Thường thì lời dặn dò sau cùng, di huấn của một người trước lúc đi xa chính là điều mà họ xem là hệ trọng nhất, thường thao thức, luôn trăn trở suốt cả cuộc đời. Một thiền sư trước khi viên tịch đã kêu gọi chúng đệ tử lại và dặn dò 7 điều tâm huyết về đời sống xuất gia và quản lý chùa
“Này con, có những điều thầy mong con phải luôn ghi nhớ:
- Đừng biến chùa thành cơ sở từ thiện có quy mô lớn. Vì làm thiện chưa chắc đã được người khác ủng hộ. Mà trái lại sẽ gây phiền phức cho con. Bởi họ nghĩ con có nhiều tiền sẽ tìm cách tranh đoạt.
- Đừng giao du với quan chức, mà hãy hướng dẫn họ tu tập. Sa Môn bất kính vương giả. Nếu trái lại, con sẽ rơi vào cảnh tranh chấp kết quả là “cây ngã, bìm khô”.
- Đừng lệ thuộc vào sự cúng dường của tín đồ Phật tử. Phải giữ lòng tự trọng trước những nhà giàu có. Vì lòng đại bi mà nói Pháp cho họ nghe. Chớ để cho danh, lợi, ái kiến cám dỗ. Muốn tồn tại phải tự lực.
- Đừng biến chùa thành nghĩa trang và cả đời con chỉ loanh quanh trong việc độ đám. Đạo Phật là để giác ngộ và đem lại hạnh phúc cho chúng ta ngay trong thực tại. Hãy dạy cho Phật tử thấy rõ lý vô thường, vô ngã để buông xả bám chấp. Riêng con đừng lấy phương tiện làm cứu cánh.
- Đừng ham chùa có đông đồ chúng, nên lấy lục hoà làm trọng. Đông người mà không tu tập sẽ dẫn đến phe phái tranh chấp. Ngoại đạo trà trộn vào con không kiểm soát được, do vậy phải hết sức cẩn thận.
- Đừng cố gắng chen chân vào bất kỳ tổ chức tôn giáo, thế tục nào để dành cho mình một cái ghế hay chỉ khẳng định đời tu mình bằng học vị. Những thứ ấy là nguyên nhân của sự sa đọa vì xem trọng danh lợi. Đối trước sanh tử, con không thể lấy bằng cấp hay địa vị ra trình với Diêm Vương.
- Đừng biến chùa thành khu du lịch, đông người đến sẽ ô hợp mất thanh tịnh. Chỗ nào có lợi ích là chỗ đó sẽ bị chiếm hữu. Hãy cố gắng gầy dựng ngôi chùa thành một đạo tràng thuần tuý tu học. Còn những việc khác con phải xem là thứ yếu!
Dặn dò xong, Thiền Sư viên tịch.
Trước khi tịch, sư để lại bài kệ:
“Pháp vốn không gốc, ngọn.
Không pháp cũng không tâm.
Sống chết sương ngọn cỏ
Thẳng tới đất vô sanh.”
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.