Bồ Tát Di Lặc được coi là vị Phật thứ 5, vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái đất sau khoảng 30.000 năm nữa, thay thế Phật Thích ca Mâu Ni. Trong Phật giáo Tây Tạng, Di Lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Ở thế giới hiện đại, hình ảnh vị Phật này hiện hữu khắp mọi nơi: cửa hàng, khách sạn, nhà riêng, chùa chiền.
Tượng Đức Phật Di Lặc với nụ cười đại hoan hỷ được xem là biểu tượng của niềm an vui và hạnh phúc. Theo quan niệm dân gian thì Phật Di Lặc còn là biểu tượng của sự may mắn. Do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm thẩm mỹ và truyền thống Phật giáo khác nhau, cho nên hình tượng Phật Di Lặc cũng khá đa dạng và mang nhiều sắc tướng khác nhau trong truyền thống mỹ thuật Phật giáo ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong tranh tượng, Phật Di Lặc thường ngồi trên ngai vàng, chân bắt chéo hoặc đặt xuống sàn, với hàm ý sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh. Ở những hình ảnh ban đầu, Di Lặc được mô tả như một vị hoàng tử thanh mảnh, tuấn tú, thường mặc trang phục hoàng gia Ấn Độ.
Tại Trung Quốc, Bồ Tát Di Lặc hay được trình bày với dáng vẻ mập mạp, hiền hòa, tự tại, miệng tươi cười, bụng phơi ra, trẻ con đeo xung quanh.
Người ta tin rằng đó chính là hình ảnh của Bố Đại (tức là Hòa thượng Túi Vải), một Thiền Sư Trung Quốc ở thế kỷ thứ 10. Tương truyền, nhà sư có tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn, nói năng vô định, ngủ nghỉ tùy chỗ, thường dùng một cây gậy, quẩy một túi vải để đựng những vật người cúng dường. Ông được khâm phục vì có tài tiên tri thời tiết nắng mưa. Trước khi viên tịch, Hòa Thượng nói bài kệ:
“Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân trăm nghìn ức
Thường hiện cho người đời
Người đời không ai biết”
Sau khi viên tịch, người dân vẫn thấy Bố Đại mang túi vải xuất hiện ở châu khác. Tin rằng ông chính là hóa thân của Di Lặc, người đời sau thường thể hiện hình ảnh Phật Di Lặc dưới dạng một Bố Đại mập tròn vui vẻ.
Mời quý vị xem những hình ảnh của Đức Phật Di Lặc:
Xem thêm nhiều hình Phật khác: https://www.niemphat.vn/hinh-phat
Để lại một bình luận