Nghĩ tốt cho người có lợi ích gì? Thường nghĩ tốt cho người thì tâm chúng ta sẽ luôn luôn nghĩ về điều tốt cho người này, người kia, tâm tâm sẽ nhẹ nhàng thanh thoát. Vì chỉ nghĩ những điều tốt nên tâm hồn mình cao thượng và ít bị những bóng tối che mờ, nhờ vậy lòng của mình sẽ rộng mở rồi những cái tâm hẹp hòi ích kỷ sẽ bớt, chính đó cũng là làm cho tâm Bồ-đề của chúng ta phát triển, lớn mạnh thêm. Thì khi ấy, cuộc sống sẽ được vui hơn, mọi người càng sống gần nhau hơn, đến gần với nhau hơn, là thêm nhiều bạn hơn, mà nhiều bạn thì bớt kẻ thù. Vậy thì nghĩ tốt cho người đâu có thiệt thòi gì!
Có nhiều người nói rằng: “Nó gạt tôi sao lại bắt tôi nghĩ tốt cho nó?”. Đúng vậy, cho dù người có gạt mình thì mình vẫn nghĩ tốt cho họ. Người ta có nghĩ xấu cho mình, nhưng mình vẫn nghĩ tốt mãi, khi đó lòng chúng ta được nhẹ nhàng, thanh thản, không hề buồn khổ thì đâu có thiệt thòi. Vì nếu mãi lo nghĩ là nó gạt tôi thế đó thì tâm bực bội nóng nảy, ngủ không được cứ trằn trọc v.v… thì chính đó là thiệt thòi, là khổ và đang bị họ làm khổ.
Nên đây là một ý nghĩa chân thật, chúng ta phải thường tập nghĩ tốt cho người để luôn luôn có lợi ích, thường có cuộc sống vui tươi, lạc quan v.v…, tạo thêm niềm tin cho mình và cho người. Giống như ông lão mù cảm hóa được người thanh niên kia. Họ nghĩ: ‘Mình xấu gây khó khăn ngăn trở người mà sao người cũng nghĩ tốt cho mình, không lẽ mình cứ xấu với người hoài sao?’. Nên có khi là chuyển hóa được họ, cũng không có thiệt thòi gì hết. Được vậy là chúng ta đã càng tạo cơ hội để cho người chuyển hóa, cũng là rất có ý nghĩa.
Có câu chuyện về Hòa thượng Quảng Khâm ở Đài Loan tu hành rất đắc lực. Có lần đệ tử Ngài đi nghe thuyết pháp ở chùa khác, nhận thấy lời thuyết pháp của vị giảng sư này có ẩn ý phê bình thầy mình. Họ bất bình nên sau đó lên núi thưa lại với Ngài. Tưởng thưa vậy rồi Ngài cũng đồng tình, nhưng không ngờ Ngài không những không có ý gì khó chịu mà còn bảo các vị đệ tử phải đi sám hối vì có lỗi là đã hiểu lầm lời giảng của pháp sư kia.
Đồng thời Ngài còn giải thích những hàm ý Phật pháp trong lời giảng đó cho đệ tử nghe là tốt, đúng Phật pháp. Rồi khuyên răn các đệ tử: “Giả sử có người nào họ nêu danh tánh của mình ra mắng thì mình còn phải thành tâm biết ơn họ nữa, huống hồ là người ta không nêu tên của mình”. Tức là họ nêu ngay tên ra mắng thì mình còn biết ơn nữa, còn đây không có nêu tên thì có gì đâu, không có dính dáng gì hết.
Như nhà thiền thường dạy: “Việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm”, tức là dù họ có đem đến tận nhà mình, mình còn không nhận, huống là còn ở ngoài cửa cổng không quan trọng. Nếu như chưa gì, chuyện còn ở đâu ngoài hẻm, ngoài xa mà đã đem vô rồi thì thành khổ thôi. Chúng ta thấy tâm hồn của các ngài rỗng rang, thanh tịnh nên lúc nào cũng thoải mái hết.
Sau đó, Hòa thượng mới nghiêm túc dạy đệ tử: “Muốn cho Phật pháp được hưng thịnh thì tăng phải biểu dương tăng”, tức là tăng phải khen ngợi tăng thì Phật pháp mới hưng vượng, đừng để cho tăng hạ thấp tăng, làm vậy là khiến cho Phật pháp dần suy. Ngài còn tán dương vị pháp sư kia rằng: “Ở trong thế giới phù hoa huyễn hóa này mà thuyết pháp độ được chúng sanh như vậy thì thật là một vị Bồ-tát”. Ngài lại nói khiêm tốn: “Còn tôi thì không dám đi thuyết pháp như vậy”. Từ đó, đệ tử của Ngài cũng hết dám chê ai. Đúng là tâm hồn Bồ-tát.
Như vậy, quý vị Thấy Ngài có thiệt thòi không? Thật là một tâm hồn thoải mái, nhẹ nhàng thanh thoát, đâu có gì để khổ. Trái lại, chưa có gì mà vội thu vào thì khổ liền, thiệt thòi liền ngay đó. Đó là những cái bài học lợi ích thiết thực để chúng ta học.
Rồi chính như Hòa thượng Tinh Vân cũng vậy, Ngài có kể lại những cái năm về trước lúc tình hình kinh tế còn khó khăn. Một hôm, đệ tử Ngài coi về việc thủ quỷ trong chùa cầm một xấp hóa đơn đến thưa với Hòa thượng là: “ Sư Phụ! Gần đây trong chùa chúng bị đau răng rất nhiều, thường trụ đã hết lòng cấp cho họ phương tiện để đi chữa răng, số tiền chữa rất cao. Bọn họ nhận ân huệ của thường trụ rồi lại thường hổn ẩu với người, không nói được một lời tử tế. Theo con là chẳng nên xuất tiền cho họ rất uổng phí”.
Hòa thượng nói rằng: “Nhưng mà tôi vẫn kiên trì cho họ được đổi hàm răng tốt. Vì tôi thà để cho họ nói lời không tử tế chứ không thể không cho họ một bộ răng tốt để họ được tiện dụng khi mở miệng thuyết pháp có thể khiến đồ chúng vui vẻ, được pháp bảo, có giá trị vô thượng”.
Ý Ngài nói là tuy những người đó có nói năng với chúng trong nhà hơi thô tháo chút đỉnh không sao, để cho họ có bộ răng tốt lên pháp đường họ thuyết pháp, khiến mọi người thấy vui vẻ, cũng có giá trị chứ không có thiệt thòi.
Quý vị thấy đây cũng là nghĩ tốt cho người, và người được như vậy là tâm hồn nhẹ nhàng. Nếu những vị kia nghe được lời này thì chắc chắn trong lòng cũng hơi xấu hổ. Nghĩa là dù bị lợi dụng nhưng mà Ngài vẫn không so đo tính toán gì hết.
Ngài kể có nhiều trường hợp bị lợi dụng cái danh, tiếng tăm của Ngài. Vì nghe Phật Quang Sơn nổi danh nên họ cũng để hiệu nhà hàng của họ là “Phật Quang Sơn”. Đồ chúng đến thưa, Ngài cũng nói không sao coi như là bố thí sự lợi dụng cho họ. Ngài nói là: “Nếu Phật Quang Sơn không có danh tiếng gì thì họ không lợi dụng, nên chúng ta chẳng cần so đo tính toán ai lợi dụng ai. Nhân vì tất cả sự tướng thế gian đều có sự liên hệä lẫn nhau nên nguyện cho mọi người đồng hưởng được thành quả của sự hỗ tương lợi dụng – tức là lợi dụng lẫn nhau – để có thể phát huy giá trị tối cao của lợi dụng vậy”.
Lòng Ngài thoải mái, rộng rãi không bực bội, khó chịu, bị lợi dụng mà vẫn vui vẻ, tâm như vậy thì đâu có khổ, mà cũng đâu có bị thiệt thòi. Những tâm hồn như vậy sẽ sống rất thoải mái, lạc quan, tin tưởng. Đây là điều chúng ta cần phải học suốt cuộc đời.
(Thích Thông Phương)
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.