Trích đoạn số 7: Niệm Phật như thế nào? nằm trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa do Pháp Sư Tịnh Không thuyết giảng
Cái “giới nhĩ năng niệm chi tâm” này là chân tâm, mà cũng là vọng tâm; trong các thứ vọng tâm, nó gần với chân tâm nhất. Vì sao? Chẳng khởi tâm, chẳng động niệm nó là chân tâm. Hễ khởi tâm động niệm, nó là vọng tâm, chỉ là cái tâm bé nhỏ này vừa mới dấy lên [ý niệm]. Nhìn từ phía chân và vọng, cái tâm này khó có; dùng cái tâm này để niệm Phật thì cái tâm ấy chính là “Như Lai quả giác” được nói đến ở đây. Người ấy chẳng mê, chẳng có Hoặc (phiền não), [tức là] chẳng mê hoặc. Khi một niệm tâm khởi lên, bèn A Di Đà Phật; niệm Phật phải niệm theo cách như vậy. Nay chúng ta là phàm phu, là lục đạo phàm phu chính cống; nếu trong kinh Đại Thừa, đức Phật không nói ra, chúng ta sẽ vĩnh viễn không nhận biết một niệm tâm này. Nó quá vi tế, “giới nhĩ” có nghĩa là “vi tế” (nhỏ nhiệm), cực kỳ vi tế, chúng ta không có cách nào nghĩ tưởng được! Chúng ta vừa mới dấy lên một niệm suy tưởng, Di Lặc Bồ Tát đã bảo: Trong một niệm tưởng, có “ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, đấy là “giới nhĩ năng niệm chi tâm” (cái tâm có thể niệm nhỏ nhoi này). Chúng ta vừa mới tưởng, trong cái ý niệm vừa dấy động ấy, bèn có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Di Lặc Bồ Tát đã cho chúng ta biết: [Ba mươi hai ức trăm ngàn niệm chỉ là] trong khoảng khảy ngón tay, cho nên không có cách nào thấu hiểu điều này được! Trong kinh, đức Phật cũng nói rất rõ khi nào quý vị mới có thể quan sát, nhận biết những niệm vi tế này tồn tại: [Phải là khi đã đạt đến] Bát Địa Bồ Tát, tức Bát Địa Bồ Tát [trong Viên Giáo] như kinh Hoa Nghiêm [đã nói]. Từ Thất Địa trở về trước, đều không có cách nào cảm nhận được! Bát Địa Bồ Tát có công phu định lực như vậy, chúng ta gọi [công phu ấy] là “thanh tịnh tâm”. Cái tâm thanh tịnh ấy đạt đến mức độ tinh thuần như vậy, nên Ngài mới cảm nhận được. Cao hơn nữa là Cửu Địa, Thập Địa, Thập Nhất Địa (Đẳng Giác), trên nữa là Diệu Giác, đó chính là viên mãn, tức quả Phật rốt ráo viên mãn! Nay chúng ta nên học như thế nào? Phải rèn luyện trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta có thể học theo bí quyết về phương pháp huấn luyện trong cuộc sống thường ngày của Ấn Quang đại sư, bí quyết gì vậy? [Chính là] chữ Tử trong “sanh tử”, thường nghĩ đến lúc phải đối diện cái chết. Đừng sợ chết! Quý vị phải biết: Chết là thân có sanh tử, chứ linh hồn (thần thức) không có sanh tử! Nếu sau khi chết, cái gì cũng đều không có, linh hồn cũng chẳng có; nói chung, chúng ta cũng chẳng cần phải học Phật, cũng chẳng cần phải tu hành, giống như phàm nhân thường nói “người chết như ngọn đèn đã tắt”. Chết rồi, cái gì cũng đều chẳng có! Không phải vậy! Thân chết, linh hồn không chết; linh hồn lại đi đầu thai, tức là nói “luân hồi trong lục đạo”, chuyện này phiền phức lắm! Chúng ta phải thật sự hiểu rõ, minh bạch chân tướng sự thật này: [Thần thức] chẳng thể chết được! Trong quá khứ, khi giảng kinh, tôi đã nói rất nhiều lần, chết là phiền lắm! Phiền phức quá lớn! Nhất định phải vãng sanh Tịnh Độ trong một đời này, vãng sanh Tịnh Độ là thành Phật!
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.