Ý ông nghĩ sao? Trước kia Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, đối với pháp có chỗ được chăng? – Bạch Thế Tôn, không thể. Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, đối với pháp thật không chỗ được. Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Bồ Tát trang nghiêm Phật độ chăng? – Bạch Thế Tôn, không được. Tại sao? Trang nghiêm Phật độ, tức chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm. Vì vậy, Tu Bồ Đề! Các vị Bồ Tát Lớn nên như vầy mà sanh tâm thanh tịnh: chẳng nên trụ sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ thanh hương vị xúc pháp mà sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm ấy. – Tu Bồ Đề! Ví như có người, thân như núi chúa Tu Di, ý ông nghĩ sao? Thân đó to lớn chăng?- Tu Bồ Đề thưa:- Bạch Thế Tôn, rất to lớn. Tại sao? Phật nói chẳng phải thân, đó gọi là thân to lớn. Theo HT Thich Thanh Tu Phat Nhien Dang nhu sau: Trang nghiêm tịnh độ tức nói về Bồ tát trên đường đến Phật quả, các Ngài thường trang nghiêm Phật độ để khi thành Phật được cõi nước tương ứng. Ở đây có mấy đoạn, đoạn đầu Phật nói về thọ ký mà không có chỗ được, tức Phật nhắc lại trước kia Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng đối với pháp có chỗ được chăng? Tu Bồ Đề đáp: “Không thể được”. Ở đây phá cái nghi về thọ ký, vì ở trước nói không có quả Phật thật để thành, không có quả Vô Thượng chánh đẳng chánh giác. Vậy Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng được thọ ký cái gì? Nên có chỗ nghi, mà cũng có chỗ liên hệ đặc biệt với thiền tông. Thiền tông cũng có ấn chứng, còn ở đây gọi là thọ ký. Trước khi vào đoạn này, xin nhắc lại đoạn nhân duyên về Đức Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng được thọ ký, là lúc Đức Phật Thích Ca còn trong hàng Bồ tát, thuộc về Bồ tát Bát Địa, Ngài đã vượt qua hai A tăng kỳ kiếp, mãn A tăng kỳ kiếp thứ hai. Bởi trong giáo lý nói thành Phật phải trải qua ba vô số kiếp. Thứ nhất từ phàm phu phát tâm rồi trải qua Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, tới Tứ gia hạnh là qua một A tăng kỳ kiếp; rồi từ sơ địa đến Bát địa là một A tăng kỳ kiếp nữa. Ở đây Ngài tới Bát Địa là sắp mãn hết A tăng kỳ kiếp thứ hai, lúc này Ngài sanh ra trong thế gian, thời đó có một vị tiên nhơn đạo hạnh rất cao, nổi tiếng trong nước, còn Ngài là Đồng tử Thiện Huệ, vị đồng tử Thiện Huệ này tìm đến vị tiên nhân học đạo, nhưng do chủng duyên sâu dày là Bồ tát Bát địa, mới học thời gian ngắn là học xong hết, thầy không còn gì để dạy, nên Ngài từ giã thầy xuống núi. Vị tiên nhân mới bảo: “- Hiện nay bao nhiêu pháp gì cần dạy ta đã dạy cho ông hết rồi, bây giờ phải dùng năm trăm đồng tiền vàng để đền ơn trở lại, đây là thông lệ chung”. Tức học xong phải đóng năm trăm tiền vàng. Đồng tử Thiện Huệ mới thưa: “- Nay con không có tiền, xin thầy đợi cho con thời gian, con xuống núi đi hóa duyên rồi trở lại đền đáp thầy”. Ngài đi xuống núi, gặp trong nước ông vua này cũng mến mộ Phật pháp, đang mở hội bố thí vô già, vô già là không có ngăn, ai tới xin gì thì cho hết, cho thoải mái. Đồng Tử Thiện Huệ này đến đó xin năm trăm tiền vàng, ông vua hỏi lý do, ngài cũng nói rõ là xin để về đền đáp Thầy, ông vua thấy được tấm lòng tốt vì đạo nên cũng cho liền. Nhưng khi lấy ra rồi thì Đồng tử Thiện Huệ nghe nói hiện nay có Đức Phật ra đời hiệu là Nhiên Đăng đang ở trong nước, do có túc duyên lâu đời nên khi nghe đến Phật thì bên trong có một cái gì thúc đẩy, thay vì đem năm trăm tiền vàng trở về núi để dâng lên thầy, Ngài liền đổi ý đến gặp Phật. Trước khi đến gặp Phật, ngài bèn nghĩ mua hoa đến dâng Phật cúng đường, nhưng lại gặp ngày này ông vua ra lệnh ở trong thành có bao nhiêu hoa thì ông mua hết không cho bán ra ngoài, ông cũng mua đem cúng Phật. Kiếm hoài không có hoa, ngài bèn gặp một cô cung nữ tên là Thủ Ý cầm bảy cành hoa sen xanh rất là quí, ngài nói tôi muốn mua đem về cúng Phật để tỏ lòng thành kính của tôi dâng lên Phật nhưng kiếm hoài mà không được, cô có bảy cành hoa đây, tôi có năm trăm tiền vàng này xin đưa cô hết, nhưng tôi chỉ lấy năm cành thôi. Cô cung nữ nói: đây là những cành hoa của hoàng cung không thể bán, song thấy tâm thành của anh tôi cũng cảm xúc, thôi tôi biếu anh năm cành đem dâng lên Phật, còn hai cành tôi gởi lên cúng dường dùm tôi. Vì theo lệ thì cung nữ đâu được đi đến gặp Phật. Đồng Tử Thiện Huệ bèn cầm bảy cành hoa đó đi đến dâng Phật, từ xa thấy Phật ngài dùng những cành hoa đó tung lên trời gọi là tán hoa cúng dường. Khi ngài tung lên, ngài phát nguyện: “làm sao cho những cánh hoa này tỏa ra thành cái lộng che theo Phật đi trên đường”. Do túc duyên của ngài là Bồ tát bát địa nên nguyện lực được như ý, khi tung lên hoa biến thành cái lộng, che Phật đi trên đường. Khi Phật sắp đi tới ngài liền quỳ xuống đảnh lễ thì thấy trước chỗ Phật đi tới, có một khoảng đất còn bùn dơ, Ngài cởi áo ra che hết khoảng đất đó để Phật đi qua cho sạch, nhưng che rồi vẫn còn một chỗ sót lại che không hết, mà Phật thì sắp đi tới rồi, làm sao đây? Cho nên ngài mới xõa tóc phủ hết chỗ đất dơ đó để Phật đi qua. Nếu mình đã làm được chưa? Cho thấy người xưa quên mình vì đạo, không còn nhớ tới cái ngã này chút nào hết, chúng ta thì cái đầu này là quý dễ gì làm được như vậy! Ở đây ngài sẵn sàng làm không suy nghĩ gì, lúc đó mà còn suy nghĩ thì không thực tâm, tức là suy nghĩ nên hay không nên thì cái đó cũng còn vướng, với ngài thấy là làm liền không có một chút suy nghĩ gì trong lòng hết, thực sự quên ngã. Trong tâm Ngài nguyện thỉnh Phật đi qua để cho sạch chân Phật, và nguyện cho nghiệp chướng mình được sớm tiêu trừ. Đức Phật cũng biết được tâm nguyện của Ngài nên Phật bước đi qua trên tóc đó. Khi Phật đi qua rồi thì Ngài thấy lòng nhẹ nhàng sung sướng, coi như nguyện mình đã thành tựu. Sau đó, Phật thọ ký là: Ông sau này, trải qua 91 kiếp thì sẽ thành Phật ở tại cõi Ta Bà này, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Có chỗ khác ghi Thích Ca Văn – đó là câu chuyện mà Phật Thích Ca được thọ ký. Như vậy thọ ký là thọ ký cái gì? Câu chuyện khai triển ra còn nhiều ý nghĩa, trong kinh chỉ nhắm thẳng vào thọ ký. Ở đây nói thêm những ý nghĩa sâu xa trong câu chuyện: Thứ nhất, thường thì đầu là quý nhất của con người, quỳ xuống lạy ai là đã thấp mình cúi đầu, còn mấy vị hơi cao mạn, dễ cúi đầu trước người khác không? Nhất là bên trong có một sự nghiệp gì, gặp người khác thì khó mà cúi đầu, “ổng cũng như mình vậy thôi cũng là người có gì mà cúi đầu”. Như Ngài Pháp Đạt tụng ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, trong này đã dấy một bụng sự nghiệp rồi nên khó mà cúi đầu sát đất, còn ngài Thiện Huệ trải tóc cho người khác đi qua thì thấy quên ngã đến mức nào, cho thấy tinh thần quên mình vì đạo không nhớ tới cái ngã. Điểm thứ hai là, mãn vô số kiếp thứ hai, còn một vô số kiếp nữa mới thành Phật hoàn toàn, nhưng ở đây do quá tinh tấn nên Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký qua 91 kiếp, vậy là rút ngắn thời gian lại. Đáng lẽ một vô số kiếp, đây rút ngắn thời gian lại còn 91 kiếp. Cho thấy, tâm thanh tịnh rồi thì thời gian không còn làm vướng bận, thời gian không còn là vấn đề nữa; nhất là ai có kinh nghiệm tu thiền thì thấy rõ, lúc mới tập ngồi thiền thì một tiếng đồng hồ thấy bằng mấy tiếng, như sức mình ngồi nửa tiếng thì mười lăm phút sau là đau chân, ngồi mà cứ trông cho hết giờ để xả, nên mười lăm phút đó bằng cả ngày. Trái lại, trường hợp ngồi đã thuần, tâm yên thì ngồi hai tiếng đồng hồ mà thấy như mới ngồi chút xíu vậy thôi. Vậy tâm yên lặng thanh tịnh rồi thì thời gian không còn cố định, thấy thời gian không thật, do tâm tưởng của con người thôi. Hiểu như vậy, khi tâm thanh tịnh rồi thì vượt qua thời gian không còn bị chi phối nữa, mới thấy rõ thời gian do khái niệm con người đặt ra để làm việc với nhau, không cố định. Chúng ta ở trong thế giới này thì tạm đặt ra một ngày có mấy giờ, để ứng dụng sống với nhau, chứ lúc khai thiên lập địa có tính hai mươi bốn giờ gì đâu, chỉ sau này người ta đặt ra. Như ở quả địa cầu này, nó quay khoảng một vòng của nó thì tính một ngày; nhưng qua mộc tinh, thổ tinh thì tính khác, thành ra thời gian không cố định, khi tâm này thanh tịnh thì vượt qua thời gian. Trong nhà thiền thường nói một niệm muôn năm, một niệm mà vượt qua cả muôn năm. Bởi vậy trong kinh Pháp Hoa phẩm Thọ ký, vị nào cũng được thọ ký bao nhiêu tiểu kiếp mới thành Phật mà các vị vẫn vui mừng, vì các Ngài thấy được cái thật nơi mình, chỉ còn sống được trọn vẹn vậy thôi, nên thời gian thọ ký thành Phật bao nhiêu, thì các Ngài thấy không thành vấn đề. Nếu chúng ta dù cho được thọ ký như vậy chắc cũng không vui lắm, thọ ký hai ba đời thành Phật chắc còn vui mừng, thọ ký bao nhiêu tiểu kiếp, tính thời gian chắc chúng ta tưởng tượng không ra nổi, vậy biết bao giờ mới thành Phật? Nhưng các Ngài ai được thọ ký cũng đều vui mừng hớn hở, bởi vì các vị đã thấy rõ được cái thật nơi mình, mà cái đó vượt ngoài thời gian chỉ còn sống được trọn vẹn với nó thôi, thời gian không bận lòng. Đó là nói xa một chút, bây giờ nói thẳng vào kinh. Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Đức Phật Thích Ca, lúc đó Ngài còn là đồng tử Thiện Huệ, sau này sẽ thành Phật; vậy thọ ký đó là Phật Thích Ca được gì? Phật Nhiên Đăng đem cái gì để thọ ký? Chỗ này nhiều người nghe tới, chắc tưởng tượng Phật Nhiên Đăng trao cho cái gì đó, nên sau này mới thành Phật! Có một pháp gì đó đặc biệt mà Ngài không nói được! Chỗ đó dễ bị lầm! Sau này, trong nhà thiền cũng nói là ấn tâm, hoặc ấn chứng, thầy ấn chứng cho trò khi trò có những cảm ngộ trình lên thầy, với người ngoài không ở trong cảm ngộ đó cũng nghi ngờ, không biết thầy trò ấn chứng cái gì trong đó? Đôi khi còn vẽ vời thêm cho kỳ lạ, nhưng sự thật hai chỗ thấy của thầy trò tương ứng nhau thì gọi là ấn chứng thôi. Tức là chỗ thấy của trò tương ứng với chỗ thấy của thầy thì được thầy chứng nhận “cái thấy của ông là đúng”, vậy là ấn chứng. Ở đây cũng vậy, chỗ thấy được của Ngài tương ứng chỗ thấy của Phật Nhiên Đăng, thì thọ ký sau thành Phật, chứ không phải đem một cái gì cho, rồi được một cái gì đó.
17. Rốt ráo vô ngã : Bấy giờ Tu Bồ Đề bạch Phật:- Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, kẻ thiện nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, làm sao nên trụ? Làm sao hàng phục tâm mình? Phật bảo Tu Bồ Đề:
– Người thiện nam, kẻ thiện nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác phải sanh tâm như vầy: “Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi, mà không có một chúng sanh thật diệt độ”. Tại sao? Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ắt chẳng phải Bồ Tát. Vì cớ sao? Tu Bồ Đề! Thật không có pháp phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có pháp được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng? – Bạch Thế Tôn, không được. Theo chỗ con hiểu về nghĩa Phật đã nói, thì Phật ở chỗ Phật Nhiên Đăng không có pháp được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.Phật bảo:- Đúng thế! Đúng thế! Tu Bồ Đề! Thật không có pháp Như Lai được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề! Nếu có pháp Như Lai được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật Nhiên Đăng ắt chẳng thọ ký cho ta: “Ông ở đời sau sẽ làm Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni.” Do thật không có pháp được Vô Thượng Chánh Đẳng Cháng Giác, vì vậy Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta, nói lời thế này: “Ông về sau sẽ làm Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni”. Tạo sao? Như Lai, tức nghĩa Như của các pháp. Nếu có người nói, Như Lai được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề, thật không có pháp Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh. Tu Bồ Đề! Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh mà Như Lai đã được, trong đó không thật không hư. Vì vậy, Như Lai nói: tất cả pháp đều là Phật pháp. Tu Bồ Đề! Nói tất cả pháp đó, tức chẳng phải tất cả pháp, thế nên gọi tất cả pháp. Tu Bồ Đề! Ví như thân người cao lớn.Tu Bồ Đề thưa: – Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người cao lớn, tức chẳng phải thân lớn, đó gọi là thân lớn. – Này Tu Bồ Đề! Bồ tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: “Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh”, ắt chẳng gọi là Bồ Tát. Tại sao? Tu Bồ Đề! Thật không có pháp gọi là Bồ Tát. Thế nên Phật nói tất cả pháp không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả. – Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát nói lời thế này. “Ta sẽ trang nghiêm cõi Phật”, chẳng gọi đó là Bồ Tát. Tại sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải trang nghiêm, gọi đó là trang nghiêm. Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai nói đó, thật là Bồ Tát.
21. Chẳng phải thuyết, sở thuyết: – Này Tu Bồ Đề! Ông chớ cho là Như Lai khởi niệm như thế này: “Ta sẽ có pháp để nói”. Chớ khởi niệm ấy. Tại sao? Nếu người nói Như Lai có pháp để nói, tức là chê bai Phật, vì chẳng hiểu được pháp của ta nói. Này Tu Bồ Đề! Nói pháp là không pháp có thể nói, đó gọi là nói pháp.Bấy giờ Huệ Mạng Tu Bồ Đề bạch Phật:- Bạch Thế Tôn! Có chúng sanh nào ở đời vị lai nghe nói pháp như thế sanh lòng tin chăng ?Phật bảo:- Này Tu Bồ Đề! Họ chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chẳng chúng sanh. Tại sao? Tu Bồ Đề! Chúng sanh chúng sanh đó, Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, đó gọi là chúng sanh.
25. Giáo hóa không chỗ giáo hóa: Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Các ông cho rằng, Như Lai khởi niệm thế này: “Ta phải độ chúng sanh”. Tu Bồ Đề ! Chớ khởi niệm ấy. Tại sao? Thật không có chúng sanh Như Lai độ cho. Nếu có chúng sanh Như Lai độ cho, Như lai liền có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Tu Bồ Đề! Như lai nói có ngã tức chẳng phải có ngã, mà người phàm phu cho là có ngã. Tu Bồ Đề! Phàm phu, Như Lai nói tức chẳng phải phàm phu, đó là phàm phu.
26. Pháp thân chẳng phải tướng: Này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Có thể lấy 32 tướng mà quán Như Lai chăng? Tu Bồ Đề thưa: – Đúng thế! Đúng thế! Lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.Phật bảo:
– Này Tu Bồ Đề! Nếu lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như Lai.Tu Bồ Đề bạch Phật:- Bạch Thế Tôn! Theo chỗ con hiểu về nghĩa Phật nói, chẳng nên lấy tướng ba mươi hai mà quán Như Lai. Sau đó Thế Tôn nói kệ:
Nếu lấy sắc thấy ta.
Lấy âm thanh cầu ta.
Người ấy đi đường tà,
Chẳng thể thấy Như Lai.
30. Lý nhất hợp tướng: – Này Tu Bồ Đề! Nếu người thiện nam, kẻ thiện nữ đem thế giới tam thiên đại thiên đập nát thành bụi nhỏ, ý ông nghĩ sao? Nhóm bụi nhỏ đó có phải nhiều chăng? Tu Bồ Đề thưa:
– Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Tại sao? Nếu nhóm bụi nhỏ đó là thật có, Phật ắt chẳng nói là nhóm bụi nhỏ. Vì cớ sao? Phật nói nhóm bụi nhỏ, tức chẳng phải nhóm bụi nhỏ, đó gọi là nhóm bụi nhỏ.Thế Tôn! Như Lai đã nói thế giới tam thiên đại thiên, tức chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới. Tại sao? Nếu thế giới thật có, tức là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng, tức chẳng phải một hợp tướng, đó gọi là một hợp tướng. Tu Bồ Đề! Một hợp tướng đó, tức chẳng thể nói, nhưng người phàm phu tham trước việc ấy.
32. Ứng hóa chẳng phải chân: Này Tu Bồ Đề! Nếu có người đem bảy báu đầy cả vô lượng vô số thế giới dùng để bố thí; nếu có người thiện nam, kẻ thiện nữ phát tâm Bồ đề, thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà diễn nói kinh này, cho đến bốn câu kệ… phước của người này hơn người bố thí kia. Làm sao vì người mà diễn nói? Chẳng chấp thủ nơi tướng, như như chẳng động. Tại sao?
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng.
Như sương cũng như chớp,
Nên khởi quán như thế.
Phật nói kinh này xong, Trưởng lãoTu Bồ Đề và các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, tất cả trời, người, A tu la ở thế gian nghe lời Phật nói đều rất vui mừng, tin nhận vâng làm.
*Tóm lại kinh Kim cang dạy chúng ta điều gì?
-Lìa tướng tức giác.
-Bồ Tát bố thí mà còn phân biệt 4 tướng là ngã, nhân, chúng sanh va thọ giã thì không phải là Bồ Tát.
-Pháp như chiếc bè đi qua sông thì phải bỏ, không có pháp gì để thuyết mới thật là thuyết pháp.
-Ưng vô sở trụ nhân sanh kỳ tâm, không bám không trụ vào bất cứ nơi đâu.
-Các pháp như mộng huyễn, không thật, ảo giác như bọt nước, như điện chớp, như ánh mặt trăng trên hồ nước. Tất cả là Không.
III. Tôi học kinh Kim Cang
Phật dạy căn nhà lửa cháy của tham sân si cần chạy ra khỏi thì có người mê sắc dục thì Phật giảng chấp thật là Nguyên thủy. Có người ham mê danh vọng, cái tôi to lớn thì Phật giảng chấp giả là kinh Kim Cang. Đây là Phương pháp từ chối, phá chấp hay triết học tìm về bản chất bản tánh. Kinh Kim cang có 32 phẩm chung qui lại chỉ nói những điều từ chối, có khi từ chối một lần, có khi từ chối hai lần: bất bất, phi phi, vô vô..thì mới đến khẳng định. Hai lần không mới thực là có. Một hôm có đông quần chúng trên 10000 người qui tụ chờ Phật giảng. Phật bảo Xá Lợi Phất hãy ra giảng pháp cho quần chúng. Xá Lợi Phất bảo: Bạch thế tôn, thế tôn dạy con không có pháp gì để giảng, mới là giảng pháp , sao thế tôn bảo con ra giảng pháp cho quần chúng được? Phật trả lời: chính vì chúng sanh vô minh nên có pháp để ông ra giảng pháp mới đúng là giảng pháp. Kinh Kim cang đại loại nói như thế. Vì vô minh nên chúng sanh cho pháp có thật, các pháp là thật nên Xá Lợi Phất có nhiệm vụ ra thuyết pháp đó cho chúng sanh biết nó là giã, là không có pháp vì pháp đó do mắt chúng ta nhìn hình tướng rồi đặt cho nó cái tên và cho nó hiện hữu trong thức của ta. Hình tướng là cái óc phân tích não bộ của chúng ta gán cho chúng mà có, chứ thật tướng của chúng là như thị, không do cái ngã chúng ta xen vào mới thật là tướng chân thật. Qua Duy thức luận chúng ta hiểu rõ hơn về Kim cang kinh, mặc dầu Kim cang có trước khi Duy thức ra đời. Có rất nhiều người giải thích ý nghĩa của Kim cang qua sự từ chối phá chấp này cho tất cả các pháp, vì kinh này là cốt tủy của đạo Thiền tông. Mọi người nghe giảng kinh này cho rằng đạo Phật là đạo bi quan yếm thế và hư vô chủ nghĩa. Cái gì cũng đều cho là huyễn ảo không có thật. Trong khi cuộc sống chúng ta là thật, là có nhà cửa xe cộ vợ chồng, có nghề nghiệp sinh sống bịnh tử điều trị bịnh của thân. Tại sao ta không tu thân, không chấp cái thân mà cứ chạy tìm cái tánh để kiến tánh thành Phật, là điều hư vọng, hư vô yếm thế vì cho nó là huyễn ảo. Khi thân bịnh hoạn thì không chấp thật là làm sao? Khi bịnh dịch covid 19 đang lan tràn mà không chấp thật để trị liệu mà lo tìm cái bản thể cái tánh của nó làm gì? Đức Phật đi giảng 29 năm về Bát Nhã chỉ để nói lên điều huyễn ảo này. Tại sao vậy? Vì chúng sanh còn cái tôi, cái ngã cái tham về danh, dù đã xuất gia đi tu lìa ái dục dễ dàng nhưng hành giã các bậc tu hành không diệt được cái ngã, cái danh vọng và quyền uy. Phật phải giảng Kim cang Bát nhã là vậy. Triết học ngày nay luôn cho rằng các pháp vũ trụ, bao gồm hiện tượng và bản chất. Hiện tượng là có hình tướng luôn luôn thay đổi vô thường, còn bản chất là vô tướng thì không thay đổi đứng đằng sau hiện tượng. Vậy muốn tìm bản thể thì phải dẹp, quên đi hay diệt đi cái hình tướng đó mới thấy được bản chất. Mà bản thể là chân như là Tánh của hiện tượng. Đó là giác là biết, nhận biết bản tánh của hiện tượng nên đúng là lìa tướng tức giác. Bố thí của Bồ tát cũng vậy. Ba la mật bố thí là không dựa vào hình tướng là có 4 tướng: ngã nhân chúng sanh và thọ giả. Đó là tướng của tôi, tướng người đối diện, tướng của mọi người và tướng của thời gian tuổi tác của người là thọ giả. Bố thí Ba la mật là bố thí mà không cần biết người bố thí, người nhận bố thí và số vật bố thí. Tại sao vậy? Bố thí của Bồ Tát là vượt qua cái tôi, ngã của mình. Thiền tông theo kinh Kim cang là tu diệt ngã diệt cái tôi, rồi diệt tham danh là diệt chấp thật. Chúng ta có sanh ra là có óc phân biệt, phán đoán của não bộ là hình tướng của thân ta. Vậy bản tánh chân tâm phật tánh của ta nằm ở A Lại Da thức có sẵn, làm sao thấy nhận biết được? Dĩ nhiên nhận biết tánh vô tướng đó phải từ bỏ cái tướng, cái thân cái óc suy luận não bộ thì mới nhận biết Tánh như mây tan trăng tỏ. Thiền sư Suzuki gọi là thiền định là khán tâm và kiến tánh. Khán tâm là tích cực quán chiếu tìm thấy tâm, một cách tích cực của thiền chỉ và thiền quán Tứ Niệm Xứ. Còn kiến tánh là để tự nhiên không tích cực, vận dụng quán chiếu gì cả để tự nhiên óc phân biệt mờ đi, mất đi thì bản tánh tự nhiên lộ ra như mây tan trăng tỏ. Đó là thiền tông vô niệm của lục tổ Huệ Năng. Thiền tông không theo thiền định, thiền quán là ở điểm mấu chốt này. Một bên tu thiền là cố gắng chỉ định về một điểm rồi mới quán chiếu thân thọ tâm pháp để tuệ giác loé ra. Một bên thiền tự nhiên cảm nhận, từ chối phá chấp hết các pháp, các chỗ dựa bám vào, thì tánh sẽ tự nhiên lóe ra là giác. Đây là cuộc cách mạng của Lục tổ Huệ Năng đưa đến một thời rất đông người đi theo tu tập Thiền. Với quan điểm kiến tánh như vậy nên không cần học kinh Phật nhiều, vì học càng nhiều thì kiến tánh càng khó khăn vì óc phân tích của não bộ càng hoạt động nhiều. Óc phân tích não bộ là tướng là thân của ta, vậy muốn kiến tánh thấy chân tâm ta thì hãy từ bỏ hình tướng của thân ta. Lìa tướng tức giác.Việc này đúng theo câu bất lập văn tự kiến tánh thành Phật. Kinh Kim cang ảnh hưởng của Lão giáo Trung Hoa nên đưa ra luận cứ tứ cú là bất bất vô vô phi phi để khẳng định hữu là có. Rất đông người giải thích hiện tượng này của Kim cang nhưng theo khoa học phân tâm học, thì chúng ta hiểu bản thể vô tướng nằm đằng sau hiện tượng bị hiện tượng che mờ. Tìm bản chất thì phải đẹp bỏ hiện tượng đi. Nhưng khi nhận biết được bản chất rồi thì ta nên quay về hiện tượng, chấp nhận cái thực chất của hiện tượng mà kết hợp với bản chất. Bản chất thì bất động bất biến, còn hiện tượng thì biến đổi không ngừng nhưng biến đổi của chúng chỉ xoay quanh bản chất mà thôi. Chúng đổi thay nhưng không thoát ra ngoài bản thể. Thí dụ như nước là hiện tượng gồm sóng , thể lỏng, thể hơi, biến đổi liên tục nước biến thành mây bay, nhưng bản chất ướt của nó dù bất cứ hình tướng nào cũng là ướt. Áp dụng vào tu tập, chúng ta thấy tu than, tu Nguyên thủy rồi chúng ta tu tánh, tu tâm theo Kim cang đại thừa rồi sau cùng kết hợp cả hai lối tu này mà thực hành. Bắt đầu thì thiền định thiền quán Tứ niệm xứ, rồi ta tu thiền vô niệm kiến tánh sau khi khán tâm. Kiến tánh để thấy biết tánh rồi thì quay lại tu thân Nguyên thuỷ. Cứ kết hợp nhuần nhuyễn cả hai lối tu này là việc hoàn mỹ của đạo Phật. Diệt tham sân si của ái dục lẫn tham danh vọng, tham ngã chấp. Khi tu kiến tánh để cấy vào A Lại Da thức chủng tử thiện tạo nghiệp thiện, rồi kiến tánh nhờ vô niệm, làm xóa dần nghiệp kiếp trước. Xong kết hợp tu Nguyên thủy Tứ niệm xứ, diệt lậu hoặc, quán thân thọ tâm pháp để diệt lậu hoặc phiền não của thân ta, của tướng trạng ta. Như vậy thân ta tu là bảo vệ sức khỏe mạnh sống mà thiền quán. Nếu để thân ta bịnh yếu đi thì làm sao thiền kiến tánh được? Chạy theo kiến tánh mãi mà quên đi tu thân ta mạnh lành, thì làm sao tuệ giác loé ra được. Như vậy tuy quán chiếu tánh không của Bát Nhã Kim cang nhưng ta vẫn giữ: trong không có có và trong có có không. Tất cả tuỳ duyên mà bất biến. Do duyên mà có thì có sẵn không trong đó, rồi tuỳ duyên nên không có có trong đó. Không và có là hai thái cực không bền vững đứng yên nên nó di chuyển qua lại theo Trung quán luận Dịch hoá pháp. Tu theo Kim cang kinh là sao? Là diệt ngã, là phá chấp, từ bỏ mọi chấp ngã chấp pháp và chấp chứng đắc, đạt được quả vị A La hán hay Phật. Muốn vậy ta phải thiền định.Thiền định có hai cách là khán tâm hay kiến tánh. Tùy theo ta chọn một trong hai đường lối này mà tu tập. Theo thiền tông thì tu vô niệm của lục tổ Huệ Năng là kiến tánh, còn tu theo các pháp môn khác thì khán tâm. Các tông phái khác thì khán tâm trong đó Nguyên thủy dùng Tứ niệm xứ mà thiền quán thiền chỉ. Như vậy quán như huyễn ảo chỉ xảy ra trong thiền định mà thôi. Khi sống thực tế thì biết chấp thật ở hiện tượng và chấp giả ở bản thể.
Theo TT Thích Trí Huệ giảng về kinh Kim Cang: Pháp là thật tướng của vũ trụ mà Phật chỉ cho chúng ta biết chứ Phật không sáng tạo ra pháp. Ta tụng kinh Phật là mở ra tuệ giác, như Pháp Hoa kinh là Phật nói về chủng tử Phật là Phật tánh.Hoa nghiêm kinh là thế giới hoa tàng huyền môn do nhân duyên trùng trùng duyên khởi. A di Đà kinh là cảnh giới trang nghiêm thù thắng thanh tịnh, mà chúng sanh có thể về được cảnh giới đó.Dược sư kinh là cảnh giới đông phuơng cực lạc, do Phật giáo chủ 7 dược sư lưu ly cứu 7 bịnh chúng sanh. Kinh Kim cang Bát nhã là 600 quyển do Huyền Trang thỉnh về Trung Hoa gom lại thành 6 quyển rồi thành Kim cang kinh và sau cùng là 260 chữ Bát Nhã Tâm kinh. Như vậy Phật có 3 học thuyết: Phật tánh, A Di Đà, và học thuyết Tánh Không là Kim cang kinh nói về trí tuệ Bát Nhã. Kim cang là hột xoàn là đẹp, là cứng bậc nhất, là giá trị quí báo nhất để nói về tâm chúng sinh, biểu hiện nguyên lý về vũ trụ, trí tuệ Bát nhã là hiểu biết sự thật về 6 căn. Đó là 6 căn tiếp xúc 6 trần tạo 6 thức là khổ phiền não lậu hoặc. Sự thật nó là như huyễn như bào ảnh như điện chớp như hạt sương. Quán chiếu nó như thế để hiểu sự sanh diệt do duyên, đủ điều kiện duyên thì nó có, không đủ thì nó không có, trong không có có, trong có có không. Bản chất nó là không nên quán chiếu 5 uẩn cũng vậy, sự sanh diệt luân hồi và lồng vào nhau là đặc tánh của chúng. Chúng sanh mê lầm nhìn cho là có nhưng thật sự nó là không. Kim cang dạy ta phá chấp ngã là chấp về mình, về tự ngã của mình, về thuộc về mình. Kim cang dạy tất cả pháp đều là Phật pháp. Nhãn là góc nhìn về pháp nên Phật có : nhục nhãn, tuệ nhãn là phân tích hiểu biết, thiên nhãn là biết cõi trời, pháp nhãn là nhìn 5 uẩn 4 đại là sự thật, Phật nhãn là biết hết tất cả không ngăn che. Pháp được hiểu là vạn pháp, là Phật pháp lời Phật dạy, ngã pháp là cái gì thuộc về tôi, đối đãi xung quanh tôi và Pháp Dharma viết hoa là chân lý tối thượng là sự thật. Các pháp là hiện tượng nên sanh diệt vô thường nhưng bản chất là không sanh diệt. Tu tập không có chứng đắc vì Kim cang Bát nhã cho rằng chúng ta có đầy đủ lậu hoặc phiền não, nay tu tập là bỏ đi phiền não này. Bỏ đi được bao nhiêu là tu tập chứng đắc bấy nhiêu, chứ không có gì đạt được, lấy từ ngoài mang vào nên hiểu chứng đắc là từ chối. Lậu hoặc gồm có dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, ngăn che là triền cái còn trói buột là kiết sử. Tu tập là quán chiếu 5 uẩn, quán chiếu 4 niệm xứ thân thọ tâm pháp, thiền định, đoạn diệt (Nguyên Thuỷ). Giảng kinh Kim cang như được kể trên tức là không dựa vào hình tướng, không dựa vào âm thanh, phá chấp không bám không trụ, các pháp như huyễn ảo. Kim cang kinh có đoạn nói về pháp và phi pháp. Này Tu Bồ Đề, qua bên kia sông thì chiếc bè pháp cũng từ bỏ, nói gì đến phi pháp thì pháp ở đây là Phật pháp, còn phi pháp ở đây là ngã pháp. Phật dạy khi giác ngộ thì từ bỏ thì làm gì, có gì mà gọi là chứng đắc.
IV.Kết Luận
Kinh Kim cang là bộ kinh dùng trí tuệ Bát-nhã sắc bén chặt đứt sạch mọi vọng chấp (chấp ngã, chấp pháp hay chấp bốn tướng), đốn tận gốc vô minh phiền não của chúng sanh từ vô thỉ đến nay. Nên kinh này được ví như ngọc Kim cang có thể chặt đứt mọi sắt thép cứng rắn mà không bị hư hoại. Vì công năng phá chấp đặc biệt này, kinh Kim cang đã được tu sĩ cũng như giới cư sĩ, nhất là giới nghệ nhân hành trì và truyền bá rộng rãi. Kim cang lấy Tu Bồ Đề ra làm người đối thoại với Phật. Tu Bồ Đề là đệ nhất đệ tử của Phật về Không. Kim cang lấy tâm làm điểm để tu tập là hàng phục an trụ tâm. Tâm gồm vọng tâm và chân tâm. Vọng tâm là tâm dựa vào hình tướng mà hình tướng thì vô thường, thay đổi sinh diệt. Chân tâm thì không sanh diệt và bất biến thường hằng. Làm sao biết mình có chân tâm? Chân tâm Phật tánh là cơ bản có sẵn trong Tàng thức ta khi đầu thai kiếp người. Nhìn em bé mới sanh ra chưa biết gì chúng cũng có phản ứng biết thương em bé khác khi em này khóc thét lên đòi đồ chơi. Vậy cái gì làm em bé biết nhường đồ chơi cho bạn mình hết khóc? Đó là lương tâm là đạo đức tánh trong vô thức của chúng theo phân tâm học hiện đại ngày nay. Phân tâm học cho ý thức tiềm thức và vô thức như tảng băng trên biển, phần nổi là ý thức còn phần chìm là tiềm thức và vô thức. Vô thức đáy tảng băng rộng to chứa dục tánh và đạo đức tánh, với vô ký tánh không thiện không ác. Vô thức nầy kiểm soát hết hai phần còn lại. Lương tâm chính là chân tâm là Phật tánh của chúng ta. Học Phân tâm học làm bác sĩ tâm lý để chữa bịnh tâm lý cho người, là dùng tâm lý để điều khiển vô thức làm việc. Trong khi đạo Phật dùng thiền định để điều khiển an trụ tâm, điều phục tâm cũng tương tự như Phân tâm học dùng vô thức để chữa bịnh tâm lý. Một trong việc điều phục tâm an trụ tâm là thiền theo kinh Kim Cang. Lối lý luận theo kinh là lối lý luận từ chối theo tứ cú lão giáo Trung Hoa. Không phải A rồi không phải không phải A mới đích thật là chân thật A. Điều này theo lý luận phân tích thời nay là điều hư vô không tưởng. Nhưng tu theo Kim cang là thoát óc phân tích lý luận của não bộ, nên ta không thể kết luận như vậy được. Chúng ta cần biết mục đích tối hậu của Kim cang là làm cho ta từ chối và phá chấp, để cho tâm ta thuận theo tự nhiên như thị của vạn pháp mà nhận biết thật tướng của chúng. Thoát ra được khỏi cái tôi cái chấp ngã chấp pháp của chúng ta, là một điều tu tập đầy khó khăn. Đó là điều ngộ đạo cần thiết to lớn vô cùng. Tuy lý luận bất bất này nghe lập dị mâu thuẫn, nhưng cái kết mang lại thì vô cùng sâu rộng là diệt tận cùng bản ngã cái tôi, diệt tận cùng chấp pháp là tuệ giác mở rộng ra dễ dàng. Nhận biết thấy được thật tướng các pháp là đạt ngộ đạo cao nhất. Mà muốn thấy chúng thì ta phải từ bỏ cái tôi cái chấp, cái thức của Mặc Na thức gán cho chúng sự hiện hữu. Quy theo Duy thức luận, Kim cang kinh, quán chiếu của thiền định đều mang lại cùng một kết quả: giác ngộ giải thoát phiền não. Nhiều vị tu hành đã lâu diệt được ái dục, nhưng cái ngã vẫn chưa diệt được và tham danh, tham uy quyền vẫn còn nhiều, vẫn còn thích đi có người quỳ phục lạy, nói có người nghe không dám chống đối, tạo bè phái, tông phái là cá tánh độc nhất ở đông phương, thay mặt Phật mà ban phước cho chúng sanh, thì kinh Kim cang là bài thuốc trị rất hiệu quả. Thế mới hiểu tại sao khi kết luận Kim cang kinh là 4 câu kệ mà so sánh như huyễn, như mộng như ảo có đến 9 so sánh. Kim cang có câu Phật dạy khi qua sông đến nơi, thì bè là Phật pháp cũng bỏ nói chi đến phi pháp. Như vậy chưa đến nơi còn ở trên sông, thì cần có chiếc bè Phật pháp chứ. Việc này phải được hiểu rõ để cho các vị tu tập, hành giả tăng ni thường giảng chân đế coi như mình đi qua sông bên kia xong rồi, nên mang cái chân đế ra giảng.Trong khi chúng sanh đang nghe là còn ở trên sông, nên cần chiếc bè. Mình giảng mang chân đế là những cái đắc chánh giác ra mà nói, thì làm gì chúng sanh vô minh hiểu được, chỉ biết hô khẩu hiệu mà không có tu hành. Như chưa ngộ đạo mà cứ nói tánh không Phật tánh mãi làm sao ai hiểu đạo? Chưa giác mà cứ nói ra là bất nhị, là bỏ tâm phân biệt thì ai hiểu? Chưa giác mà đòi hủy bỏ tượng Phật, tượng Quan Âm đòi đốt tượng Phật, làm như ta ngộ đạo bỏ hình tướng theo kinh Kim Cang. Chưa ngộ đạo mà đòi cho tướng pháp là ảo, nhà ta ở vợ chồng con cái là huyễn ảo không thật chấp vào đó mà đòi huỷ bỏ là sao? Hiểu sai Kim cang lý luận rằng không ăn thì mới thật là ăn là làm sao? Phải diệt ngã nên không có cái gì đúng sai, mà chỉ có thiện ác, chánh tà vì đúng sai là do cái ngã ta cho ra để kết luận. Mọi hành động ta đều nhớ diệt cái tôi mỗi ngày. Sáng thức dậy đánh răng phải quán là đánh răng chứ không nói tôi đánh răng, như vậy mới diệt ngã được. Phải nhớ rằng chưa qua bên kia bờ thì chiếc bè vẫn còn cần có.Đạo Thiền tông lấy kinh Kim cang làm cốt lõi tu tập nên nhiều thiền sư sáng tác các thơ văn rất nhiều. Từ Đạo Hạnh có mấy câu thơ: Có thì có tự mẩy may. Không thì cả thế gian này cũng không. Có không như trăng nuớc. Đừng chấp có với không.
Ngài Phổ Đại Sĩ có bài kệ: Chưa có, cảnh không tâm; Từng không, tâm không cảnh.
Cảnh quên tâm tự diệt; Tâm diệt cảnh cũng không.
Trong kinh gọi thật tướng; Lời diệu lý lại sâu.
Chứng biết chỉ có Phật; Tiểu thánh dễ nhận đâu!”.
Cũng như câu thơ sau: Chư pháp tùng bản lai,Thường tự tịch diệt tướng.
Xuân đáo bách hoa khai, Hoàng oanh đề liễu thượng.
Hay câu thơ: Thấy sắc chẳng phải sắc, Nghe thinh chẳng phải thinh,
Sắc thinh đều vô ngại, Tự đến pháp vương thành. Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật!!
Quý vị xem trọn các bài viết về Dòng sông tâm thức của Cư sĩ Phổ Tấn
Tham khảo:
– Đọc và hiểu Kim Cang- Trịnh nguyên Phước- Cư sĩ Paris
– Kinh Kim cang giảng giải-HT Thích Thanh Từ- Truclambachma.net- Kinh Kim cang-Thích trí Huệ-Youtube.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.