Xã hội hiện đại đã xoá bỏ rất nhiều rào cản và phân biệt nam nữ. Tuy nhiên, so với người nam, người nữ hầu như thường chịu nhiều thiệt thòi hơn do một số bản chất đặc thù. Chúng ta cần thương yêu, che chở, đối đãi tử tế với người nữ trên tinh thần từ bi hỷ xả và trí tuệ
Vai trò và vị trí của nữ giới và nam giới trong xã hội thường được ấn định khác nhau trong các vùng văn hóa khác nhau. Vì các lý do chính trị, xã hội hay tôn giáo, từ xưa nam giới thường được đề cao, nữ giới thì giữ một vị trí khiêm tốn hơn, có nơi bị xem nhẹ, như ở các xã hội chủ trương “đa thê”, “phụ thê”, “nam nhất viết hữu, nữ thập viết vô”, phụ nữ ra đường phải che mặt, chỉ đảm nhiệm công việc gia đình, hay phải chịu tổn phí cưới hỏi…. Thậm chí thiếu mất quyền làm chủ gia đình và quyền lợi về giáo dục.
Ngày nay, trong các xã hội dân chủ và ở nhiều nước ở Âu, Mỹ thì chủ trương “nam nữ bình quyền” hay “nam, nữ bình đẳng”; một số nơi khác thì hiện tượng kỳ thị giới tính trở nên bớt gay gắt. Tuy thế, ý nghĩa về “nam, nữ bình đẳng” vẫn tiếp tục được bàn cãi, tranh luận.
Qua kinh tạng Pàli, đức Phật phủ nhận sự phân chia giai cấp xã hội và kỳ thị giới tính. Ngài dạy hành động (hay việc làm) nói lên giá trị của mỗi người là Bà La Môn, Sát Ðế Lợi, Phệ Xá hay Thủ Ðà La, mà không phải là dòng dõi hay chủng tộc. Ngài chủ trương không có giai cấp trong “dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Chủ trương này phổ biến đối với quần chúng Phật tử và các giới nghiên cứu Phật học đến độ chúng ta không phải trực tiếp trưng dẫn những lời dạy của Ngài. Ðương thời, các người thuộc bốn giai cấp của xã hội Ấn, và ngay cả những người có gốc là kỹ nữ, ngoại đạo hay kẻ cướp đường, nếu có quyết tâm giải thoát đều được chấp nhận vào Tăng chúng, Ni chúng hay nam, nữ cư sĩ.
Dù vậy, ý nghĩa bình đẳng giới tính trong giáo lý của Ðức Phật cũng cần được thêm một lần nữa minh thị, hiển thị qua chính những lời dạy của Ðức Phật được kiết tập trong kinh tạng Pàli.
Trước hết, từ “bình đẳng giới tính” hay “bình đẳng nam, nữ” cần được xác định ý nghĩa.
- Bàn tay có năm ngón không đều nhau ở vị trí khác nhau và có chức năng khác nhau. Ý nghĩa bình đẳng giữa các ngón tay là ý nghĩa giữ đúng vị trí và chức năng tự nhiên của mỗi ngón.
- Trái tim con người phải làm việc 24 giờ/ngày; nếu tim ngưng nghỉ thì sự sống chấm dứt. Óc của con người nếu làm việc 24 giờ/ngày như tim thì mọi người sẽ điên loạn mất, sự sống cũng không còn.
- Thế nên, ý nghĩa bình đẳng ở đây không đòi hỏi tim, óc phải giống nhau, bằng nhau, mà mỗi thứ phải giữ đúng chức năng tự nhiên của nó trong một vận động hòa điệu.
- Cũng thế, nữ giới và nam giới trong xã hội con người, mỗi giới có một thiên chức thiêng liêng khác nhau của “người mẹ hiền” và “người cha thân”. Ý nghĩa bình đẳng giữa nam giới và nữ giới ở đây là cần có đủ điều kiện để thể hiện tròn đầy thiên chức của mình, mà không phải là bằng nhau hay giống nhau ở vai trò hay thiên chức xã hội. Mỗi giới có các điều kiện xúc cảm, tình cảm, tâm, sinh, vật lý và chức năng khác nhau nên giữ các vai trò gia đình, đoàn thể và xã hội khác nhau. Ðây là sự sống. Hệt như cái nút chai khác với cái chai, nhưng cần thích ứng nhau để có công dụng – nếu cả hai là nút chai, hay là chai thì thật là ngỡ ngàng!
Trong Kinh Tương Ưng Bộ IV, Chương 3, Phẩm Trung Lược, Phần Đặc Thù, Đức Phật đã dạy về những thiệt thòi của phụ nữ:
“Này các Tỷ-kheo, có năm đau khổ riêng biệt mà người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người đàn bà lúc trẻ tuổi đi đến nhà chồng, không có bà con. Ðây là đau khổ riêng biệt thứ nhất, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu điều đó khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người đàn bà có kinh nguyệt. Ðây là đau khổ riêng biệt thứ hai, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải mang thai. Ðây là sự đau khổ riêng biệt thứ ba, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một người đàn bà phải sanh con. Ðây là đau khổ riêng biệt thứ tư, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người đàn bà hầu hạ đàn ông. Ðây là đau khổ riêng biệt thứ năm, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông.
Này các Tỷ-kheo, đây là năm đau khổ riêng biệt, này các Tỷ-kheo, người đàn bà phải gánh chịu, khác biệt với đàn ông. (Kinh Đặc Thù)
Bài kinh này nói năm nỗi khổ chỉ có ở đàn bà:
- Làm dâu xứ lạ, chim đa đa đậu nhánh đa đa
- Rắc rối mỗi tháng.
- Bầu bì nặng nhọc.
- Sinh sản đau đớn nguy hiểm.
- Phải chịu lép vế trước đàn ông.
Xem thêm: Thân nữ và những điều chướng ngại
So với người nam, người nữ hầu như thường chịu nhiều thiệt thòi hơn. Cho nên, chúng ta hãy luôn luôn thương yêu, che chở, đối đãi tử tế với người nữ trên tinh thần từ bi hỷ xả và trí tuệ.
Namo Buddhaya
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.