Làm người phải biết tiếc phước, quần áo là để che thân, mặc rách thì may mới, mặc cũ thì có thể đem tặng cho dân nghèo, đó là một phương pháp tích phước. Người xưa chỉ có hội hè đình đám mới giết vật để tế Thần, nay thấy nhiều người giàu cũng không biết tiếc phước, ngày đêm tiệc tùng đãi khách, đem thức ăn dư thừa mang đi đổ, kiếp sau dễ lạc vòng Ngạ Quỷ đạo
Đại sư Ấn Quang suốt đời dạy người tiếc phước (tiếc: mến tiếc), bất cứ gặp ai Ngài luôn luôn răn bảo:
Khi ăn cơm, nên ăn cho thật sạch, một hạt cũng không chừa. Đối với thức ăn tất cả đều không nên phung phí. Khi mình ăn cơm phải nghĩ đến người khác, thế gian còn rất nhiều người bị nạn không có cơm ăn. Quần áo mặc rách rồi không sao, có thể sửa, có thể vá, chỉ cần có thể che thân, đủ ấm là được. Thế gian khổ nạn, chúng sanh kẻ không có đủ quần áo để mặc vẫn còn rất nhiều, không nên phung phí trong việc sắm sửa áo quần. Đây đều là tiếc phước.
Trong đời sống hằng ngày, cần thiết để ý đối với vật thực không nên tuỳ tiện vức bỏ, dù chỉ là một tờ giấy cũng không nên phí bỏ. Ngày nay tuy khoa học kỹ thuật phát triển, những vật dụng làm ra rất dễ dàng, nhưng cũng cần phải dè dặt. Những gì có thể tiết kiệm được, thì dùng hết khả năng để tiết kiệm, những gì không cần thiết mua sắm thì không nên mua sắm, như thế bạn sẽ có thêm phước, do đó mà thọ hưởng hoài không hết.
Phung phí tuỳ ý, phước báo của bạn nhanh chóng sẽ hưởng tận. Hưởng tận rồi, dù còn thọ mạng thì bạn cũng phải chết. Tại sao vậy? Phước không còn, lộc tận người vong. Bạn có thọ mạng 100 tuổi, nhưng mới 60 tuổi đã hưởng hết phước báo, thì 60 tuổi bạn phải chết. Nếu như thọ mạng của bạn là 60 tuổi, bạn suốt đời thương tiếc phước báo, khi đến năm 60 tuổi phước của bạn vẫn chưa hưởng hết, thì thọ mạng liền kéo dài ra đến khi nào bạn hưởng hết phước báo trong đời này.
Thật thà mà nói, người đời nay hưởng thụ đều do phước báo còn lại của những đời trước, nếu trong đời này chỉ biết hưởng phước mà không chịu tiếp tục tu phước, thì phước báo sẽ nhanh chóng tiêu sạch hết. Đối với đạo lý này, người đời nay không ai tìm tòi, đến nỗi bạn có nói người ta cũng không tin. Đấy là nói người không học Phật, còn chúng ta học Phật đã học đến đâu rồi? Ngay cả đạo lý này, chân tướng sự thật này cũng không hiểu, không tin thì chúng ta làm sao có thể tự cầu đa phước cho chính mình.
Phước báo không phải do Phật, Bồ Tát cho chúng ta, không phải Thượng Đế cho chúng ta, cũng không phải do thiên địa quỷ thần cho chúng ta, mà do chính chúng ta tự cầu lấy. Trồng nhân lành thì được quả lành, trồng nhân không lành thì nhất định bị ác báo. Đây là dạy bảo chúng ta trong cuộc sống hằng ngày phải làm người như thế nào, phải xử thế đối người tiếp vật bằng cách nào để tự cầu đa phước báo.
Chúng ta là người học Phật, thường tiếp xúc với những lời dạy của Thánh Hiền, biết được nhân quả tội phước, nhưng tại sao vẫn không thể quay đầu trở lại?
Đây đều là do ảnh hưởng bởi ngoại cảnh xã hội, có một số người không tin, cho rằng lời dạy của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền chưa hẳn là đúng, nhân quả tội phước chưa chắc đã chính xác. Nên dẫn đến rất nhiều người học Phật với tâm thái hoài nghi, tuy cũng nghe được rất rõ ràng, nhưng khi cảnh giới hiện tiền, cũng tức là ngũ dục: Tài, sắc, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ hiện đến, thì liền chạy theo những thứ này, không cách nào trở đầu lại được.
Thật là đáng tiếc lắm thay!
Tài sản vật sở hữu
Tất cả không đem theo
Khi nhắm mắt lìa đời
Chỉ mang nghiệp tốt xấu
Như bóng không rời hình
Do vậy hãy làm lành
Để dành cho đời sau
Sống an vui hạnh phúc.
Vì thế tiếc phước chính là một trong những phương pháp cải tạo vận mạng, đem vận mạng của chính mình sáng tạo lại một lần nữa. Do đó, nếu ta biết áp dụng tiếc phước vào trong đời sống hằng ngày thì vận mạng nhất định sẽ thay đổi tốt hơn, tương lai nhất định sẽ sáng sủa hơn, hoàn cảnh sống sẽ ngày càng tốt hơn. Thế mới biết, vận mạng của chính ta là sướng, là khổ đều do chính ta quyết định mà thôi!
Bùi Vũ Long viết
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRỤ TAM BẢO
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.