Ngay trước khi khởi đầu của thời gian, nữ thần Ticca dong chơi trong vườn và tạo ra những hình tượng bằng đất bùn.
Cùng lúc đó lại trùng hợp với chuyện là bà mẹ của Ticca đang bận âm mưu cùng với các chị em của bà để chống lại gia đình chồng bà nên bà không nhận thấy rằng đứa con gái nhỏ của bà đã trở thành một người đàn bà trẻ có thể tạo ra được sự sống. Do sự lơ đễnh của bà mẹ cô, Ticca không hay biết rằng cô đã có được những quyền năng mới và những trách nhiệm trao phó vào tay người đàn bà.
Ticca rất thích thú với một hình tượng được khéo nặn thật đẹp đẽ nên cô thổi vào mũi tượng. Tượng lập tức biết thở và mở mắt ra. Vị nữ thần trẻ sợ hãi chạy đi tìm mẹ và kể cho mẹ nghe những chuyện vừa xảy ra.
Bà mẹ trách mắng: “Hư đốn, đứa con hư đốn! Lúc pho tượng sống dậy nó có nhìn thấy con không?”
“Chỉ thoáng một chốc lát. Rồi con đã biến đi rồi.”
“Trời đất ơi! Thôi, giờ thì chẳng còn cách nào khác là báo cho cha con biết thôi.” (Ông rất là giận giữ, vì ông phải tạo lập nên cả một thế gian để chứa đựng trò chơi thơ dại của con gái ông.)
Như vậy là con Người được tạo dựng từ tình thương thơ ngây của một đứa trẻ thiên thần. Tuy thế, những gì con Người thấy được trong thoáng nhìn đầu tiên đó đã lưu lại với người mãi mãi: Cái tri giác bẩm sinh về nguồn gốc thánh thiện của con Người.
Lời Phật dạy chúng ta quay nhìn vào nội tâm là đặt trên cơ sở lòng xác tín phi thường rằng ngay trong nhân tố cấu tạo cơ bản nhất của chủng loại chúng ta – giống như cái thoáng nhìn thấy nữ thần Ticca trong chuyện huyền thoại – tất cả chúng ta đã hiểu biết về nguồn gốc của mình. Thiền dạy rằng chúng ta chỉ cần nhìn, nhìn cho thật kỹ càng.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(phỏng dịch theo Zen Fables For Today
của Richard McLean)
Để lại một bình luận