Câu chuyện dưới đây xảy ra trong cuộc đối đáp giữa Đức Phật và Bà la môn Janussoni :
Bà la môn Janussoni hỏi :
– Bạch tôn giả Gotama, chúng tôi là các Bà la môn chuyên làm các lễ cúng cho người chết với mục đích mong rằng sẽ đem lại lợi ích cho người chết. Như vậy thưa tôn giả có thật sự lợi ích không?
Đức Phật đáp :
– Này Bà la môn, nếu có Tương Xứng người chết sẽ hưởng được phẩm vật cúng dường, bằng ngược lại chẳng có lợi ích gì cả .
Bà la môn Janussoni nóng ruột hỏi :
– Nhưng thế nào là tương xứng và không tương xứng ?
– Này Bà la môn, ai sống sát sanh lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói thêu dệt, có tham ái, có sân si và tà kiến, sau khi mạng chung sanh vào Địa Ngục. Tại đó, y nuôi sống và tồn tại bằng thức ăn của địa ngục. Cúng đồ ăn của con người là không tương xứng. Y sẽ không hưởng được gì từ sự cúng dường của thân thuộc đó .
– Này Bà la môn, nếu người nào sống đầy dẫy 10 ác đã nêu, khi mạng chung bị sanh vào loài Bàng Sanh. Tại đấy, y nuôi sống và tồn tại bằng thức ăn của loài bàng sanh. Quả là không tương xứng, khi người thân quyến đem phẩm vật con người để cúng quảy cho họ. Làm sao người chết đã thọ thân bàng sanh ăn được?
– Ngay cả trường hợp, người chết khi còn sống tu tập, trau giồi 10 thiện nghiệp, được tái sanh làm Con Người, hoặc phước báu hơn là làm Chư Thiên đi nữa, thì tại đấy, tùy theo con người hoặc chư thiên, họ có món ăn riêng để nuôi sống hiện hữu của họ. Cả 2 trường hợp này cũng thật không tương xứng, nếu người thân quyến cúng dường mong người chết thọ nhận được. Người chết đã tái sanh làm người, làm chư thiên rồi làm sao thọ nhận !
– Duy có một trường hợp người chết tái sanh làm thân Ngạ Quỷ, món ăn nào mà thân quyến bè bạn con cáiẨ muốn hiến cúng cho họ thì họ sẽ trọn hưởng được. Loài ngạ quỷ sẽ sống và hiện hữu nhờ vào các món ăn cúng quảy này. Đây là trường hợp duy nhất có sự tương xứng .
– Thưa Tôn giả Gotama, người Bà la môn hỏi, các trường hợp người thân chết tái sanh vào các loài bàng sanh, địa ngục hay sanh lại làm người hoặc sanh làm chư thiên, sự cúng quảy không có sự thọ hưởng. Nhưng nếu người thân chết không tái sanh vào cõi ngạ quỷ, thì ai sẽ là đối tượng thọ hưởng những của bố thí đó?
– Này Bà la môn, nếu không là người thân thuộc đó, thì những người thân thuộc khác của người cúng, ở ngạ quỷ, sẽ được hưởng thay trọn phần .
– Nhưng nếu cả dòng họ thân thuộc của người bố thí ấy không có ai bị tái sanh trong ngạ quỷ thì phẩm vật cúng sẽ thuộc về ai?
– Không có trường hợp này, rằng chỗ ấy có thể trống không trong một thời gian dài mà không có một ai đó trong huyết thống bị sanh vào. Nhưng này Bà la môn, nên nhớ rằng, mặc dù thế, người bố thí ấy phải được hưởng quả báo tốt .
– Có phải Tôn giả đã nói về một giả thiết không thể xảy ra?
– Đúng thế, này Bà la môn, trong suốt quá trình sống, người nào tuy sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói thêu dệt, có tham có sân si, tà kiến, nhưng người ấy biết bố thí, ủng hộ cho những người có đạo đức, người sống vì sự nghiệp đạo đức. Người ấy khi mạng chung sẽ sanh cộng trú với loài voi, nhưng là loài voi được ăn uống, trang sức đầy đủ. Nếu nghiệp duyên của người ấy sanh vào loài ngựa, bò hay trâu, hay bất kỳ loài bàng sanh nào khác, thì tại đấy, y vẫn thọ hưởng đầy đủ đồ ăn uống trang sức tương xứng .
Nếu như ai đó, từ bỏ sát sanh, trộm cướp, tà hạnh từ bỏ nói láo, lời độc ác, lời hai lưỡi, lời thêu dệt, từ bỏ tham, sân si và tà kiến, lại còn biết bố thí và nhất là bố thí cho người có cuộc sống đạo đức, người vì sự nghiệp đạo đức. Khi người ấy tái sanh làm người, thì tại đấy y sẽ hưởng thọ 5 thứ công đức của loài người. Nêú người ấy tái sanh vào chư Thiên, thì tại đấy, y sẽ hưởng thọ 5 thứ công đức của chư thiên. Trong mọi trường hợp, người bố thí vẫn gặt kết quả tốt tương xứng. Người bố thí, cúng dường nhất định có kết quả .
Sau pháp thoại đầy ý vị, hứng thú Bà la môn Janussoni đã bỗng chốc trở thành một nam cư sĩ tinh tấn .
(Kinh Tăng Chi III, 539 — 543)
Bài pháp thoại Người chết có nhận được thức ăn người sống dâng cúng hay không được Thầy Thích Thiện Tuệ thuyết giảng tại Chùa An Lạc, Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh, ngày 05-05-2016 (02-04 Bính Thân)
Xem thêm bài giảng: Nên cúng chay hay mặn cho người đã mất | Có nên thờ cúng người đã mất? Có nên thờ cúng người đã mất? | Tại sao cần phải thờ cúng người mất được đại đức Thích Phước Tiến thuyết giảng tại chùa Bửu Lâm (Cao Lãnh, Đồng Tháp) ngày 11/03/2017 (14/02/Đinh Dậu)
Để lại một bình luận