Có nhiều vị đồng tu trong nhà chất cả một kho băng giảng kinh thuyết pháp và kinh sách, thế mà họ vẫn cứ thường xuyên săn tìm pháp mới. Tôi không biết là làm sao họ có đủ thời giờ để nghe cho hết đây? Trong khi đó, chính tôi, nhiều khi chỉ một bộ pháp mà tôi nghe đi nghe lại hoài vẫn chưa hiểu thấu, còn cần phải nghe thêm. Thật sự tôi không có giờ để nghe nhiều pháp như họ!
Ở đây có một cô đạo hữu còn rất trẻ, chưa tới 30 tuổi, có gia đình, vừa mới phát tâm ăn chay trường niệm Phật cỡ hơn một năm. Chồng của cô cũng phát tâm tu hành khá tốt. Trước đây anh ta rất thích đi câu cá để giải trí. Một cần câu trị giá cả ngàn đô la, nhưng khi biết tu, anh đã bẻ liệng rồi. Bây giờ thì anh lại thích cúng dường, bố thí, phóng sanh. Cô đạo hữu này nhiều lần tới gặp tôi, rồi nhờ tôi “Độ” giùm cha của cô. Cô nói, hầu hết cả nhà của cô đã chuyển hướng tu hành, niệm Phật. Chỉ riêng cha cô thì nhất định không theo. Tôi ở Úc, cha cô ở VN, hai nơi xa cách, thế mà cô cứ tới nhờ tôi “Độ!” giùm. Làm sao “Độ” đây? Có lẽ cô thấy tôi viết được vài lá thư khuyên người niệm Phật, thì tưởng rằng tôi là Bồ-tát chăng? Xin thành thật thưa rằng, cô ta đã lầm rồi, vì tôi dù sao cũng chỉ là thứ Bồ-tát bằng đất, qua sông tự mình giữ mạng không xong, làm sao có khả năng độ người!
Cô thật là một người đáng mến, đáng thương, có tâm hồn hiền lành, hiếu thảo. Nhiều lần cô nói chuyện với tôi mà nước mắt lưng tròng. Cô nghĩ tới cái cảnh người cha khó tránh khỏi khổ nạn trong tương lai mà nhiều lần cô nghẹn ngào rơi lệ. Cô nói với tôi:
– Cứ mỗi lần em khuyên cha em niệm Phật thì bị cha chửi mắng. Cha em nói, cha em biết Phật pháp từ lúc em chưa sanh ra kìa. Nếu muốn thì cha giảng cho nghe, chứ đâu cần gì em phải khuyên cha! Em sợ cha em cứ cống cao ngã mạn như vậy mà sau này bị đọa lạc!
Nói đến đó thì cô bậc khóc! Tấm lòng hiếu thảo, tâm địa thiện lương, tha thiết thương cha kính mẹ, có nghĩa với anh chị em, cô đã làm tôi nhiều lần phải cảm động!
Những người trong gia đình cô, mẹ, anh chị em, chồng con… hầu hết cô khuyên được. Họ là những người trước giờ chưa biết pháp, chưa biết tu hành, thế mà lại dễ chuyển. Còn người cha thì đã nghiên cứu quá nhiều kinh pháp, sách vở, nhưng lại không chịu tu!
Có một chị đạo hữu khác cũng thường tới đạo tràng niệm Phật. Có lần, chị cảm thấy quá buồn tức, mới đến tâm sự với tôi như vầy:
– Anh nghĩ coi, ảnh thì hiểu nhiều Phật pháp, nhiều lúc giảng Phậ pháp cho tôi nghe. Thế mà bây giờ thấy tôi đi chùa, làm Phật sự thì ảnh lại la, không muốn cho tôi đi. Thật sự Phật nói không sai mà, khi phát Bồ-đề tâm thì liền bị ma chướng. Nhưng tức một nỗi, con ma này lại là người trong nhà của mình!
Nhiều chuyện kể ra giống như chuyện tiếu lâm, nhưng lại là sự thật! Những người nghe nhiều pháp lại tu không được, đây đúng là điều buồn cười! Hay nói rõ hơn một chút nữa là, đời mạt pháp này nếu ham thích nhiều pháp thì thường bỏ tu. Đây thật là những chuyện lắt léo, tiếu lâm! Vì sao vậy? Vì tâm mất thanh tịnh. Căn cơ của chúng sanh trong thời này không đủ sâu để tiếp nhận giáo lý của Phật, không đủ năng lực để đi theo đường giáo hạ. Nếu không phải là hàng thượng căn mà ham nghiên cứu nhiều pháp môn, nhiều kinh điển, sẽ dễ bị mắc kẹt trong rừng thuật ngữ, mông lung trong biển pháp. Pháp giới mông huân, người căn tánh yếu, chính họ đã không biết đường đi, nếu không gặp được thiện tri thức hướng dẫn chuyên nhất, thì nay người chỉ hướng này, mai người khác dẫn hướng kia, mới đầu thì hay nhưng sau cùng thì mù mịt! Nghe một pháp thấy một đường, hai pháp thấy hai đường, nghe nhiều pháp thì trở thành mông lung ngỡ ngàng ở giữa vạn nẻo đường!
Đây chính là người kém phước vậy. Cuộc đời vô thường, số mệnh ngắn ngủi mà cứ chập chờn phân vân vô định, cứ chạy cà rông để thỏa tánh hiếu kỳ, một mai tử ma gõ cửa thì ô-hô! Cơ hội nào nữa để hồi đầu!
Ngài Ấn Quang dạy, chí thành chí kính thật là pháp nhiệm mầu để thành đạo nghiệp. Chí thành nghe theo lời Phật, hành theo lời Phật thì làm sao không đắc? Có thiện tri thức nào đáng tin hơn Phật. Phật dạy thời mạt pháp phải tu Tịnh độ, thế mà con người còn cứ chạy lung tung!
Trong hàng chư Phật có Phật nào cao hơn Phật A Di Đà? Đức A Di Đà phát thệ: 10 niệm tất sanh. Thế mà chúng sanh không niệm, lại chạy khắp đó đây để cầu kiếm thêm chút ít kiến thức. Vì mê kiến thức thế gian nên đường công phu mới hững hờ, dang dỡ! Người chưa có tâm thành kính mà hiểu biết nhiều pháp thường tự kiêu, cống cao ngã mạn, kém đức khiêm nhường. Những khuyết điểm này nó phá hỏng tâm thanh tịnh, che lấp cái chơn như bản tánh. Ngài Tịnh Không nói, người nghiên cứu nhiều, biết quá nhiều pháp môn không tin Tịnh độ, họ không chịu niệm Phật. Đây chính là hạng người thiếu thiện căn. Những lời này mới nghe qua giống như chuyện tiếu lâm, nhưng quả thực như vậy. Quý vị cứ thử đi tìm hiểu sẽ rõ.
Người đam mê đọc nhiều sách, muốn nghe nhiều pháp, muốn hiểu nhiều chuyện là vì chính tâm họ chưa có một chỗ nhất định để an trụ, thành ra tâm hồn cứ chơi vơi, lạc loài. Không có định tâm, thì tâm đang ở trong cảnh giới loạn động, hồ nghi, mập mờ, bất định. Họ thích sưu tầm những kiến thức thế gian bên ngoài để thỏa mãn sự đói khát của tình thức mà cứ lầm tưởng là chân lý. Họ đâu biết rằng Phật gọi kiến thức thế gian là thế trí biện thông – một loại sở tri chướng – cản trở sự thành tựu chân chính của người học Phật. Trong kinh Duy Ma nói, thế trí biện thông là một trong “bát nạn” của người tu hành!
Trong kinh Kim Cang, Phật dạy “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Nhiều người nói “Vô sở trụ” là không trụ ở đâu hết, tâm để trống không. Nhưng tôi thì không đủ khả năng nghĩ vậy, vì nếu để tâm trống không thì quá nguy hiểm, chẳng khác gì ngủ mê mà quên đóng cửa, lỡ kẻ xấu xâm chiếm vào thì tiêu mạng! Thành ra, “Vô sở trụ” chính là trụ vào cái chơn tâm, trụ nơi tâm thanh tịnh của mình, đừng buông lung ra ngoài nữa. Tập buông xả, đừng tham quá nhiều pháp, đừng cầu hiểu nhiều lý. Nên nhớ, tất cả đã có sẵn trong tâm rồi vậy.
Làm sao trụ vào chơn tâm? Cứ thành tâm niệm Phật, chí thành chí thiết cầu về Tây Phương. Một lòng niệm Phật, tưởng Phật, đem tâm trụ vào câu danh hiệu Phật, trụ vào Tây Phương Cực Lạc, thì chơn tâm sẽ có ngày hiển lộ. Đây gọi là “nhi sanh kỳ tâm” vậy.
Cũng xin đính chính rõ điều này, là chúng ta không nên “nghe nhiều pháp”, chứ không phải nói: không “nghe pháp nhiều”. “Nghe nhiều pháp” là nay nghe pháp này, mai nghe pháp nọ, cái gì cũng muốn thâu lượm cả. Người tu hành trong thời đại mạt pháp mà không chú ý đến điều này, thì như trong kinh Đại-Tập Phật nói, “…ức ức người tu hành không có một người chứng đắc”. Đây gọi là tạp tu, tạp niệm, xen tạp, một trong ba thứ kỵ cho người niệm Phật. Niệm Phật phải không hồ nghi, không xen tạp, không gián đoạn, trong đó xen tạp là tối kỵ trong tối kỵ, dễ đánh lạc tâm người niệm Phật mà mất phần vãng sanh. Còn “nghe pháp nhiều” là cách chuyên tu, nhất hướng chuyên niệm, một pháp thực hành cho tinh thuần, nghe đi nghe lại cho thật nhuyễn, càng nghe lý đạo càng thâm nhập vào tâm. Một pháp nhập tâm, thì tự tâm ta sẽ có tất cả pháp. Lục Tổ Huệ Năng nói, “Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp”, thật sự tất cả pháp ở trong chân tâm của chính chúng ta, chứ không phải ở ngoài. Cứ đi thẳng một đường để khai tâm, khi tâm được khai sẽ tự nhiên thấy tất cả.
Cố gắng xa lìa thế sự thường tình, ngày ngày cầm chuỗi niệm Phật. Tin Phật, tưởng Phật, niệm Phật, cầu sớm về Tây Phương thì thành đạo dễ dàng vậy.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Dinh Nguyen Van viết
Nam mô a di đa phật .tôi thực sự rất ghi nhận bài này. Nhưng muốn hỏi một câu này. Vừa niệm phật .vừa vẫy tay bài tập của dịch cân kinh có được không ah .
Nhân Quả viết
Xin trích câu trả lời của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam:
"Lúc đang vác củi, gánh nước cũng niệm Phật được. Lúc đang cọ nồi, rửa chén cũng niệm Phật được. Lúc cày bừa, cuốc xới, cắt cứa cũng niệm Phật được. Chẳng luận là đi, ngồi, ngủ nghê, thậm chí lúc đang đại tiểu tiện cũng đều có thể niệm Phật. Nói chung, trừ lúc phải dùng trí óc làm việc, ngoài ra thì dù đang làm gì cũng chẳng trở ngại việc niệm Phật cả. "
Nhuận Bảo viết
Theo tôi việc nghe nhiều pháp hay chuyên một pháp tùy căn cơ và tính kiên định của từng người.
– Nếu là người có niềm tin, phiền não tham sân si không lớn thì không cần nghe nhiều pháp.
– Những người có niềm tin lớn, có tính kiên định về pháp môn thì nghe nhiều pháp cũng không có vấn đề gì.
– Hạng người có phiền não lớn (nghiệp nặng) thì cần phải nghe nhiều pháp để biết cách chuyển hóa tham sân si của mình. Nếu tín nguyện hạnh tốt nhưng phiền não lớn quá cũng khó vãng sanh.
Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân mình như sau: bản thân tôi có tính tham ái nặng, nóng giận nhiều. Tôi xem nhiều sách của các tổ sư Tịnh Độ nhưng phiền não không giảm bớt, vì các tổ dạy phương pháp chuyển hóa phiền não thường đơn giản không cụ thể.Từ khi tìm hiểu thêm về giáo lý Nguyên thủy; các sách của HT. Thích Nhất Hạnh (phương pháp quán tử thi, nghệ thuật chuyển hóa cơn giận …) và hành trì thêm những phương pháp này, tính tham ái và tức giận của tôi giảm thiểu đáng kể. Bây giờ tôi niệm Phật dễ tập trung, không bị phiền não quấy nhiễu nhiều như trước.
Đây là kinh nghiệm bản thân, tôi xin chia sẻ để mọi người tham khảo.
pth viết
Cảm ơn bạn Nhuận Bảo đã chia sẻ kinh nghiệm. Tôi đồng tình với ý kiến của bạn, tu tập thì tùy căn cơ của từng người, có thể nghe nhiều pháp nhưng nhất định phải có chánh kiến, định hướng vững vàng và chọn cho mình một pháp môn chính (không được chạy qua chạy lại giữa các pháp môn). Bài viết trên chỉ muốn nhắn nhủ đến những Phật tử có tâm giao động quá lớn, không chọn cho mình 1 pháp môn cụ thể để tu tập và cứ lăn tăn giữa các pháp môn, mỗi lần nghe pháp môn nào cũng muốn tu theo pháp môn đó, điều đó ảnh hưởng đến hiệu quả của sự tu tập
A Di Đà Phật.