Làm từ thiện hay bố thí mang lại an vui, lợi lạc cho mọi người, góp phần giảm thiểu những khó khăn trong đời sống, giảm thiểu niềm đau, nỗi khổ. Tuy nhiên, làm từ thiện như thế nào cho đúng lời Phật dạy thì không phải ai cũng biết.
Hiểu đúng về làm từ thiện
Làm từ thiện: là những việc làm thiện, pháp thiện và bố thí, được xuất phát từ lòng từ bi của tâm giác ngộ buông xả, không tham cầu vụ lợi và chấp trước, đó được gọi là tâm địa hạnh nguyện của vị Bồ tát thế gian tùy duyên độ chúng, hóa thân trong mọi hoàn cảnh, dựa trên những việc làm thiện, pháp thiện làm nồng cốt, phát đại nguyện từ bi bố thí hỷ xả cứu khổ cứu nạn mang lại lợi ích cho chúng sinh muôn loài (lục độ ba la mật), công đức phước đức vô lượng không thể nghĩ bàn trong thực tại cũng như mãi mãi muôn đời muôn kiếp (phước báu không giới hạn, mãi mãi không cạn). Hạnh phúc vô biên, an lạc vĩnh hằng.
Việc thiện chưa thiện thì tâm chưa thiện
Tâm chưa thiện thì từ bi chưa xuất hiện
Từ bi chưa hiện thì từ thiện chưa thiện.
Tâm không thiện thì hành vi sẽ bất thiện.
Trong nhà Phật, bố thí gồm có 3 loại: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.
Tài thí
Là bố thí về vật chất, gồm có bố thí nội tài và ngoại tài. Ngoại tài là những tài sản của cải vật chất ngoài thân như tiền bạc, thực phẩm, các vật dụng, phương tiện cần thiết trong đời sống… Nội tài là tài sản trong thân như mắt, tai, mũi, lưỡi, máu, các cơ quan bộ phận của cơ thể, kể cả sự sống thân mạng.
Pháp thí
Là đem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy quí báu của đức Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác. Hoặc tu hành chân chính theo lời Phật dạy để làm khuôn mẫu cho người bắt chước, bỏ dữ theo lành, cải tà quy chính đều là pháp thí.
Pháp thí có giá trị rất lớn lao hơn cả tài thí. Vì tài thí chỉ giúp người khác bớt túng thiếu về vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người.
Vô úy thí
Vô úy nghĩa là không sợ. Vô úy thí là làm cho người khác không sợ, hết sợ.
Theo cố Hoà thượng Thích Thiện Hoa, khi nhỏ chúng ta sợ la rầy, sợ đánh đập, sợ ma quỉ. Khi tráng niên sợ thiếu ăn, thiếu mặc, sợ thiếu công danh, sự nghiệp. Khi già sợ đau, sợ ốm, sợ chết…Chỉ toàn sợ và sợ.
Phát nguyện khi làm từ thiện
- 1. Việc thiện nào con đã làm ra, là nhân đến đạo quả Niết Bàn.
- 2. Việc thiện nào con đã làm ra, là nhân sanh Trí Tuệ.
- 3. Việc thiện nào con đã làm ra, kiếp nào sanh lên không bao giờ nghe chữ “không biết” và chữ “không có”. (Khi nào chúng ta cần biết điều gì, điều đó phải được biết đến liền)
- 4. Việc thiện nào con đã làm ra, là nhân sanh thân cận bậc Hiền Triết.
- 5. Việc thiện nào con đã làm ra, là nhân sanh phát nguyện tu hạnh pháp cao thượng, xa lánh hạng ti liệt (thấp hèn).
- 6. Việc thiện nào con đã làm ra, đều kết duyên lành với chúng sanh, khiến cho chúng sanh qui hướng Tam Bảo, phát tâm tu hành thoát khổ sinh tử luân hồi.
Bất cứ 1 việc thiện dù nhỏ đến đâu cũng phải phát nguyện để lỡ đời này chưa giải thoát thì đời sau sanh lên cũng không bị mất hạt giống đoạn tận các lậu hoặc giác ngộ giải thoát.
Nguyện đem tâm thanh tịnh
Cầu Pháp giới chúng sinh
Thoát ly luân hồi khổ
Phật Đạo chóng viên thành.
Namo Phật Pháp Tăng Thường Trú Tam Bảo
Xem thêm:
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.