Trích đoạn số 1: Nhất Thừa Liễu Nghĩa , Vạn Thiện Đồng Quy trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa do Pháp Sư Tịnh Không thuyết giảng
Nhất Thừa liễu nghĩa, câu này viết hay quá! “Vạn thiện đồng quy”: Chữ “vạn” này không phải là con số, mà có nghĩa là viên mãn. Hết thảy các thiện pháp thế gian và xuất thế gian quy vào đâu? Quy vào A Di Đà Phật. A Di Đà Phật là gì? A Di Đà Phật là Tánh Đức, A Di Đà Phật là danh hiệu của tự tánh. Dịch theo văn tự, câu này là dịch âm từ tiếng Phạn, A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật nghĩa là gì? Trong kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật dùng hai chữ để giải thích ý nghĩa [của danh hiệu] Phật: Một là Quang, hai là Thọ. Quang tượng trưng điều gì? Quang tượng trưng không gian, Thọ tượng trưng thời gian. Nay chúng ta nói “thời – không” (thời gian và không gian) thì trong “thời – không” đã bao hàm hết thảy thiện pháp đều chẳng lìa A Di Đà Phật. A Di là Vô Lượng, vô lượng quang, vô lượng thọ, hoàn toàn là tự tánh, là vạn thiện đồng quy. Quý vị niệm câu Nam-mô A Di Đà Phật là niệm Nhất Thừa liễu nghĩa, vạn thiện đồng quy. Như chúng tôi vừa mới báo cáo đơn giản cùng quý vị: Một câu A Di Đà Phật bao quát toàn bộ vô lượng Phật hiệu được tuyên dương trong thập phương tam thế từ vô lượng kiếp đến nay. Một câu A Di Đà Phật triển khai thành bốn mươi tám nguyện, bốn mươi tám nguyện triển khai thành kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ triển khai thành Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, kinh Hoa Nghiêm triển khai thành hết thảy các pháp do đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm. A Di Đà Phật là tổng cương lãnh, là tột đỉnh của hết thảy các pháp do hết thảy chư Phật Như Lai đã nói; nhận biết rõ ràng điều này chẳng dễ dàng đâu nhé! Tôi học Phật gần như ba mươi năm mới hiểu chuyện này, cảm thấy may mắn khôn sánh, vui mừng khôn sánh, cũng chẳng còn chao đảo nữa, chẳng hoài nghi nữa! Như thế thì tám chữ trong hai câu này đã nói trọn vẹn những điều đó!
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.