Trong kinh Kim Cương đức Phật dạy các Bồ tát rằng: Không nên thọ nhận phước đức. Câu nói này đối với hàng quyền thừa Bồ tát thì đơn giản, nhưng đối với hàng phàm phu chúng ta thì thật vô cùng quan trọng. Từ trước đến nay, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều người phát tâm xuất gia tu hành, những năm đầu tiên, lúc mới bước chân vào đạo, cái tâm của họ rất tốt, sự tu tập, hành trì đều được mọi người trong xã hội tôn trọng, cung kính, tán dương; nhưng đến tuổi trung niên hoặc về già, tự nhiên lại bị biến chất, tha hóa, đọa lạc. Chúng ta thử hỏi nguyên nhân vì sao? Bởi vì họ chỉ lo hưởng thụ phước báo hiện tiền, cho nên đã quên mất tự tánh.
Vì sao? Vì chỉ lo hưởng thụ phước báo thì các tâm tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… nhất định tăng trưởng. Vì vậy, không những không thể điều phục được tâm mình, mà ngược lại, các pháp bất thiện, những chướng duyên xấu ác mỗi ngày mỗi tăng trưởng thêm. Đây chính là nguyên nhân của sự đọa lạc. Ngoại trừ những bậc đại Bồ tát đã thấy được tự tánh, quý Ngài tuy có thọ nhận phước đức cúng dường, nhưng tâm địa của quý Ngài thanh tịnh tuyệt đối, một hạt bụi cũng không vướng, không bị các pháp bên ngoài làm cho ô nhiễm. Thế nhưng, khi chư vị Bồ tát vì chúng ta mà thị hiện trở lại cuộc đời này để hóa độ, quý Ngài vẫn còn thể hiện hành vi “không thọ nhận phước đức cúng dường”. Sự thị hiện của chư Phật, cũng như của lịch đại chư vị Tổ sư, đều là vì lòng đại từ, đại bi, muốn làm một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta noi theo.
Quý Ngài hoằng pháp ở nhân gian là làm một tấm gương sáng cho người thế gian noi theo; thuyết pháp ở cõi trời là làm một tấm gương sáng cho chư thiên noi theo. Đó là quý Ngài tuỳ duyên hóa độ, tuỳ căn cơ, trình độ của chúng sanh mà thị hiện giáo hóa. Chúng ta thử nhìn lại, ở Trung Quốc, chư Phật, Bồ tát ứng hóa thị hiện rất nhiều, nhưng quý Ngài giáo hóa cao, thấp đều thích ứng, phù hợp. Phương thức sống của quý Ngài cực kỳ đơn giản, lúc nhặt lúc khoan, khai mở nắm bắt tùy thời, tùy lúc. Đó mới là sự hiển thị lòng đại từ bi chân thật.
Cho nên, trong bước đường tu tập đạo bồ đề, để đề phòng bị rơi vào chỗ đọa lạc, chúng ta phải khắc cốt ghi tâm câu kinh “bất thọ phước đức”, theo đó mà phụng hành suốt đời, không nên vi phạm.
Hối hận chi bằng đề phòng
Quý điều phước tốt nhất là tích phước
Trích Tâm Không Vướng Bận
Nguyên tác: Tịnh Không Pháp sư
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.