Hành thiện đúng cách
1. Bàn luận rõ ràng về thiện:
Nếu xét một cách tinh tường mà nói, thì thiện có chân có giả, có ngay thẳng có khuất khúc, có âm dương, có phải hay chẳng phải, có thiên lệch hay chính đáng, có đầy có vơi, có tiểu có đại, có dễ hay khó, đều cần bàn luận rõ ràng.
Làm việc thiện mà không hiểu rõ đạo lý, cứ tự cho việc mình làm là hành thiện, ắt không khỏi tạo nghiệp, uổng phí mất tâm tư một cách vô ích.
Thế nào là chân thiện và giả thiện?
Xưa có một số nho sinh yết kiến Trung Phong hoà thượng (một vị cao tăng triều đại nhà Nguyên), mà hỏi: Nhà Phật bàn thiện ác báo ứng như bóng theo hình, tức làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, nay có người nọ thiện mà con cháu không được thịnh vượng, mà kẻ kia ác thì gia đình lại phát đạt, vậy là Phật nói về việc báo ứng thực vô căn cứ sao?
Hoà thượng nói: Người phàm tâm tính chưa được tẩy sạch, chưa được thanh tịnh, tuệ nhãn chưa khai, thường nhận thiện làm ác, cho ác là thiện; người như vậy không phải là hiếm có, đã tự mình lẫn lộn phải trái cho ác là thiện, cho thiện là ác, điên đảo đảo điên mà không hay lại còn oán trách trời cho báo ứng là sai, là không công bằng ư.
Bọn nho sinh lại hỏi: Mọi người thấy thiện thì cho là thiện, thấy ác thì cho là ác, sao lại bảo là lẫn lộn đảo điên vậy?
Hoà thượng bảo họ thử thí dụ xem sự tình thế nào là thiện thế nào là ác. Một người trong bọn nói: mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện.
Hoà thượng nói không nhất định là như vậy.
Một người khác cho là tham lam lấy bậy của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện.
Hoà thượng cũng bảo không nhất định là như vậy.
Mọi người đều lần lượt đưa ra thí dụ về thiện và ác, nhưng Trung Phong hoà thượng đều bảo là không nhất định là như vậy.
Nhân thế bọn họ đều thỉnh hoà thượng giảng giải cho.
2. Định nghĩa chữ thiện
Hoà thượng Trung Phong chỉ dạy rằng: Giúp ích người gọi là thiện, chỉ vì ích mình gọi là ác. Vì giúp ích người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì ích mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác.
(1). Vì vậy người làm thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi mình ấy là tư, mà tư tức là giả.
Lại việc thiện tự lòng phát ra là chân, tập theo thói cũ là giả, không trước tướng mà làm chân, trước tướng mà làm giả…
Lại nữa làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là chân thiện, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là giả thiện. Hơn nữa hành thiện mà không nghĩ đến một sự báo đáp nào cả là chân thiện, trái lại còn hy vọng có sự đền đáp là giả thiện, đó là những điều tự mình cần khảo sát kỹ lưỡng.
Thế nào là âm thiện, dương thiện?
Phàm làm việc lành mà người ngoài biết được là dương thiện, làm việc lành mà người ngoài không biết được là âm đức. Âm đức được phúc báo, dương thiện hưởng danh thơm. Nhưng danh thơm thường là điều đáng húy kỵ vì xưa nay biết bao nhiêu người vì háo danh thành thử bị danh làm hại, lâm vào cảnh tai họa, ngược lại những người không tội lỗi mà cứ bị thiên hạ chê oan, thì lắm lúc con cháu họ được phát đạt.
Cái lẽ âm dương như thế, phải để tâm nhiều mới hiểu hết.
Thế nào là phải và chẳng phải ?
Nước Lỗ xưa có luật người Lỗ nào chuộc được người bị bắt làm kẻ hầu hạ ở nước khác về thì được quan phủ thưởng tiền. Tử Cống (học trò đức Khổng Tử tên là Tứ) chuộc người về mà không nhận tiền thưởng.
Đức Khổng nghe biết lấy làm buồn phiền mà bảo rằng: Tứ làm việc thất sách rồi. Ôi thánh nhân xử sự nhất cử nhất động có thể cải sửa phong tục thay đổi tập quán, làm gương mẫu cho bách tính noi theo, chẳng phải cứ nhiệm ý làm những việc thích hợp với riêng mình.
Nay nước Lỗ người giàu thì ít người nghèo thì nhiều,nếu nhận thưởng cho là tham tiền là không liêm khiết còn không lãnh thưởng thì người nghèo sao có tiền tiếp tục chuộc người? Từ nay về sau chắc không ai chuộc người ở các nước chư hầu về nữa.
Tử Lộ (tên Do, học trò đức Khổng) cứu người khỏi chết đuối, được tạ ân một con trâu, Tử Lộ nhận lãnh. Khổng Tử hay chuyện hoan hỷ bảo rằng:Từ nay về sau ở nước Lỗ sẽ có nhiều người lo cấp cứu kẻ chết đuối.
Cứ lấy mắt thường tình mà xem, việc Tử Cống không nhận tiền bồi thường là cao quí, Tử Lộ nhận trâu là thấp hèn, nhưng Ðức Khổng Tử lại khen Tử Lộ mà chê Tử Cống.
Vậy nên biết người không nên chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà cần xét xem hành động đó có ảnh hưởng tệ hại gì về sau nầy không.
Không nên bàn tới lợi ích nhất thời ở đời nầy mà phải nghĩ tới tương lai xa, mà cũng chẳng nên chỉ nghĩ riêng cho cá nhân mình mà phải nghĩ cho cả thiên hạ đại chúng nữa.
Việc làm hiện nay tuy bề ngoài là thiện nhưng trong tương lai lại di hại cho người, thì thiện mà thực chẳng phải thiện.
Còn việc làm hiện thời tuy chẳng phải thiện nhưng về sau nầy lại có lợi ích cứu giúp người thì tuy ngày nay chẳng phải thiện mà chính thực là thiện vậy.
Ở đời có nhiều sự tình tương tự,chẳng hạn như tưởng là hợp lễ nghĩa, là có trung tín, từ tâm mà thực ra lại trái lễ nghĩa, không phải trung tín hay từ tâm, đều phải quyết đoán chọn lựa kỹ càng.
Thế nào là thiên lệch và chính đáng?
Xưa ông Lã Văn Ý, lúc mới từ chức tể tướng , cáo lão về quê, dân chúng 4 phương đến nghênh đón như thái sơn bắc đẩu. Nhưng có một người làng say rượu mạ lỵ ông. Lã công điềm nhiên bất động bảo gia nhân: kẻ say chẳng chấp làm gì , đóng cửa lại mặc kệ hắn.
Qua một năm sau, người đó phạm tội bị tử hình. Lã công hay biết sự tình mới hối hận rằng: giá mà ngày ấy ta bắt hắn đưa quan nha xử phạt thì hắn có thể bị phạt một tội nhẹ mà tránh khỏi phạm trọng tội về sau.
Ta lúc đó chỉ muốn giữ lòng nhân hậu tha thứ cho hắn, không ngờ hóa ra nuôi dưỡng tính ngông cuồng của hắn để phạm tội tử hình như ngày nay vậy.
Đó là một sự việc do lòng thiện hóa ra làm ác. Cho hay có khi tâm lành mà hành sự lại ác, có khi tâm ác mà hành sự lại lành.
Thế nào là đầy và vơi (bán và mãn)
Kinh dịch nói việc thiện mà không tích lũy cho nhiều không đủ để được danh thơm tiếng tốt, việc ác mà không đọng lại nhiều chẳng đủ để mang họa sát thân.
Kinh thư có nói nhà Thương tội ác quá nhiều như nước vỡ bờ vì thế mà Trụ Vương bị diệt. Việc tích thiện cũng như lưu trữ vật dụng, nếu chăm chỉ cất giữ ắt sẽ đầy kho, còn biếng nhác không chịu tích lại thi vơi chứ không đầy. Chuyện làm thiện được đầy hay vơi bán hay mãn là vậy.
Xưa có một nữ thí chủ vào chùa lễ Phật, muốn cúng dường nhưng lại nghèo, trong túi chỉ còn hai đồng, đem cả ra để cúng.
Vị trụ trì đích thân làm lễ bái sám hồi hướng cho. Sau nữ nhân đó được tuyển vào cung, tiền tài phú quý có thừa, đến chùa lễ Phật đem cả ngàn lượng bạc cúng dường. Hòa thượng trụ trì chỉ sai đồ đệ thay mình làm lễ hồi hướng mà thôi. Nữ thí chủ nọ thấy vậy liền hỏi: Trước đây tôi chỉ cúng dường có hai đồng mà phương trượng đích thân làm lễ bái sám hồi hướng cho, nay cúng cả ngàn lượng bạc mà ngài không tự mình làm lễ là sao vậy?
Vị hoà thượng đáp: Trước kia tiền bố thí quả thật ít ỏi nhưng xuất phát từ tấm lòng thật chân thành, nếu bần tăng không đích thân làm lễ thì không đủ báo đáp được ân đức ấy. Nay tiền cúng dường tuy nhiều nhưng tâm bố thí thì không được chí thành như trước, nên bảo đồ đệ thay bần tăng làm lễ cũng đủ.
Với lòng chí thành bố thí cúng dường chỉ hai đồng mà việc thiện được viên mãn, còn bố thí cả ngàn lượng bạc mà lòng không được chí thiết thì công đức đó chỉ được bán phần mà thôi.
Chung Ly Quyền chỉ dạy cho Lã Đồng Tân cách luyện đan điểm sắt thành vàng có thể đem dùng để cứu giúp người đời.
Lã Đồng Tân hỏi rằng vàng đó sau có thể biến chất không?
Chung Ly Quyền bảo 500 năm sau vàng đó sẽ trở về nguyên bản chất là sắt, thì họ Lã nói: Như vậy sẽ gia hại cho người đời 500 năm về sau, ta chẳng học phép ấy làm gì.
Chung Ly Quyền bảo:Muốn tu tiên cần tích lũy công đức 3000 điều, nhưng chỉ một lời của nhà ngươi nói đó cũng đủ mãn 3000 công đức rồi.
Đây lại thêm một thuyết nữa về đầy vơi hay bán mãn vậy.
Lại làm lành mà tâm không chấp trước thì mỗi việc đều được viên mãn, trái lại tuy làm suốt đời mà việc lành cũng chỉ có được một nửa.
Ví như đem của giúp người mà trong không thấy mình giúp, ngoài không thấy người nhận, trung gian không thấy vật đem giúp thì được gọi là bố thí tam luân không tịch hay nhất tâm thanh tịnh.
Bố thí như vậy, dù một lon gạo cũng có thể gây vô lượng phước, một đồng bạc có thể tiêu ngàn kiếp tội. Nhược bằng tâm khư khư chấp trước, thời tuy bố thí cả thoi vàng, phước đức cũng chỉ có được một nửa.
Ðây lại một cách xét việc lành đầy, lưng, nửa, toàn vậy.
Thế nào là đại và tiểu?
Xưa Vệ Trọng Đạt, một quan chức ở Hàn lâm viện bị nhiếp hồn đưa xuống âm phủ. Diêm vương sai các phán quan trình những cuốn sổ ghi điều thiện và ác ra để xét. Nếu đem so sánh thì những sổ ghi điều ác chất đầy một đống còn sổ ghi điều thiện có mỗi quyển mỏng dính.
Diêm Vương cho đem lên bàn cân thì bên một cuốn sổ mỏng dính kia lại nặng hơn tất cả các cuốn ghi điều ác cộng lại.
Trọng Đạt nhân thế mới hỏi: Năm nay tôi mới chưa đến 40 tuổi đời mà sao tội lỗi lại có thể nhiều đến thế? Diêm Vương bảo: Mỗi một niệm ác kể là một tội không cần đợi đến lúc có thực sự phạm phải hay không.
Trọng Đạt lại hỏi trong cuốn sổ mỏng kia có ghi việc thiện gì vậy.
Diêm Vương bảo: triều đình đã từng dự tính khởi đại công tác tu sửa cầu đá ở Tam Sơn, nhà ngươi dâng sớ can gián, sớ văn đó có ghi chép vào sổ vậy. Trọng Đạt thưa: Bản chức tuy có dâng sớ,nhưng triều đình không y theo lời tấu trình, thì sự việc đâu có ích gì? Thì Diêm Vương lại bảo cho hay là tuy triều đình không y theo lời tấu, nhưng một niệm thiện đó của nhà người là vì lợi ích của toàn dân muốn cho họ khỏi bị đi lao công vất vả, khỏi bị sưu cao thuế nặng, nếu mà lời tấu trình được triều đình y theo thì công đức nhà người thật vô cùng lớn lao. Cho nên nếu có chí nguyện làm việc lợi ích cho quốc gia thiên hạ , cho đại chúng thì tuy việc làm đó có nhỏ mà công đức lại lớn, còn nếu chỉ nghĩ làm lợi riêng cho thân mình thì tuy có làm nhiều mà công đức lại nhỏ vậy.
Thế nào là khó và dễ?
Các vị tiên nho xưa có nói muốn khắc phục mình, muốn thắng được tâm mình thì nên bắt đầu từ chỗ khó khắc phục mà khởi tâm trước.
Đức Khổng Tử bàn về nhân ái cũng nói bắt đầu từ chỗ khó mà thi hành trước, tức là từ chỗ phải thắng được lòng mình vậy, bởi lẽ khó mà làm được thì dễ ắt cũng làm xong.
Chẳng hạn như ở Giang Tây có ông già họ Thư làm nghề dạy học, nhân gặp một người nghèo thiếu tiền quan, vợ người ấy sắp bị quan bắt làm tôi tớ, ông liền bỏ số tiền nhập học của học trò mà ông đã dồn được trong hai năm ra chuộc, nhờ đó vợ chồng người kia khỏi bị ly tán. Ông già họ Trương ở tỉnh Trực Lệ, nhân gặp một người bị nợ khốn, phải đem cầm vợ con. Ông liền bỏ số tiền mình để dành được trong 10 năm ra chuộc, nhờ đó vợ con người kia được an toàn. Bỏ tiền cứu người như hai trường hợp trên thật là hiếm có, ít ai làm nổi. Lại như ông già họ Cận ở Trấn Giang tuổi đã cao, không có con nối dõi, lân gia có người đem đứa con gái còn trẻ đến nạp cho làm thiếp, nhưng ông không nhẫn tâm thu nạp mà đem hoàn trả lại. Đó là chỗ khó có thể nhẫn mà nhẫn được.
Vậy nên phúc báo trời cho hưởng sẽ hậu.
Phàm những người có tiền tài, có quyền thế mà họ muốn làm phúc thì thực là dễ , dễ mà chẳng làm là tự hủy hoại mình. Người nghèo hèn khốn cùng muốn làm phúc thật là khó, khó nhưng mà làm được, đó mới thực là đáng quý vậy.
3. Tuỳ duyên hết sức tu thập thiện
Tùy lúc gặp duyên lành cứu giúp người, hay tùy hỷ công đức mà hành thiện, nếu phân biệt ra từng loại thì rất nhiều, nhưng đại khái có mười loại như sau: trợ giúp người cùng làm thiện, giữ lòng kính mến người, thành toàn việc thiện của người, khuyến khích người làm thiện, cứu người gặp nguy khốn, kiến thiết tu bổ có lợi ích lớn, xả tài làm phúc, gìn giữ bảo hộ chánh pháp, kính trọng tôn trưởng, thương tiếc mạng sống loài vật.
Thế nào là trợ giúp người cùng làm thiện?
Xưa vua Thuấn lúc chưa tức vị thấy những người đánh cá ở đầm Lôi Trạch, đều tranh chiếm chỗ nước sâu dầy nhiều cá, còn người già yếu phải tìm chỗ nước nông cạn chảy xiết ít cá mà đánh, nên có lòng trắc ẩn bất nhẫn, bèn cùng tới đánh cá. Thấy người nào tranh dành chỗ thì ông im lặng không đá động gì đến tánh xấu ấy, còn thấy người nào mà có lòng nhường chỗ thì ông hết lời khen ngợi mà theo gương đó cũng nhường chỗ cho người khác. Một năm sau những người đánh cá ở chỗ nước sâu ai cũng có lòng nhường chỗ cho nhau mà không tranh dành nữa.
Ôi vua Thuấn thực sáng suốt, há chẳng phải mất lời mà khuyên bảo giáo hóa được người sao! Tuy không dùng lời mà dùng chính bản thân mình làm gương mẫu cho người khác sửa đổi. Đây là chỗ khổ tâm và khéo dụng công của vua Thuấn vậy.
Bọn chúng ta ở thời mạt pháp nầy chẳng nên thấy mình có chỗ sở trường mà khinh khi chèn ép người, chẳng nên lấy chỗ hay giỏi của mình mà đem so sánh xét người. Ẩn ác dương thiện tức là thấy người ta dở, có lỗi lầm thì gặp riêng khuyên bảo đừng ra ngoài nói xấu làm người ta mất hết danh dự, gặp được việc làm tốt của ai thì nên ghi nhớ mà học theo đồng thời hết sức ca ngợi để mọi người cùng được biết.
Thế nào là thành toàn việc thiện của người?
Một hòn đá trong có ngọc nếu bị ném bỏ ắt sẽ vỡ tan như hòn ngói, nhưng nếu đem mài dũa chạm trổ ắt sẽ thành khuê trượng hốt ngọc. Cho nên phàm thấy người làm việc thiện hoặc thấy ý chí và tư chất của họ có thể tiến thủ thành công thì đều nên khuyến dụ trợ giúp họ; hoặc khen ngợi khích lệ hoặc gìn giữ bảo bọc họ; hoặc biện bạch hộ cho họ hay chia xẻ cùng họ nỗi oan ức bị người ghen tị mà vu họa phỉ báng họ, cốt sao giúp cho họ được thành công mà thôi.
Đại khái con người thường không ưa thích những người không giống như mình, chẳng hạn như ác không ưa thiện, tiểu nhân không thích quân tử. Người trong một xóm làng, thiện thì ít mà xấu ác thì nhiều, vì thế người thiện ở đời bị kém thế khó có thể tự lập được vững vàng.
Hơn nữa người hào kiệt, thông minh tài cán, tính tình cương trực không trọng bề ngoài, không ưa tiểu tiết nên hay bị người ta hiểu lầm mà chỉ trích phê bình; vì thế cho nên việc thiện thường dễ bị hư hỏng mà người thiện thường bị nhạo báng, cười chê, chỉ duy có người trưởng giả nhân hậu mới hiểu rõ được sự tình mà khuông phù trợ giúp cho họ được thành công. Thành toàn cho người thì công đức thực là lớn lao vô cùng.
Thế nào là khuyến khích người làm thiện?
Con người ta sinh đã sinh ra làm người, ai mà không có lương tâm.
Đường đời mênh mông mù mịt rất dễ bị sa đọa chìm đắm vì lợi danh.
Đối với những người còn mải mê tham danh tham lợi tạo thành nghiệp ác, ta nên tìm cách cảnh tỉnh họ cho thoát khỏi sự mê hoặc, cũng giống như họ đang trải qua một giấc mộng lớn trong đêm dài mà ta giúp họ đoạn diệt, bạt trừ hết thì ân huệ đó thật vô biên vô lượng.
Hàn Dũ đời nhà Đường có nói: dùng lời thì khuyên người được một đời, làm sách thì khuyên người được trăm đời. Việc khuyên người làm lành ở đây đem so với việc cùng người làm lành ở trên có phần sút kém, song theo bệnh cho thuốc, theo thời khuyên răn vẫn thâu được hiệu quả rất nhiều. Còn như dùng chính bản thân mình hành động làm mẫu mực, làm gương cho người trông thấy để họ tự nhiên tỉnh ngộ biết được lỗi lầm mà sửa đổi thì hiệu quả cũng chẳng kém mà không để lại hình tích gì; có hai phương tiện nầy đều chẳng thể bỏ qua. Muốn giúp người, khuyên người cần phải thông minh sáng suốt, biết tùy thời, tùy người không để mất lời tức phí lời mình nói mà người không nghe, cũng không để mất người, tức là gặp người có thể khuyên cải được mà mình không hành động để lỡ mất dịp làm lành, như thế là kém hiểu biết không có trí tuệ vậy.
Thế nào là cứu người nguy cấp?
Người ta ai cũng có lúc gặp phải sự tai ương hoạn nạn xảy ra. Vậy khi gặp ai lâm cảnh ách nạn hãy xem như chính mình lâm nạn mà lo vội vã cứu trừ, hoặc lấy lời biện bạch an ủi, hoặc dùng phương chước khôn ngoan giải trừ. Thôi Tử có nói: Làm ân không cần phải đợi lớn lao mới làm, chỉ cần cứu kịp người lúc cấp nạn là quý.
Ðó thật là lời của kẻ có lòng nhân vậy.
Người đời lấy cơm ăn áo mặc làm mạng sống, cho nên rất quý trọng đồng tiền, nay chúng ta có thể xả bỏ được tức là trong lòng bỏ được tính keo kiệt, ngoài mặt thì cứu giúp được người lúc cần cấp; lúc mới bắt đầu thì có vẻ miễn cưỡng mà làm, nhưng rốt cuộc xả bỏ quen rồi thì an nhiên tự tại hành động, có thể rửa sạch được lòng riêng tư, vị kỷ, trừ bỏ được tính biển lận.
Thế nào là giữ gìn bảo hộ chánh pháp?
Góp phần công đức xây dựng chùa chiền, chăm làm việc Phật sự, ấn tống kinh điển, lưu truyền sách báo bài giảng của quý thầy là bảo hộ chánh pháp.
Bản thân mình thì học, hiểu và thực hành đúng chánh pháp rồi đem chánh pháp đó lan truyền đi cho những người khác, ấy cũng là bảo hộ chánh pháp.
(Trích Liễu Phàm Tứ Huấn – Dịch Việt: Hoà Thượng Thích Thiện Siêu)
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.