Pháp thoại Những điều đã được Đức Phật tiên đoán do Thầy Thích Phước Tiến giảng trong khóa tu Một Ngày An Lạc lần thứ 112 tại Tu Viện Tường Vân, ngày 17.05.2020
BA THỜI KỲ TRONG 12000 NĂM PHÁP VẬN CỦA ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Từ trong Kinh điển, chúng ta biết được pháp vận của Đức Phật Thích Ca là 12000 năm. Trong 12000 năm này được chia ra làm 3 thời kỳ:
1. Thời kỳ Chánh Pháp: Được tính từ ngày Phật diệt độ đến 1000 năm sau. Trong thời kỳ này, mặc dù Phật đã diệt độ, nhưng pháp nghi vẫn không thay đổi. Có giáo pháp, có người nghiêm trì, và có người chứng đắc quả vị, nên gọi thời kỳ này là thời kỳ Chánh Pháp, hay còn được mệnh danh là thời kỳ “Thiền Định kiên cố”.
2. Thời kỳ Tượng Pháp: Được tính từ ngày kết thúc 1000 năm thời kỳ Chánh Pháp đến 1000 năm sau. Chữ “Tượng” ở đây có nghĩa là biểu tượng, tuy vẫn có giáo pháp, có sự hành trì, nhưng số người chứng đắc quả vị rất ít. Chúng sanh trong thời kỳ này do căn tánh không như thời Chánh pháp, tập khí phiền não quá nặng, cho nên tuy rằng có giảng dạy, có hành, nhưng không thể chứng quả. Thời kỳ này còn được gọi là ” Tự Miếu kiên cố”.
3. Thời kỳ Mạt Pháp: Được tính từ ngày kết thúc 1000 năm Tượng Pháp đến những ngày cuối cùng pháp vận của Phật Thích Ca, tức là 10000 năm. Chữ “Mạt” có nghĩa là suy vi yếu kém, Phật pháp trở nên suy tàn, chỉ có giáo pháp nhưng không có sự hành trì, càng không có người chứng quả. Thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ “Đấu tranh kiên cố”, vì giữa các tông phái chỉ biết đấu đá nhau, chỉ trích nhau, phỉ báng nhau, dẫn đến Phật tử nghi kỵ lẫn nhau, gièm pha và chống phá nhau. Hàng ngày chỉ biết bàn luận Phật này pháp nọ suông trên miệng, giảng Phật học rất nhiều, nhưng không ai chịu thật thà học Phật.
Sau thời kỳ Mạt Pháp chính là thời kỳ Diệt Pháp, lúc này các Kinh điển lần lần diệt mất, nên không có giáo pháp, không người giảng dạy, không người hành trì, không người chứng quả. Đây có thể nói là thời kỳ đau khổ nhất, tăm tối nhất của tất cả chúng sanh. Vì ánh sáng Phật pháp đã hoàn toàn tắt lịm, con người sống hoàn toàn trong vô minh đen tối, và không cách gì vượt thoát khỏi nẻo sanh tử luân hồi.
Thời đại chúng ta sống đây cách ngày Phật diệt độ hơn 2500 năm, đã qua thời kỳ Chánh Pháp và Tượng Pháp hơn 500 năm. Do đó, mà chúng ta đây là đang sống trong thời kỳ Mạt Pháp. Từ trên mặt bằng chung của Phật giáo mà tỉ mỉ quan sát, người học Phật rất nhiều, nhưng không ai chứng quả. Vì sao? Vì đa phần mọi người đều chỉ tu trên hình thức, chứ không chú trọng việc khai tâm. Có những Phật tử tuy ăn chay, bố thí, tụng Kinh, niệm Phật rất tốt, nhưng chỉ chuyên nặng về hình thức, không quan tâm đến việc dứt trừ phiền não vọng duyên. Nên biết, nếu vọng duyên tăng một phần, tất đạo tâm phải thoái thất một phần. Cho nên, dẫn đến dù có tụng Kinh, niệm Phật, làm các việc phước thiện, tâm cũng chẳng thể thanh tịnh, công phu chẳng thể tiến bộ, đạo nghiệp vẫn chẳng thể thành tựu. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng đã bảo:
” Người mê tu phước chẳng tu đạo
Bảo rằng tu phước ấy là đạo
Bố thí cúng dường phước không lường
Nơi lòng ba ác vẫn còn tạo”.
Trên là nói về Sự, còn về Lý thì nên biết rằng, Pháp tự nó không có “Chánh, Tượng, Mạt”, nhưng tâm con người thì có sự phân biệt “Chánh, Tượng, Mạt”. Do đó, nếu chúng ta giữ tâm chân chánh mà nghiêm túc học Phật, y theo những lời Phật dạy trong Kinh mà thực hành theo, đối với 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu, mà tuân giữ nghiêm cẩn như giữ tròng con mắt của mình, thì tuy sống giữa thời kỳ Mạt Pháp, ta vẫn có thể duy trì được Chánh Pháp, tức là vẫn có thể thành tựu Phật đạo.
A Di Đà Phật!
(Tài liệu tham khảo: Niệm Phật Thập Yếu, Pháp ngữ của Pháp sư Tịnh Không)
Bùi Vũ Long viết
NAM MÔ THẬP PHƯƠNG THƯỜNG TRỤ TAM BẢO
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.