1. Học Phật thì phải dùng cái tâm bình thường để học, phải gìn giữ sự bình thường. Nói thật ra, tựa đề kinh Vô Lượng Thọ đã nêu ra rất hay: “thanh tịnh, bình đẳng”. Trong tâm khởi niệm là cuộn sóng, là chẳng thanh tịnh, là bất bình đẳng. Kẻ ấy có vọng niệm, một niệm là một nhiễm ô, là chẳng thanh tịnh, là bất bình đẳng. Đạt đến “thanh tịnh, bình đẳng” là một niệm chẳng sanh. Nói thật thà, một niệm chẳng sanh cũng là nhiễm ô, cũng là bất bình đẳng, vì sao? Người ấy có “một niệm chẳng sanh”, cũng là phiền phức! Tôi chỉ nói tới đây, quý vị hãy thấu hiểu cặn kẽ: Hễ có “một niệm chẳng sanh” thì cũng không được. [Nếu cảm thấy] “nay ta rất thanh tịnh”, thôi rồi, quý vị chấp trước (dính mắc) thanh tịnh, vướng mắc nơi thanh tịnh, sự thanh tịnh ấy chính là chẳng thanh tịnh, cũng không được!
2. Học Phật phải khởi đầu bằng học làm người, phải học từ tu phước, học từ đoạn ác tu thiện. Chư vị phải biết: Phật là đấng Nhị Túc Tôn, phước trọn đủ, huệ cũng viên mãn. Do hai môn phước và huệ đều viên mãn, nên gọi là Nhị Túc Tôn. Trong thế gian lẫn xuất thế gian, Phật có phước báo lớn bậc nhất! Nếu chúng ta chẳng tu phước, làm sao có thể thành Phật cho được? Cố nhiên, tu huệ là trọng yếu, nhưng chẳng tu phước thì huệ cũng chẳng tu thành. Vì sao? Quý vị chẳng tu phước, quý vị chẳng có cái ăn, chẳng có cái mặc, chẳng có nơi để ở, làm sao có thể tu huệ cho được? Phật môn Trung Hoa có một câu tục ngữ: “Pháp luân vị chuyển, thực luân tiên” (Chưa chuyển pháp luân, phải lo cái ăn trước). Ăn uống là chuyện khẩn yếu bậc nhất! Chẳng ăn no, làm sao có thể tu Phật pháp cho được? Điều này nói rõ tu phước trọng yếu ngần ấy!
3. Có người tu thiện tích đức, đời này cuộc sống bần cùng, là do nguyên nhân nào? Trong đời quá khứ chẳng tu, trong mạng chẳng có phú quý, vận mạng nghèo túng, hèn kém, áo cơm thiếu thốn. Đời này, may mắn gặp thiện tri thức, gặp bạn lành, biết sửa lỗi đổi mới, biết đoạn ác, tu thiện, biết tích lũy công đức, cho nên người ấy vẫn còn có thể miễn cưỡng sống được. Nếu đời này, người ấy chẳng tu tập, tích lũy như vậy, ngay cả mức sống như trong hiện thời người ấy cũng chẳng hưởng được! Đời này tuy rất nghèo khổ, đời sau phước báo to lớn. Người ấy tu phước cho đời sau. Do vậy, nếu quý vị có thể thấy ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai), sẽ tâm bình khí hòa, gật đầu: – Có lý, chẳng phải là vô lý!
4. Kinh Kim Cang nói rất hay: “Chẳng chấp lấy tướng, như như bất động”. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã diễn tả hai câu này rõ hơn, nông cạn hơn đôi chút để mọi người liễu giải dễ dàng. Lục Tổ nói: “Ngoài chẳng chấp tướng, trong không động tâm”. “Ngoài không chấp tướng là Thiền, trong chẳng động tâm là Định”. Chúng tôi lại nói cách khác, càng nông cạn, rõ rệt, dễ hiểu hơn cách nói ấy: Ngoài là chẳng bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, chẳng phải là không tiếp xúc. Đối với cảnh giới bên ngoài, có thể tiếp xúc, mắt có thể thấy, tai có thể nghe, hết thảy đều có thể tiếp xúc, tuy tiếp xúc mà như thế nào? Chẳng bị nó ảnh hưởng, nó chẳng thể ảnh hưởng quý vị. Đó là Thiền. Nội tâm như như bất động. Đó là Định.
5. Trong hiện thời, [cái tật] thấp thỏm, bộp chộp gần như là thấy rất phổ biến. Bất luận quý vị ở nơi đâu, chỉ cần lắng lòng quan sát, [sẽ thấy] người bình phàm hiện thời luôn vội vã, xáo động. Cũng có thể biết là họ có lắm vọng tưởng, nhiều phân biệt, nhiều chấp trước (nhiều dính mắc), tâm tình chẳng ổn định, rất dễ dàng nổi giận. Điều này thuộc loại Điệu Cử, cũng có nghĩa là tâm họ chẳng định được. Giống như trong xã hội xưa kia, bất luận sĩ, nông, công, thương, ta trông thấy mọi người đều rất ổn định, ôn hòa, ăn nói thong thả, động tác cũng thong dong. Chúng ta xem gia thư, gia huấn của ông Tăng Quốc Phiên, quý vị thấy ông ta dạy dỗ con em, viết khá nhiều gia thư, gia huấn [luôn nhấn mạnh vấn đề trấn định tâm tình]. Do vậy, có thể biết, ông ta rất coi trọng vấn đề này. Những kẻ trẻ tuổi phải học ổn trọng. Học ổn trọng bắt đầu từ đâu? Hết thảy đều thong thả, chớ nên khiến cho người khác thấy vội vàng, gấp rút. Bất luận gặp vấn đề gian nan như thế nào đi nữa, tâm địa đều là như như bất động, có lý lắm! Trong kinh, đức Phật đã dạy rất rõ ràng, tâm thanh tịnh sanh ra trí huệ, trí huệ mới có thể giải quyết vấn đề. Bộp chộp, loi choi sẽ sanh phiền não, phiền não thì làm sao mà giải quyết vấn đề cho được? Phiền não chỉ có thể khiến cho vấn đề càng thêm phức tạp, chẳng phải là phương pháp để giải quyết vấn đề!
6. Tâm giống như đại địa, thứ gì cũng đều có thể nhẫn. Nói thật ra, học Phật thì đầu tiên phải là học nhẫn nhục. Vì thế, trong tứ đại Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát được xếp đầu tiên. Địa biểu thị đại địa. Tâm chúng ta phải giống như đại địa, có thể nhẫn, có thể hứng chịu, tốt cũng hứng chịu, xấu cũng hứng chịu, lại còn hứng chịu bình đẳng, học những điều này. Học những điều ấy thì sau đó mới có thể đắc Định, mới có thể đắc tâm thanh tịnh. Chẳng thể nhẫn nhục thì người ấy tu học Phật pháp, tối đa là trong tương lai làm một nhà Phật học mà thôi, có thể nói đến nỗi hoa trời rơi tán loạn, nhưng trong tương lai đáng nên luân hồi như thế nào thì vẫn luân hồi đúng như thế ấy, chẳng có tác dụng gì cả. Đúng như sư Tu Vô đã nói: “Nói được, chẳng làm được; chẳng phải trí huệ thật”. Căn bản là chẳng có trí huệ chân thật. Vì vậy, phải tu nhẫn nhục, biết nhẫn nhục hết sức trọng yếu.
7. Ta cứ niệm một câu A Di Đà Phật tới cùng, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thả chiếc bè Từ trở lại, thành Bồ Tát, thành Phật đến độ hết thảy chúng sanh, có phải là tiêu cực hay không? Có phải là Tiểu Thừa hay không? Người thế gian chẳng thấy chuyện này! Nay chúng ta nghe những lời lẽ đó, tâm chính mình bị dao động thì nói cách khác: Ba món Tín, Nguyện, Hạnh của quý vị đều chưa thể trông cậy được! Đó là chướng ngại. Nay chúng ta chỉ cần quét sạch những chướng ngại ấy, nhất tâm nhất ý niệm A Di Đà Phật. Đừng nói là pháp thế gian chẳng thể chướng ngại được, hết thảy xuất thế gian Phật pháp cũng chẳng thể chướng ngại được. Quý vị nói Thiền hay, chúng tôi rất cung kính, Thiền hay lắm! [Quý vị nói] Giáo hay, [tôi cũng tán thán] Giáo cũng khá lắm. Mật Tông cũng hay, thứ gì cũng đều hay. “Quý vị học pháp của quý vị, tôi học pháp của tôi, tôi tuyệt đối chẳng bị lay động!” Đó là diệt trừ chướng ngại, tâm quý vị thật sự định, như vậy thì mới chắc chắn thành tựu. Do đó, bí quyết niệm Phật là “quyết định chẳng hoài nghi, chẳng gián đoạn, không xen tạp”, há lẽ nào chẳng thành công?
8. Quý vị niệm Phật mà còn tham tài, tham danh, tham lợi trong thế gian, có thể vãng sanh nổi hay chăng? A Di Đà Phật đến tiếp dẫn ta, [nhưng ta thấy] cổ phiếu chỗ nọ đang lên giá, không thể đi được, phải kiếm tiền đã! Vậy thì làm sao có thể ra đi thành công cho được? Còn có con cháu rất đông, ta còn chưa gặp mặt chúng, còn chưa dặn dò rõ ràng. A Di Đà Phật chẳng thể chờ đợi quý vị. Quý vị có tham, có sân khuể, người này trong quá khứ có lỗi với ta, ta còn chưa trả đũa hắn, vậy thì cũng chẳng đi được! Tham, sân, si, mạn, nghi đều là đại chướng ngại cho việc vãng sanh. Nếu quý vị muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, những thứ ấy đều chớ nên có. Chúng là tập khí (thói quen tật xấu), là phiền não, là chướng ngại, là nghiệp chướng!
Mỗi người chúng ta đều biết: “Ta nghiệp chướng rất nặng”. Đúng vậy! Nghiệp chướng rất nặng, người nghiệp chướng nặng nề chẳng thể vãng sanh. Hy vọng một câu Phật hiệu (A Di Đà Phật) này sẽ tiêu sạch tất cả nghiệp chướng của quý vị. Ý niệm tham, sân, si, mạn, nghi vừa dấy lên, ngay lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật, khiến cho ý niệm ấy bị quên bẵng. Ắt cần phải niệm câu Phật hiệu A Di Đà Phật nhuyễn nhừ, trong mỗi niệm, Phật hiệu đều dấy lên hiện hành, trong mỗi niệm, tham, sân, si, mạn đều giảm bớt, công phu sẽ đắc lực, đó là cảnh giới tốt đẹp. Mỗi ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu mà vẫn khởi tham, sân, si, mạn, vô dụng! Cổ nhân trào phúng: “Hét toạc cổ họng vẫn uổng công”. Chẳng thể vãng sanh, niệm Phật chỉ là tốt lành ngoài miệng, ý chẳng tốt lành!
9. Hãy chăm chỉ niệm Phật, niệm Phật có thể diệt tội, có thể tiêu tai, có thể chuyển nghiệp báo của chúng ta. Quý vị phải thật sự niệm, phải biết niệm! Phải hiểu rõ ý nghĩa trong kinh, phải y giáo phụng hành. Như thế thì mới có thể chuyển thân nghiệp báo thành thân nguyện lực. Nguyện lực là thừa nguyện tái lai, khác hẳn. Hiện thời, khoa học kỹ thuật phát triển, chúng sanh có phước, hãy nghe đi nghe lại băng thâu âm giảng kinh thuyết pháp chẳng ngừng. Mỗi ngày tối thiểu nghe hai cuốn băng (tức là nghe giảng ba tiếng đồng hồ), chớ nên gián đoạn ngày nào! Hễ gián đoạn, phiền não sẽ sanh khởi. Nghe kinh giảng pháp nhằm nhắc nhở bản thân giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm.
10. Trong thế gian này, ngũ dục (tiền tài, sắc, danh vọng địa vị, ăn uống, ngủ nghỉ), lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), lục đạo luân hồi (trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục) đều là giả, chẳng có gì là chân thật, quyết định chớ nên tham luyến. Nhất tâm nhất ý tu pháp môn niệm phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là đúng. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới là thành tựu viên mãn đạo nghiệp của chính mình. Chính mình đã có năng lực, bèn quay lại thế giới này để hóa độ chúng sanh. Đó là người thật sự thông minh, thật sự có trí huệ.
11. Có một cặp vợ chồng ở Tân Trang học Phật đã đôi ba năm, ở cách chúng ta rất xa, do vậy, chỉ nghe băng thâu âm giảng kinh thuyết pháp, nghe rất hoan hỷ. Ngày hôm qua, ông ta kể với tôi nguyên nhân khiến ông ta học Phật. Ông ta làm bác sĩ, biết nhân quả báo ứng, nên hễ khám bệnh cho người khác bèn lấy tiền công rất ít, người nhà chẳng thông cảm với ông ta, kêu ca ông ta thu tiền khám bệnh mà ngay cả dùng để mua thuốc theo giá vốn cũng chẳng đủ! Cha và vợ ông ta đều chẳng vui lòng, chẳng thông cảm cho lắm. Do bà vợ cũng học Phật, tôi bảo bà ta: “Tích tài chẳng bằng tích đức! Nay chồng bà làm như vậy, ông bà sẽ có phước mai sau, ông ta làm không sai. Chỉ cần có thể sống qua ngày là được rồi, cần gì phải kiếm nhiều tiền? Chẳng bằng tích đức cho nhiều”. Ông ta cho tôi biết: Ông ta học Phật là do nghe băng thâu âm giảng kinh thuyết pháp bèn dấy tín tâm, còn nguyên nhân xa là do bà nội của ông ta đã tạ thế từ mấy năm trước [phát khởi]. Thuở đó, cả nhà đều chẳng tin Phật, bà nội niệm Phật, do mọi người trong nhà không tin, nên chỗ nào cũng gặp chướng ngại. Bà cụ niệm thầm trong tâm, chưa bao giờ niệm ra tiếng, cụ niệm theo cách như vậy. Khi mất, cụ tỉnh táo, sáng suốt. Cụ bị bệnh ung thư, nói theo người khác thì sẽ rất đau khổ; nhưng cụ chẳng bị đau khổ. Khi cụ mất, chẳng bị đau khổ, dẫu bị bệnh cũng chẳng đau khổ. Khi sắp mất, cụ biết sẽ mất lúc nào, biết trước lúc mất. Khi đã chết, khuôn mặt còn hồng hào, còn dễ nhìn hơn vẻ mặt lúc sống. Cha ông ta gọi người trong nhà đến xem, ông ta chẳng biết niệm Phật, nhưng biết mẹ mình là người tu hành, bèn nói: “Người tu hành khác hẳn, nhất định là cụ sanh lên trời, tướng mạo trang nghiêm dường ấy”. Thuở ấy, ông ta chẳng tin tưởng cho lắm, nay do nghe Phật pháp, bèn biết đó là sự thật, [bà cụ] quyết định vãng sanh Cực Lạc! Khi cụ sắp mất, đã bảo con cái: “Phật đã đến, đang đợi ta ở cửa”. Nói xong, cụ qua đời. Khi ấy, vì họ chẳng tin Phật, ngỡ bà cụ quáng mắt, chẳng bình thường cho lắm, ăn nói nhăng nhít, nay suy nghĩ, biết là thật, Phật đến tiếp dẫn về Cực Lạc.
12. Hãy thật thà niệm Phật, đoạn ác tu thiện, một niệm hồi tâm, tướng sẽ thay đổi, tướng chuyển theo tâm mà! Tướng chuyển theo tâm tức là mạng chuyển theo tâm, cát hung họa phước đều do ý niệm của quý vị [chi phối], quý vị nghĩ xem có trọng yếu lắm không? Trong học Phật, nói về tu hành, tu từ chỗ nào? Khởi tâm động niệm! Tu từ chỗ này. Khởi lên một niệm, quý vị có thể nhận biết niệm ấy là thiện hay ác, đó là trí huệ. Trong Phật pháp nói giác và mê, giác hay mê quan sát từ chỗ nào? Từ ý niệm. Một niệm dấy lên, chính quý vị biết niệm ấy là thiện hay ác, đó là giác. Một niệm dấy lên, nhưng chính mình chẳng biết niệm ấy là thiện hay ác, đó là mê. Người thật sự tu hành, hễ có một thiện niệm, thiện niệm bèn tiếp tục tăng trưởng; hễ có một niệm ác thì ngay lập tức điều ác ấy bị đoạn trừ. Ác niệm thứ nhất dấy lên, chẳng thể có ác niệm thứ hai; ác niệm thứ hai bị tiêu diệt, đó là thật sự tu hành. Người tu hành như vậy được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần tôn kính. Họ đã tôn kính quý vị, đương nhiên sẽ gia hộ quý vị. Kẻ mê hoặc, một thiện niệm dấy lên, trong niệm thứ hai, thiện niệm bị đoạn trừ; ác niệm dấy lên, ác niệm này nối tiếp ác niệm kia tăng trưởng, thiện thần xa lìa, yêu ma quỷ quái liền dựa thân, theo sát quý vị.
13. Nước biểu thị cái tâm, tâm thanh tịnh, nước thanh tịnh. Nước bình lặng, biểu thị sự thanh tịnh, bình đẳng. Thấy một chén nước, bèn nghĩ xem cái tâm có giống nước hay không, nó biểu thị pháp. Tuyệt đối chẳng phải nước đã cúng dường Phật ấy uống vào có thể trị bách bệnh, [thế nhưng hiểu theo chân nghĩa thì] thật sự là trị bách bệnh! Chẳng phải là uống vào trị bách bệnh, mà quý vị hiểu ý nghĩa của nó: Tâm địa quý vị thanh tịnh, bình đẳng thì bệnh gì cũng đều chẳng có! Bệnh từ đâu ra? Tâm quý vị chẳng thanh tịnh thì mới sanh bệnh, tâm đã thanh tịnh, lẽ đâu sanh bệnh? Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, sẽ không thể sanh bệnh. Nước biểu thị thanh tịnh và bình đẳng.
14. Thiền sư Không Cốc nói: “Chỉ cần quý vị niệm một câu Phật hiệu (A Di Đà Phật) đến cùng, quý vị sẽ có ngày khai ngộ”. Tiêu nghiệp chướng chẳng có gì khác, chính là chuyên tâm, chuyên nhất [mà thôi]! Nghiệp chướng tiêu trừ. Tiêu trừ nghiệp chướng thì sợ nhất là làm quá nhiều, quá tạp, tâm chẳng thanh tịnh, nghiệp chướng sẽ chẳng tiêu được! Hễ “nhất”, tâm bèn thanh tịnh. Vì thế, “nhất” quá trọng yếu.
(Pháp Sư Tịnh Không)
Để lại một bình luận