Thiền sư Thích Nhất Hạnh có chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ và đã được nhiều tập đoàn quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ thỉnh mời hướng dẫn khóa tu. Những tập đoàn này đang kết nối sức mạnh của chánh niệm và thiền định để phát triển doanh nghiệp bền vững trong sự an lạc lành mạnh cho nhân viên, người tiêu dùng và môi trường.
Câu trả lời là: Tất cả tập đoàn này quan tâm đến giáo lý thiền sư giảng dạy để áp dụng cải thiện công ty trở nên từ bi, hiệu quả hơn. Hàng trăm ngàn đệ tử trên thế giới tuy dùng ngôn ngữ khác nhau nhưng đã dùng chung chữ “Thầy” để gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Như một dấu ấn “thực hành chánh niệm” đã bắt đầu đi vào dòng chảy xã hội, Google đã mời thầy đến hướng dẫn khóa tu trọn ngày cho nhân viên sẽ tổ chức vào cuối tháng 9 năm 2013 tại thung lũng điện tử – bang California. Ngoài ra, hơn 20 Tổng giám đốc (CEOs) của các tập đoàn công nghệ lớn sẽ gặp thầy nhằm được khai mở trí tuệ về nghệ thuật sống trong giây phút hiện tại. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, sách của thầy đã bán trên 2 triệu cuốn.
Thầy dự tính sẽ pháp đàm cùng các tổng giám đốc, giúp họ hiểu sâu xa các mối liên hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau trong đời sống, đồng thời cung cấp giải pháp chánh niệm vào công việc hàng ngày, trong thiết kế sản phẩm, trong ứng dụng công nghệ để thay đổi thế giới. Sau buổi pháp đàm sẽ là một buổi thiền hành.
Thành quả hoằng pháp của Thiền sư Nhất Hạnh đã được nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu ngưỡng mộ, công nhận trong 50 năm qua. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Jim Yong Kim nhận định: Phương pháp thực hành của thiền sư tạo niềm đam mê sâu rộng về phát triển hạnh từ bi đến người đang đau khổ.
Trong khi đó, nhà hoạt động nổi tiếng toàn cầu Martin Luther King đã đề cử thiền sư xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1967 cho những nỗ lực chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ông nói khi đề cử: “Trao giải (cho Thiền sư Nhất Hạnh) sẽ đánh thức nhân loại về vẻ đẹp của thực hành yêu thương, đem lại hòa bình. Điều này sẽ giúp làm sống lại niềm hy vọng về một trật tự mới cho công lý và hòa hợp”.
Dù tuổi đã 87, Thiền sư hiện đang hoằng pháp 3 tháng liên tục tại vùng Bắc Mỹ ngay sau chuyến hoằng pháp tại châu Á. Tăng đoàn của Thiền sư là Tăng đoàn phát triển nhanh nhất thế giới. Những khóa tu học tại Toronto (Canada), New York, Mississippi và California, mỗi nơi có sức chứa trên 1.000 người đã hết vé trong vòng vài ngày thông báo.
Nền kinh tế tham lam tiêu thụ
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cảnh báo nền văn minh nhân loại có nguy cơ sụp đổ do guồng máy kinh tế tiêu thụ làm thiệt hại môi trường và nền tảng xã hội. Thầy cung cấp giải pháp đem nguồn hạnh phúc đích thực mà chúng ta đã đánh mất vì quá tôn thờ vật chất. Phương pháp tu học dựa trên chuyển hóa khổ đau bằng cách quên đi những vết thẹo quá khứ, hoặc lo lắng ở tương lai qua việc hành thiền sống trong chánh niệm.
Thầy tin rằng để doanh nghiệp giảm thiểu tốc độ vô định của chủ nghĩa tư bản, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nhận ra lỗi cơ bản trong cách nhìn thiển cận: Lợi nhuận đồng nghĩa với thành công.
Doanh nghiệp cần thay đổi về ý thức
Tư duy doanh nghiệp cần phải thay đổi bằng cách nhận ra sự quan trọng của phối hợp đời sống tâm linh vào công việc hàng ngày. Thầy nói:
“Bạn phải xem lại quan niệm về hạnh phúc. Bạn cho rằng, hạnh phúc chỉ khi chiến thắng hoặc đang ở trên đỉnh. Thật ra không phải vậy, vì dù bạn có thành công làm ra nhiều tiền bạn cũng đau khổ. Thực tập thiền giúp bạn giảm bớt đau khổ”.
“Nhiều người trong chúng ta cho rằng sẽ có được hạnh phúc nếu bỏ mọi người vượt lên trước để thành số một. Chúng ta không cần đứng nhất để được hạnh phúc. Phải ứng dụng một phần tâm linh trong đời sống vào doanh nghiệp, nếu không chúng ta sẽ phải đối phó đau khổ tạo ra từ công việc và đời sống”.
“Thực tập thiền định sẽ giúp ích cho doanh nghiệp. Khi nhân viên hạnh phúc thì doanh nghiệp được cải thiện. Nếu doanh nghiệp làm tổn hại môi trường, thì khi hành thiền chúng ta sẽ có sáng kiến để bảo vệ thiên nhiên”.
“Ứng dụng chánh niệm vào doanh nghiệp cũng sẽ giúp nhân viên bớt ngập đầu vì công việc. Các vị lãnh đạo phải làm gương trước. Nếu lãnh đạo quá bận rộn giải quyết công việc, không còn thời gian cho gia đình thì sẽ không mấy hạnh phúc. Doanh nghiệp sẽ thành công hơn khi có những nhà lãnh đạo trầm tĩnh, hạnh phúc, tràn đầy thương yêu hiểu biết”.
Sự bùng nổ cách mạng kỹ thuật điện tử đã góp phần làm đời sống bận rộn hơn, khiến không còn thời gian nhìn lại chính mình hoặc để tạo nguồn sáng tạo. Thiền sư Nhất Hạnh chia sẻ tiếp:
“Chúng ta phải đảo ngược xu hướng này. Chúng ta phải trở về với chính mình, người thân yêu ta, trở về với thiên nhiên. Những thiết bị điện tử đã làm ta xa cách chính ta. Chúng ta đánh mất mình trong thế giới mạng (internet), kinh doanh, dự án rồi không còn thời gian cho ta. Không còn thời gian chăm sóc người thân yêu, không còn thời gian cho Mẹ Trái đất ấp ủ, chữa lành bịnh cho ta”.
Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp khó mở lòng chia sẻ những áp lực công việc, tuy nhiên nhiều vị đã trải lòng chia sẻ những điều Thiền sư quan tâm. Erin Callan, cựu Giám đốc Ngân hàng Lehman Brothers chia sẻ trên báo New York Times sau khi từ chức:
“Mỗi khi rời công sở, tôi rã rời. Tôi không còn năng lực đi tiếp. Tôi đã không biết giá trị bản thân và những gì mình đã làm. Về nhà dù là cuối tuần, nếu không ráng làm cho hết việc ở công ty thì lo sạc pin để tiếp tục cho tuần tiếp. Công việc bao giờ cũng được ưu tiên trước. Gia đình, bạn bè, hôn nhân luôn đến sau – kết quả là mất tất cả chỉ sau vài năm”.
Tuy thầy quan tâm đến tác động xấu gây ra từ công nghệ, thầy nhận ra bản chất nhị nguyên của nó có sức mạnh làm được điều tốt. Đây là lý do thầy sẽ kêu gọi các Tổng giám đốc (CEO) tập đoàn công nghệ trong buổi hội thảo sắp tới: hãy làm những phần mềm ứng dụng và công cụ giúp con người thăng bằng đời sống. Thầy đưa ra ví dụ như phần mềm giúp thư giãn mỗi khi lên cơn giận, hoặc chiếc đồng hồ đeo tay mà thầy giúp thiết kế: mỗi con số được thay bằng chữ now (hiện tại). Thầy nói:
“Chúng ta cần sự tỉnh thức. Khi nói chuyện với Google và những công ty khác, tôi sẽ kêu gọi họ biết sử dụng trí thông minh và thiện chí có sẵn để chế tạo các thiết bị giúp chúng ta trở về chính mình, chữa lành chính mình. Chúng ta không cần phải liệng bỏ những thiết bị điện tử nhưng phải biết dùng chúng cho đời sống hài hòa an lạc”.
Tập đoàn Google đã thỉnh cầu Thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng về tính sáng tạo, minh mẫn, hướng đi. Thầy nói đây là những điều khi thực tập chánh niệm sẽ mang lại hiệu quả cao. Google đã từng mời thầy vào năm 2011, kể từ đó thực hành chánh niệm đã nở rộ tại tập đoàn khổng lồ này. Rất nhiều người tham gia chương trình tu học chánh niệm “Tìm lại chính mình”. Nhiều phòng thiền đã được lập lên khắp văn phòng tập đoàn.
Thầy mỉm cười an lạc tiếp tục câu chuyện:
“Nhân viên Google muốn biết làm thế nào để chuyển hóa khổ đau như mọi người. Đa số họ là những người trẻ rất thông minh, hiểu rõ những lời pháp, thực hành rất tốt, giúp truyền bá thực tập chánh niệm, và họ có trong tay phương tiện để làm điều này hữu hiệu.
Họ sẽ được giúp để nhận thức rằng: tất cả mọi người đều muốn làm việc tốt vì mỗi chúng ta có Phật tánh trong tâm. Khi chúng ta nhìn vào con đường không cao quý, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường khác tốt đẹp hơn. Khi chúng ta nhìn vào đau khổ, chúng ta sẽ thấy phương pháp đem đến hạnh phúc. Đó là giáo lý của Bốn sự thật quý báu (Tứ diệu đế) và bạn không cần phải là Phật tử để hiểu điều này.
Xã hội chúng ta cần một sự tỉnh thức tập thể để tự cứu lấy mình trước vấn nạn đang gặp. Vì vậy, phép lạ của sự tỉnh thức cần thể hiện trong mỗi bước đi, mỗi hơi thở. Và khi chúng ta có chất liệu tỉnh thức, ta sẽ biết con đường đem đến hạnh phúc. Ta sẽ chấm dứt khổ đau và giúp người khác cũng làm như ta”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện đang hoằng pháp tại Bắc Mỹ, bao gồm những buổi diễn thuyết tại các thành phố lớn: New York, Boston, Pasadena v.v… Đồng thời thư pháp của thiền sư sẽ được triển lãm bốn tháng tại phòng thiết kế nổi tiếng ABC Store New York.
(Lược dịch theo Jo Confino: “Google Seeks out Wisdom of Zen Master Thich Nhat Hanh” – The Guardian, ngày 5-9-2013)
Theo Langmai.org
Khương Nguyễn viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Thầy đã cho con thấy được Phật Giáo nguyên thủy, dù rằng con chỉ lãnh hội 1 phần nhỏ.
Con rất ngưỡng mộ và tự hào về Thầy.
Cám ơn thầy vì tất cả.