Có những mối quan hệ đổ vỡ hết sức vô duyên vì một trong hai người “gắng nói thêm một câu”. Vì sao phải gắng nói thêm một câu, trong khi có thể chọn cách im lặng?
Người ta thường nói : Tu trăm năm mới được ngồi chung thuyền. Tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng.
Cũng vậy, mỗi ngày chúng ta có thể gặp và tiếp xúc hàng trăm người, mỗi tháng hàng ngàn người, nhưng để có thể gọi là bạn, là anh em, là tri kỉ thì có được mấy người?
Và khi xảy ra những chuyện xung đột, hay căng thẳng, chúng ta lại cố chứng tỏ mình “gắng nói thêm một câu” …
Có những thứ đổ vỡ không bao giờ hàn gắn được.
Có những thứ đổ vỡ hàn gắn được nhưng để lại tì vết.
Mỗi khi nhìn vào lại thấy tì vết lại đau.
Trong suốt thời gian đi hoằng pháp của mình, Bụt, Chúa chưa bao giờ khuyên ai phải thế này, phải thế kia.
Chúa thì kể chuyện dụ ngôn.
Bụt thì : Thế gian này có đau khổ do tham sân si mà ra, và có con đường thoát khỏi đau khổ đó là bát chánh đạo.
Chúng ta là ai? Chúng ta là ai mà khuyên người khác phải sống thế này thế khác? Và người khác có cần hay yêu cầu lời khuyên của chúng ta hay không?
Nếu mọi lời khuyên đều có giá trị ví dụ như : 10 cách để giữ bạn tình, 20 cách để giữ lửa hôn nhân, 5 cách để có tình bạn bền chặt, 7 bước để yêu thương…
thì cuộc sống con người đâu có đổ vỡ, đâu có khổ đau, đâu có thị phi …
Có rất nhiều ông bà cụ bệnh nhân hỏi mình về cách ăn cách uống và cả cách sống. Mình mỉm cười trả lời : Nếu ông bà không biết sống, không biết ăn uống ra sao … thì chẳng bao giờ tồn tại đến hôm nay, bảy tám chục tuổi mà vẫn minh mẫn đi lại và khám bệnh. Có chăng là bệnh đái tháo đường thì ăn ít đồ ngọt, tăng huyết áp thì ăn ít mặn, bệnh mỡ máu cao thì ăn ít mỡ… Chỉ vậy thôi!
Hãy nhìn xem, chẳng chiếc lá nào giống chiếc lá nào, dù chúng trên một thân cây, dù chúng đều mang màu xanh… Làm sao giống nhau được? Cuộc sống của bạn làm sao giống cuộc sống của tôi? Thuốc đó, thiền đó… có thể tốt cho bạn, không hẳn tốt cho tôi.
Một người với thể trạng và tinh thần luôn luôn vận động, đấu tranh … Mà chúng ta khuyên họ ngồi thiền, uống trà và thảnh thơi … Người đó có thể nghe chúng ta, vì ngồi yên mới nhẹ nhàng và bình tâm làm sao… Nhưng để nỗ lực đi vào thiền, nỗ lực để ngồi yên với người đó sẽ sinh ra căng thẳng đến tột cùng vì kiểu sống như thế không phù hợp.
Và ngược lại, chúng ta đến gặp thiền sư để nói rằng : Ông hãy đi ra ngoài kia, vận động, sáng tạo đi. Ngồi yên như ông, xã hội làm sao phát triển, khoa học làm sao phát triển.
Bây giờ khó khăn rồi đây… Vị thiền sư hỏi lại : Phát triển để làm gì? Chế tạo ra tên lửa, bom nguyên tử, vũ khí huỷ diệt hàng loạt để làm gì? Chúng ta lên phi cơ để du hành vào vũ trụ để làm gì?
Bởi, hãy để cho bạn, cho vợ hay chồng, cho người xung quanh sống với cách của họ. Trừ khi họ yêu cầu lời khuyên hay cách nào đó để họ sống.
Dù sự gắng nói thêm một câu, hay gắng giúp thêm một lần ấy xuất phát từ tình thương, mong muốn được hiểu được sẻ chia… Nhưng tuỳ thời điểm để nó trở nên có ý nghĩa.
Nhà đang cháy, người đang căng thẳng, chúng ta có nên đứng đó mỉm cười và nói : Tất cả đều trở về hư không, là mộng … Hãy mỉm cười đi.
Nó mới phi lý làm sao!
Sông đang mùa lũ, cây cỏ đang ngập úng, chúng ta không lội xuống ruộng thu hoạch giúp người khác thì thôi, đừng đứng ở đó tỏ vẻ thông minh, am hiểu : Tôi trải qua chuyện đó rồi. Hãy làm theo lời tôi khuyên…
Ngớ ngẩn, lố bịch.
Rồi đổ vỡ những mối quan hệ mà chúng ta đã dành nhiều tâm huyết và sức lực để gầy dựng nên.
Nói chi thêm một câu
Gieo bao nghiệp khổ đau
Có nhiều khi em ạ
Lặng im là phép mầu!
Nguồn: Facebook của bác sĩ “Vô Thường”
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.